01/08/2018 12:42 GMT+7

Bằng đại học 'làm khổ' bằng thạc sĩ

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Để giảm chi phí và thời gian cho người học, một chương trình liên kết ĐH đã đưa chương trình dạy nghề vào giảng dạy. Kết quả bằng ĐH của chương trình này không được Bộ GD-ĐT công nhận.

Bằng đại học làm khổ bằng thạc sĩ - Ảnh 1.

Bằng ĐH do ĐH Greenwich cấp cho H. không được Bộ GD-ĐT công nhận dẫn đến bằng thạc sĩ từ nước ngoài của H. cũng không được công nhận - Ảnh: M.G.

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp ĐH ngành công nghệ thông tin do ĐH Greenwich cấp năm 2016 (chương trình liên kết giữa ĐH FPT và Greenwich), H. thi đậu thạc sĩ vào Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM). 

"Chương trình được FPT giới thiệu (vào năm 2011) là được Bộ GD-ĐT Việt Nam công nhận. Tôi hoàn thành khóa học vào tháng 11-2016 và nhận bằng cử nhân công nghệ thông tin do ĐH Greenwich cấp. Năm 2017, muốn học lên thạc sĩ, tôi đã gửi văn bằng đến Trung tâm công nhận văn bằng - Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT và được thông báo văn bằng của mình không được công nhận. Nguyên nhân: chương trình này 2 năm đầu (trong tổng số 3 năm) sử dụng giáo trình của Tổ chức Aptech Ấn Độ là tổ chức dạy nghề không được công nhận, vì thế không công nhận bằng ĐH".

Trường yêu cầu H. phải xác nhận văn bằng từ Bộ GD-ĐT theo quy định. Nhưng bộ không công nhận bằng ĐH này, do đó H. không được nhập học thạc sĩ.

H. sau đó học thạc sĩ tại Anh. Năm 2018 nhận bằng tốt nghiệp về nước, H. gửi đề nghị công nhận bằng thạc sĩ, nhưng một lần nữa bộ lại không công nhận vì bằng ĐH không được công nhận nên không công nhận bằng thạc sĩ.

Lấy chương trình nghề đào tạo ĐH

H. cho biết mình theo học chương trình cử nhân công nghệ thông tin, chương trình liên kết giữa ĐH FPT và Greenwich, học tại cơ sở Trường ĐH FPT - Công viên phần mềm Quang Trung, Q.12, TP.HCM. Đây là chương trình hoàn toàn học tại Việt Nam do ĐH FPT giảng dạy. 

H. bức xúc cho biết mỗi khóa như vậy có nhiều lớp với hàng trăm sinh viên. Thế nhưng thời điểm năm 2011, trường tư vấn, quảng cáo không hề đề cập đến 2 năm đầu học chương trình Aptech chưa được Bộ GD-ĐT công nhận. 

Họ tư vấn chương trình đào tạo liên kết được giảng dạy tại Trường ĐH FPT trên cơ sở chuyển giao chương trình của ĐH Greenwich với thời gian đào tạo 3 năm. Sinh viên theo học chương trình được công nhận là sinh viên của Trường ĐH FPT và của Trường ĐH Greenwich. Sinh viên kết thúc khóa học sẽ được nhận bằng cử nhân do ĐH Greenwich cấp, có giá trị toàn cầu.

"ĐH FPT đã không trung thực với học viên, khi vào học chính thức chúng tôi mới biết mình đang học hoàn toàn trên giáo trình Aptech (vì sử dụng phần mềm thi của Aptech). Khi rớt môn chúng tôi được gửi đến học lại tại trung tâm Aptech, với học phí cao hơn các bạn đang học ở trung tâm này".

H. cho biết khi phản ảnh với ĐH FPT về việc văn bằng không được công nhận, trường giải thích do "không thống nhất quy chế tín chỉ, không dạy môn thể dục theo yêu cầu của bộ". 

"Trường đưa ra cách giải quyết: yêu cầu học viên học thêm chương trình cao đẳng BTEC (ĐH FPT và CĐ BTEC đều thuộc Tổ chức giáo dục FPT - PV) học bổ sung một học kỳ, bằng ĐH và thạc sĩ sẽ được công nhận, trường sẽ xem xét miễn giảm học phí. Tuy nhiên khi tôi liên hệ với Trung tâm kiểm định văn bằng của bộ, họ cho biết không thể nói trước văn bằng sẽ được công nhận hay không sau khi học BTEC".

Theo quy định, người có bằng ĐH do ĐH nước ngoài cấp, khi học thạc sĩ tại VN buộc phải xin công nhận văn bằng ĐH. Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng cho biết một số đơn vị, cơ quan nhà nước thường yêu cầu công nhận văn bằng có yếu tố nước ngoài. Trường hợp H. nếu làm tại ĐH FPT ông sẽ không yêu cầu công nhận văn bằng vì ĐH Greenwich được xếp hạng rõ ràng.

Do khác biệt mô hình?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - cho biết khi triển khai chương trình với ĐH Greenwich, những người đã học một số môn của Aptech sẽ được xem xét công nhận những môn học này để thời gian học ngắn hơn, giảm chi phí cho người học. 

Nếu học toàn bộ chương trình của Greenwich ngay từ đầu, học phí sẽ tăng gấp 3 lần. Đây là quy trình liên thông chuyển đổi và công nhận tín chỉ. Họ công nhận những gì họ kiểm soát được về nội dung, chất lượng.

Cách chuyển đổi tín chỉ theo thông lệ quốc tế trên không nằm trong các văn bản quy định của Bộ GD-ĐT nên dẫn đến việc lấn cấn trong công nhận văn bằng. "Thực tế triển khai có một số trường hợp không được công nhận văn bằng nên từ năm 2015, chúng tôi đã thay chương trình của Aptech bằng chương trình của BTEC. 

Chương trình này đã được Bộ GD-ĐT công nhận. Với một số trường hợp học chương trình Aptech, chúng tôi chuyển qua học BTEC để hợp thức hóa đầu vào, trình Bộ GD-ĐT xem xét công nhận bằng cho các em. Việc học thêm này chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa về tài chính cho các em" - ông Tùng cho biết thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết chương trình đào tạo của Aptech rất tốt, tuy nhiên đó là chương trình đào tạo người làm nghề. 

Ngay cả tại Ấn Độ, họ cũng chỉ cấp chứng chỉ chứ không nằm trong chương trình đào tạo ĐH của các trường. Do đó, bằng ĐH nhưng dạy chương trình nghề là không đúng quy định, bằng không được công nhận. 

Với đề xuất đào tạo bổ sung theo chương trình của BTEC, đây là giải pháp tình thế để hợp thức hóa đầu vào cho sinh viên, ĐH FPT cần phải có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xem xét nội dung cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người học.

FPT Polytechnic Cần Thơ - điểm sáng đào tạo Cao đẳng tại ĐBSCL FPT Polytechnic Cần Thơ - điểm sáng đào tạo Cao đẳng tại ĐBSCL

Dù là năm đầu tổ chức tuyển sinh nhưng Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Cần Thơ đang là địa điểm đào tạo nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và học sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên