Giáo sư Geoffrey Dobson là người đứng đầu các giáo sư tại trường James Cook - Ảnh chụp màn hình
Dù dự án được quân đội Mỹ tài trợ với mục đích phục vụ cho các binh sĩ bị thương nặng trên chiến trường, nó cũng được xem là một tin vui đối với dân thường.
Nếu được đưa vào các hoạt động y tế dân sự, loại thuốc này có thể cứu sống các trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng ở nơi xa xôi hẻo lánh như bị cá mập tấn công hay các biến chứng sản khoa.
Theo Giáo sư Geoffrey Dobson thuộc Khoa dược và nha khoa của Đại học James Cook (JCU), loại thuốc này được phát triển từ ý tưởng làm chậm quá trình trao đổi chất, từ đó giảm tốc độ tiêu hao năng lượng, giúp kéo dài "thời gian sinh học" cho các bệnh nhân.
"Thời gian là mới là sát thủ thật sự. Thời gian sinh học có liên quan đến tốc độ trao đổi chất và tuổi thọ của cơ thể", ông Dobson giải thích trên Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 8-8.
"Nếu như những động vật nhỏ có nhịp sống nhanh với tốc độ trao đổi chất tương đương với một chiếc xe đua Công thức I và những động vật có vú lớn hơn có tốc độ trao đổi chất tương đương một máy kéo thì tốc độ trao đổi chất ở con người ở khoảng giữa hai ngưỡng này", vị giáo sư người Úc giải thích.
Do đó, việc phát triển một loại thuốc làm chậm quá trình trao đổi chất ở những bộ phận khác nhau trong cơ thể sẽ giúp kéo dài thêm thời gian sinh học quý giá và tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân bị thương nặng trong lúc chờ được ứng cứu.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Phẫu thuật chấn thương, giáo sư Dobson và các đồng nghiệp phát hiện thấy loại thuốc này tác động tới quá trình trao đổi chất ở một số bộ phận quan trọng trong cơ thể, trong đó có não và tim.
Điều này giúp cải thiện quá trình vận chuyển oxi và có thể giúp kéo dài thời gian sống sót của bệnh nhân thêm từ 3 đến 7 ngày, thậm chí có thể lâu hơn.
Dự kiến loại thuốc này sẽ được thử nghiệm trên cơ thể người trong vài năm nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận