Thứ 7, ngày 14 tháng 12 năm 2019
Tuyển sinh thạc sĩ khó vì 'cạnh tranh'
TTO - Rất nhiều trường đại học lớn ngày càng khó tuyển đủ chỉ tiêu thạc sĩ với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Học viên tốt nghiệp thạc sĩ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: K.T.
Có nhiều người muốn học để có kiến thức nhưng cũng không ít người chỉ cần tấm bằng thạc sĩ mà không phải học tập quá khó khăn
PGS.TS TRẦN HOÀNG HẢI (phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM)
Trong đó nguyên nhân lớn là từ việc "cạnh tranh" của nhiều đơn vị đào tạo thạc sĩ mới với yêu cầu, điều kiện dễ dàng hơn.
Không đủ chỉ tiêu
Từ năm 2012 đến nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi thạc sĩ vào ĐH Quốc gia TP.HCM giảm mạnh, sự sụt giảm bắt đầu từ năm 2014. Theo thống kê, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng thí sinh dự thi sau ĐH vào ĐH Quốc gia TP.HCM giảm hơn 70%.
Tương tự, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, từ gần 8.000 thí sinh dự thi năm 2013, số lượng thí sinh dự thi cao học vào trường này năm 2018 chỉ còn khoảng 1.400. Điểm chuẩn vì thế cũng giảm mạnh: năm 2013, ngành có điểm chuẩn cao nhất là kinh tế với 16 điểm/2 môn, đến hai năm 2017 và 2018 điểm chuẩn là 10 điểm/2 môn thi.
Nhiều trường ĐH lớn khác như Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Giao thông vận tải TP.HCM, Luật TP.HCM... cũng nằm trong tình cảnh tương tự.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết số lượng thí sinh dự thi thạc sĩ vào trường giảm trầm trọng. Nếu như trước đây có đến 3.000 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu 500 thì vài năm gần đây, chỉ tiêu giảm còn khoảng 200 và thí sinh dự thi cũng chỉ 400.
Tương tự, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết trong vài năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi thạc sĩ tại trường liên tục giảm.

Số lượng đăng ký, chỉ tiêu và trúng tuyển vào cao học của ĐH Quốc gia TP.HCM qua các năm - Đồ họa: T.ĐẠT
Khó tuyển vì "cạnh tranh"
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, việc sụt giảm thí sinh đăng ký dự thi vào trường có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có sự cạnh tranh trong đào tạo sau ĐH tăng đáng kể trong những năm gần đây khi số lượng cơ sở đào tạo sau ĐH tăng mạnh.
Cả nước hiện có đến 180 cơ sở đào tạo sau ĐH với quy mô đào tạo hơn 100.000 học viên. Sự trùng lặp về ngành đào tạo thạc sĩ dao động từ 59-100% ở các trường. Ngoài ra, cả nước còn có hơn 240 chương trình liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH với nước ngoài được cấp phép. Riêng tại phía Nam có 64 chương trình liên kết đào tạo sau ĐH.
Bên cạnh đó, các yêu cầu đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra của các trường không đồng đều. ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng không ít trường tuyển đầu vào dễ, tuyển vượt chỉ tiêu, dễ tốt nghiệp, đặc biệt là yêu cầu về ngoại ngữ dễ dàng hơn.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng thì cho rằng có sự cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh và đào sao sau ĐH. Theo ông Dũng: "Có thí sinh thi trường tôi ba lần không đậu nhưng qua trường khác thi đậu ngay. Nhiều trường ĐH lớn vẫn duy trì mức độ đánh giá nghiêm túc cả đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra nên thực sự không ít thí sinh nản và tìm đến trường dễ hơn.
Hơn nữa, nhu cầu học thạc sĩ của sinh viên tốt nghiệp ĐH không nhiều, chủ yếu là người công tác trong các cơ sở giáo dục".
PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết số lượng thí sinh dự thi giảm do tiêu chuẩn và chất lượng mỗi trường khác nhau, thí sinh có xu hướng chọn trường dễ.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết từ năm 2018 ĐH Quốc gia TP.HCM đã có một số thay đổi trong tuyển sinh thạc sĩ và được các trường áp dụng. Các trường thành viên xét tuyển đối tượng tốt nghiệp chương trình cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến ở một số trường, các chương trình đã được kiểm định AUN-QA...
Hiện ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng đề án liên thông ĐH - sau ĐH. Theo đó sẽ cho phép sinh viên tích lũy một số tín chỉ sau ĐH ngay trong thời gian học ĐH với những điều kiện cụ thể về học lực.
Nên sửa quy chế
Theo TS Lê Trung Chơn - nguyên trưởng phòng đào tạo sau ĐH Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), quy định hiện nay đầu vào thạc sĩ phải tốt nghiệp ĐH. Ở các nước có mô hình cho phép sinh viên ĐH được chọn lấy bằng ĐH hay thạc sĩ. Ngay từ năm thứ 3 ĐH, sinh viên sẽ chọn hướng nào, nếu theo ĐH thì học thêm 1 năm, thạc sĩ thêm 2 năm với chuẩn đầu ra khác nhau. Điều này cần được đưa vào quy chế như việc đào tạo thạc sĩ nghiên cứu trước đây.
Hiện nay một số trường thực hiện công nhận lẫn nhau một số môn học bậc ĐH cho chương trình thạc sĩ. Ngoài việc các trường đào tạo thạc sĩ ngày càng nhiều, xu hướng sinh viên tốt nghiệp trường nào học thạc sĩ tại trường đó cũng rất phổ biến nên mỗi trường cũng phải tự thay đổi, nhất là việc thu hút các nguồn lực xã hội tài trợ cho nghiên cứu.
-
TTO - Một phiên bản đồng hồ đặc biệt của một thương hiệu Nhật Bản vừa được ra mắt tại Hà Nội với hình Khuê Văn Các ở mặt trước đồng hồ và đặc biệt là hình bản đồ Việt Nam gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở mặt sau.
-
TTO - 5 mẫu tivi thông minh thế hệ đầu tiên được sản xuất tại tổ hợp nhà máy hiện đại thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc của Công ty Nghiên cứu và sản xuất VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) được tung ra thị trường có mức giá từ 8,69-16,99 triệu đồng.
-
TTO - 12h ngày 23-11-2019, Dũng và Hoài đến một cơ sở và nói cơ sở này gây ô nhiễm; đe dọa chị T. phải đưa tiền, nếu không sẽ viết bài phản ánh lên báo. Chị T. đã đồng ý đưa cho Dũng 1 triệu đồng.
-
TTO - Sáng 14-12, HLV Park Hang Seo và các thành viên đội U22 Việt Nam đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Busan Gimhae, bắt đầu chuyến tập huấn 10 ngày tại Hàn Quốc chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á 2020.
-
TTO - Hàng ngàn con giun thìa biển Urechis caupo, với tên gọi phổ biến là 'cá dương vật', bất ngờ dạt vào một bờ biển phía nam bang California (Mỹ) đã thu hút nhiều du khách hiếu kỳ đến chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận