04/12/2022 08:00 GMT+7

Ứa nước mắt cảnh công nhân nghỉ việc làm tiệc chia tay ngay trên vỉa hè

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - "Thấy cảnh này mà chảy nước mắt. Cố lên, rồi cũng qua thôi", "Cầu mong cho mọi người sớm có việc làm ổn định trở lại". "Thương cho anh chị em công nhân quá. Làm việc vất vả, đến lúc chia tay cũng không có buổi tiệc cho đàng hoàng nữa"...

Ứa nước mắt cảnh công nhân nghỉ việc làm tiệc chia tay ngay trên vỉa hè - Ảnh 1.

Các công nhân mất việc chia tay trên vỉa hè ngày 30-11 - Ảnh: VŨ THỦY

Trên đây là ý kiến chia sẻ của bạn đọc xung quanh câu chuyện Công nhân ‘hùn’ tiền ăn chia tay ngay trên vỉa hè khi công ty cho nghỉ việc hàng loạt.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 28-11-2022, hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc.

Trong đó hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.

Trước khó khăn đó của người lao động, các tổ chức của người lao động cũng nỗ lực tìm cách để vận động tìm việc làm, kết nối việc làm mới cho họ.

Nhưng trong bối cảnh tình trạng thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất diễn ra trong nhiều ngành hàng, không phải là tình trạng cục bộ của một địa phương, một doanh nghiệp thì mọi thứ không dễ dàng.

Những ngày cuối năm, khi nhiều công ty bắt đầu công bố lương thưởng Tết thì người lao động rơi vào cảnh mất việc, giảm thu nhập sẽ chạnh lòng biết mấy.

"Cuối năm rồi mà gặp tình cảnh này thật thương! Mong các bạn vượt qua khó khăn này..." - bạn đọc Hoàng Tiến viết.

Ứa nước mắt khi nhìn cảnh các công nhân phải rời xa với nơi mà họ gắn bó, lại phải chia tay trong hoàn cảnh gần cuối năm, ngay trên vỉa hè, bạn đọc Hoài Nam xúc động: "Thương cho anh chị em công nhân quá. Làm việc vất vả, đến lúc chia tay cũng không có buổi tiệc cho đàng hoàng nữa".

Với suy nghĩ cùng động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, bạn đọc Tan Thuong Huynh viết: "Đọc mà thấy xót xa, mong cho Liên đoàn Lao động TP.HCM kêu gọi lá lành đùm lá rách. Chí ít giới thiệu cho họ có việc làm vì Tết sắp đến. Chúc tất cả bình an, may mắn"!

Nhắc lại câu chuyện cách nay 6 năm, bạn đọc Nguyễn Xuân Giang kể: "Năm 2017 tôi có làm một đề tài cao học về công nhân. Sau khi lấy khảo sát tại một khu nhà trọ ở Bình Dương tôi mời ba phòng trọ thân tình đi ăn tối (sáu người). Khi về ai đó nói “đã ba năm rồi tụi em mới được đi ăn ngon như vậy”. Tôi nhớ mãi câu này"!

Lực lượng công nhân là những người trực tiếp lao động sản xuất, tuy nhiên đời sống của họ có thể nói còn rất nhiều khó khăn, đa phần phải ở nhà thuê, chắt chiu dành dụm từng đồng gởi về quê, nay đến gần Tết lại phải mất việc, tình cảnh càng bi đát hơn.

Về ý này, bạn đọc Nguyễn Song Giang đề nghị: "Mong các công nhân sớm tìm được việc làm. Công nhân nghỉ việc bao gia đình khó khăn, bao con trẻ phải dừng việc học. Mong Nhà nước mình sớm tạo điều kiện cho công nhân mất việc tìm được việc làm có thu nhập sinh sống, nuôi con em đi học".

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bạn đọc Phạm Thiết Hùng diễn giải: "Nền kinh tế của Việt Nam đã thâm nhập sâu, rộng vào thị trường thế giới. Để bảo vệ người lạo động, Nhà nước Việt Nam đã ban hành các bộ luật về lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế... Nhưng có thời gian trước đây, người lao động đã tự bỏ đi quyền lợi của mình. Đó là khước từ đóng bảo hiểm xã hội. Giờ chủ lao động sa thải, người lao động đã tự đặt mình vào bất lợi".

Theo bạn đọc Phạm Thiết Hùng: "Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho những người lao động đang còn làm việc tại các công ty suy nghĩ lại về quản trị cuộc sống của mình. Bởi vài năm sau đây, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Người lao động phải tự cứu mình. Dù có trợ giúp cũng chỉ là một vài bữa ăn...".

Mổ xẻ vấn đề cũng là tìm ra quyết sách phù hợp để có hướng giải quyết, bạn đọc Trung Phạm bổ sung: "Ảnh hưởng đại dịch tác động rất lớn lên doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, họ vừa cầm cự và chống chọi để tồn tại... nhưng lực bất tòng tâm. Do đó, khi vào thời điểm cuối năm, phải cho người lao động nghỉ nhiều đến vậy".

Theo bạn đọc này, thật ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước có, nhưng doanh nghiệp rất khó để có thể tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, bởi do sau đại dịch có nhiều doanh nghiệp cá nhân vướng nợ xấu. Trong khi đó, các ngân hàng không thể cho vay khi khách hàng đang kinh doanh không hiệu quả, nợ xấu, không còn tài sản đảm bảo... Vì thế, việc doanh nghiệp chỉ có thể tự bơi bằng cách thu gọn, tinh giảm... là điều tất yếu phải xảy ra.

Để dung hòa giữa quyền lợi công nhân và doanh nghiệp, bạn đọc Liêm đề nghị: "Họ cống hiến 8-10 năm thì doanh nghiệp nên hỗ trợ vài tháng lương để họ xoay xở. Đó là động lực, là cơ sở để mai này công nhân sẽ gắn bó với công ty lâu dài khi cần hút lao động trở lại".

Bổ sung, bạn đọc Hưng góp ý: "Tội quá, nếu đủ ngân sách thì Nhà nước ứng ra cho họ một tháng lương đi (tiền này lấy từ tiền bảo hiểm xã hội của họ đã đóng). Nếu họ nghỉ luôn thì sẽ trừ lại tiền bảo hiểm xã hội khi họ lãnh".

Công nhân ‘hùn’ tiền ăn chia tay ngay trên vỉa hè khi công ty cho nghỉ việc hàng loạt Công nhân ‘hùn’ tiền ăn chia tay ngay trên vỉa hè khi công ty cho nghỉ việc hàng loạt

TTO - Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của khoảng 1.200 công nhân Công ty may mặc T.H tại quận Bình Tân, TP.HCM, sau khi công ty ra thông báo chấm dứt hợp đồng với họ vì thiếu đơn hàng.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên