Dự luật Hạ viện Úc mới thông qua được cho là sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của các công ty công nghệ - Ảnh: AFP
Tính đến chiều tối cùng ngày (giờ VN), các công ty công nghệ như Google, Facebook và Apple vẫn chưa đưa ra bình luận gì về động thái mới nhất của Hạ viện Úc.
Quan ngại về quyền riêng tư
Cũng trong tuần này, cả hai đảng chính trị chính của Úc đều khẳng định ủng hộ thông qua dự luật. Theo Bloomberg, Đảng Lao động đối lập cho biết sẽ rút các "điều chỉnh" với dự luật mà đảng này yêu cầu trước đó. Động thái này cho phép Thượng viện bỏ phiếu thông qua dự luật.
Dù vậy, tại phiên họp Quốc hội ngày 6-12, đại diện Đảng Lao động bày tỏ quan ngại dự luật có thể làm suy yếu an ninh dữ liệu và gây nguy hại cho việc chia sẻ thông tin với giới chức Mỹ trong tương lai, vì phía Mỹ sẽ cảm thấy Úc thiếu các cơ chế bảo vệ quyền riêng tư.
"Các bên liên quan quan ngại rằng các quy định mới có thể khiến nước Úc kém an toàn hơn bằng cách làm suy yếu hệ thống mã hóa cơ sở dữ liệu, vốn đang bảo vệ cơ sở hạ tầng của quốc gia chúng ta" - ông Mark Dreyfus của Đảng Lao động nói trước Quốc hội Úc.
Dù đã bỏ phiếu thông qua dự luật tại Hạ viện, nhưng Đảng Lao động vẫn sẽ đàm phán thêm với chính phủ và đưa dự luật ra tranh luận ở Thượng viện.
Hôm qua là cuộc họp Quốc hội cuối cùng của Úc trong năm nay cho đến phiên họp kế tiếp, dự kiến vào tháng 2 năm sau.
Trước đó, Chính phủ Úc khẳng định dự luật này là cần thiết để phản ứng trước các cuộc tấn công quân sự và các tổ chức tội phạm. Theo đó, các cơ quan an ninh quốc gia Úc sẽ cần xin lệnh để có thể truy cập cơ sở dữ liệu cá nhân của các công ty công nghệ trên.
"Tôi sẽ đấu tranh để dự luật về mã hóa thông tin được thông qua. Tôi muốn thấy cảnh sát của chúng ta có đủ quyền lực cần thiết để ngăn chặn những kẻ khủng bố" - Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với các phóng viên tại Canberra, sau bài phát biểu của ông Dreyfus.
Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan tình báo Úc (ASIO) cho biết có tới 90% các vụ việc ưu tiên mà cơ quan này phải điều tra liên quan đến các thông tin đã được mã hóa.
Úc muốn ban hành luật này, sau khi Hãng Apple từ chối trợ giúp cơ quan điều tra Mỹ phá mã điện thoại iPhone của một kẻ tình nghi khủng bố để có thể tiếp cận các thông tin lưu trữ trên máy.
Tranh cãi
Trước đây, Apple từng nói trong một lá đơn gửi lên các nhà lập pháp Mỹ rằng việc truy cập các dữ liệu đã mã hóa đồng nghĩa với việc mật mã mã hóa sẽ bị suy yếu và tăng rủi ro bị tin tặc tấn công.
Cũng liên quan đến dự luật "gây tranh cãi" trên của Úc, một người phát ngôn của Facebook đã gửi riêng cho Reuters một tuyên bố chung của Nhóm công nghiệp số (DIGI) mà Facebook cũng như Apple, Google, Amazon và Twitter đều là thành viên với nội dung rằng: "Quy định này không đồng nhất với quy định về giám sát và quyền riêng tư của Liên minh châu Âu và các quốc gia khác có mối quan tâm an ninh quốc gia mạnh mẽ".
"Dự luật của Chính phủ Úc vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề quan trọng, điển hình nhất là việc phải phơi bày điểm yếu của hệ thống mã hóa dữ liệu, có thể khiến an ninh dữ liệu của nước Úc gặp nguy hiểm" - DIGI nói thêm.
Nếu dự luật được thông qua và chính thức ban hành thành luật, Úc sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới yêu cầu cách tiếp cận sâu rộng đối với các công ty công nghệ và các nước khác. Đặc biệt, mạng lưới tình báo Five Eyes bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand sẽ sẵn sàng ban hành điều luật tương tự tại nước họ.
Trước đó, Five Eyes từng liên tục đưa ra cảnh báo an ninh quốc gia đang bị đe dọa, bởi vì các nhà chức trách không thể giám sát sự liên lạc của những người đáng ngờ.
Anh cáo buộc Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng
Trái với những tuyên bố lâu nay của Facebook về việc không bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng, 200 trang tài liệu vừa được tiết lộ tại Quốc hội Anh lại cáo buộc sự thật ngược lại.
Theo Hãng tin Reuters, hơn 200 trang tài liệu nội bộ (gồm email, tài liệu riêng của tổ chức) liên quan tới các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu người dùng của Facebook với các công ty khác trong giai đoạn 2012-2015 (giai đoạn phát triển bùng nổ của mạng xã hội này) đã được các nghị sĩ Anh trình bày tại Quốc hội ngày 5-12.
Điều đáng nói, những thông tin này cho thấy Facebook đã đạt được thỏa thuận chia sẻ dữ liệu người dùng này với một số công ty cụ thể như Airbnb, Lyft và Netflix, sau khi đã công bố chính sách không chia sẻ dữ liệu người dùng với các công ty khác.
Theo Đài NPR, trong thông cáo phát đi ngày 5-12, Facebook lặp lại quan điểm họ không bao giờ bán dữ liệu người dùng. Họ cũng cho rằng những tài liệu vừa được công bố không nên bị tách ra khỏi ngữ cảnh cụ thể của nó. Tuy nhiên, nghị sĩ Damian Collins, người mở cuộc điều tra về tin giả và mạng xã hội của Quốc hội Anh, cho rằng họ cảm thấy đã không nhận được những câu trả lời thỏa đáng từ Facebook.
ĐỖ DƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận