Đoàn công tác của huyện Hoàng Sa thắp hương cho cụ Trần Thanh Kim - nhân chứng Hoàng Sa. Ảnh: B.D
Ông Lê Tiến Công cho biết hoạt động thăm hỏi, động viên, chúc tết được UBND huyện Hoàng Sa, chính quyền Đà Nẵng duy trì và như một hoạt động ý nghĩa làm ấm lòng gia đình các nhân chứng Hoàng Sa.
Dịp 19-1 năm nay, có 23 gia đình các nhân chứng sinh sống tại Quảng Nam, Đà Nẵng được chính quyền huyện Hoàng Sa tổ chức thăm hỏi, chúc tết.
"Những gia đình nào có nhân chứng đã quá già yếu, không thể đi lại được hoặc nhân chứng đã qua đời thì anh em tổ chức tới gia đình thăm hỏi, chúc tết. Những người khoẻ mạnh hơn, còn minh mẫn và đi lại được thì chiều 18-1 UBND huyện sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật tại Nhà trưng bày Hoàng Sa để trò chuyện, ôn lại những thời khắc không thể quên ở Hoàng Sa" - ông Công nói.
Đoàn thăm hỏi, động viên thân nhân của nhân chứng Hoàng Sa Mai Tiễn - Ảnh: B.D
Hiện tại còn rất nhiều gia đình các nhân chứng đang sinh sống tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong các ngày 14 và 15-1, nhiều gia đình nhân chứng cũng đã được đoàn huyện Hoàng Sa tới thăm hỏi, chúc tết. Hoàn cảnh riêng, tình hình sức khoẻ của những nhân chứng luôn được UBND huyện Hoàng Sa nắm bắt, tìm cách chia sẻ, động viên và hỗ trợ.
Trong số các nhân chứng Hoàng Sa có ông Trần Thanh Kim (quận Sơn Trà). Gia đình cho biết năm 1949 ông Kim là sỹ quan của Thành đội Đà Nẵng, hoạt động bí mật và sau đó thì bị Pháp bắt khi đang trong hầm trú ẩn tại xã Hoà Tiến (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng).
Nhân chứng Trần Văn Hảo (79 tuổi, trú tại đường Phan Thanh) nhiều năm nay đã nằm liệt giường - Ảnh: B.D
Năm 1950 ông Kim bị đưa ra Hoàng Sa cùng với một số anh em khác, công việc của ông là xây đắp, nới rộng đảo. Tới 1951 ông Kim được đưa về đất liền. Sau khi kết thúc chiến tranh, ông Kim sinh sống tại Đà Nẵng và làm trong ngành Công đoàn. Do tuổi cao, sức yếu nên năm 2013 ông Kim đã qua đời.
Ngoài ông Kim, sáng 16-1 đoàn cũng tới thắp hương, động viên gia đình thân nhân những nhân chứng đã qua đời.
Đặc biệt, cuộc gặp với những nhân chứng đã già yếu, có hai người nằm liệt giường nhiều năm nay như cụ Trần Văn Hảo (79 tuổi, trú tại đường Phan Thanh), cụ Võ Như Dân (84 tuổi, trú tại đường Hoàng Diệu) là cuộc hạnh ngộ xúc động dù năm nào những cuộc gặp như vậy cũng được tổ chức.
Nhân chứng Hoàng Sa ngày một rơi rụng vì tuổi tác, bệnh tật - Ảnh: B.D
Cụ Trần Văn Hảo giờ đã nằm trên giường, thân thể gầy rộc và trí nhớ rất kém. Nhưng khi thấy đoàn của UBND huyện Hoàng Sa tới, cụ vẫn cố gượng dậy để nắm tay cán bộ, khách tới thăm để kể chuyện.
Gia đình cho biết cụ Hảo ra Hoàng Sa năm 1972 và là một trong những người có mặt trong trận Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Sau sự kiện 19-1-1974, cụ Hảo bị bắt và sau đó được trả về. Khi đất nước được giải phóng cụ về lập gia đình, sinh sống tại Đà Nẵng và mưu sinh bằng nghề xe ôm. Nhiều năm nay, cụ Hảo phải nằm liệt giường do tai biến.
Nhân chứng Hoàng Sa - cụ Võ Như Dân - Ảnh: B.D
Cách nhà cụ Hảo không xa, cụ Võ Như Dân từ gần 2 tháng nay cũng đã nằm liệt giường. TS Lê Tiến Công cho biết những năm trước, mỗi lần thông báo đoàn của huyện Hoàng Sa tới thăm là cụ Dân rất mong, cụ dậy dọn dẹp nhà cửa, pha trà nước để đón anh em.
Nhưng năm nay khi đoàn tới, cụ đã không thể nói được nữa, thân thể cụ đã tiều tuỵ, khô gầy sau cơn tai biến.
"Cụ rất quý và biết mặt nhiều anh em cán bộ UBND huyện Hoàng Sa. Đặc biệt là mỗi lần đoàn tới mà không có ông Lê Phú Nguyện - chánh văn phòng UBND huyện là cụ lại hỏi" - ông Công nói.
Nhân dịp Tết nguyên đán sắp tới và tưởng nhớ ngày mất Hoàng Sa, đoàn công tác đã thăm hỏi, tặng mỗi gia đình nhân chứng 1.000.000 đồng kèm quà tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận