Rắn Viper có thể phun lượng nọc rất lớn mỗi lần cắn - Ảnh: Alamy Stock Photo
Báo Guardian ngày 27-5 đưa tin nhóm các nhà khoa học hi vọng tìm ra phương pháp chữa rắn cắn bằng cách dùng cùng công nghệ đã phát hiện ra kháng thể HIV.
Giáo sư Robert Harrison, đứng đầu trung tâm nghiên cứu rắn cắn tại khoa y học nhiệt đới của trường Liverpool (Anh), cho biết nhóm tập trung nghiên cứu để tìm ra chất giải nọc độc rắn từ "các kháng thể của con người" hơn là các liệu pháp dựa trên động vật - thỉnh thoảng gây tác dụng ngược đối với các nạn nhân bị rắn cắn.
"Chúng tôi đang theo đuổi những gì mà chúng tôi gọi là các phương pháp chữa trị rắn cắn 'thế hệ tiếp theo' với hi vọng có thể chữa trị vết cắn từ bất cứ loài rắn nào tại châu Phi hay Ấn Độ" - ông Harrison nói.
Nhóm nghiên cứu nhắm theo hướng tìm ra thuốc chữa rắn cắn phổ biến sau khi bác sĩ Devin Sok, chuyên gia HIV của Mỹ, phát hiện ra phương pháp định vị nhiều chuỗi kháng thể kháng HIV khác nhau có thể áp dụng cho vết thương do rắn cắn.
Bác sĩ Sok sau đó đã liên hệ với khoa học gia Harrison của Liverpool.
Rắn Carpet Viper có nọc độc cực mạnh được nhìn thấy tại Kenya - Ảnh: AFP
Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Rory Stewart tuần trước tuyên bố chi quỹ 9 triệu bảng Anh (khoảng 11,5 triệu USD) cho nghiên cứu trên.
"Tại nhiều khu vực ở châu Phi và châu Á, rắn cắn là mối đe dọa hằng ngày, gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc trường hợp tệ nhất là cái chết" - bộ trưởng Stewart nói.
Báo Guardian cho biết mỗi năm có gần 3 triệu người bị rắn cắn trên thế giới.
Khó khăn lớn nhất của nhóm nghiên cứu trong việc tìm ra liệu pháp chữa rắn cắn "phổ thông" vì có khoảng 250 loài rắn có nọc độc và nọc của chúng khác biệt nhau cũng như rất phức tạp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận