Tại TP.HCM, ngày hội diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, Q.10). Ngày hội tại Hà Nội được tổ chức ở ĐH Bách khoa Hà Nội (địa chỉ: số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng).
Từ chuyện chọn ngành...
Bà Phạm Thị Tuyết Trâm (Q.12, TP.HCM) chia sẻ đang khó xử chuyện chọn ngành, chọn trường của con.
Từ đầu năm học 12, con trai bà đã nói thẳng sẽ không học đại học mà chỉ muốn đi học làm đầu bếp. Có lần, con trình bày mong muốn trước gia đình chuyện sẽ đi học ba khóa nghề bếp ngắn hạn gồm món Âu, món Việt và món bánh.
Mỗi khóa học trong ba tháng và con sẽ tốn một năm để học xong. Năm thứ hai con sẽ đi làm tại các nhà hàng, khách sạn ở TP.HCM để tích lũy kinh nghiệm. Và sang năm thứ ba con sẽ tìm đường du học về nấu ăn và định hướng làm việc ở nước ngoài.
Nghe con trình bày hướng đi, bà Trâm và chồng "phản bác" ngay. Thứ nhất vì gia đình và hai bên nội ngoại không có ai theo nghề bếp nên sẽ không thể lo được cho con. Thứ hai, bỏ đại học và học các khóa ngắn hạn hơi "lạ", ít người đi và rủi ro cao.
Lý do thứ ba xuất hiện sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Con bà Trâm thi được 26 điểm cho khối D00 - số điểm hoàn toàn có thể cạnh tranh vào các đại học tốp trên.
Không được quyết đoán như con của bà Trâm là N. - học sinh Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang). N. thi được 23,5 điểm tổ hợp khối D00. Tuy nhiên đến nay, N. vẫn lăn tăn ngành học. Điểm 23,5 có thể khó vào các trường tốp trên nhưng "sáng cửa" vào các trường tốp giữa.
Trước đó, N. cũng có xét học bạ và đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào Trường ĐH Văn Hiến và Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) cho các ngành Hàn Quốc học và ngôn ngữ Anh. Nhưng rốt cuộc đến nay, N. vẫn chưa biết sẽ nên học gì.
"Mình vừa thích tiếng Hàn vừa thích tiếng Anh. Mình cũng thích học quản trị du lịch. Gần đây, mình có thích thêm ngành tâm lý học. Mình thật sự rất đắn đo không chốt được sẽ học gì.
Mình không rõ ngành nào mới thật sự phù hợp với con người mình vì mỗi ngành trên mình đều cảm thấy thích... ngang nhau. Mình cũng không thể chọn đại vì quyết định sẽ ảnh hưởng đến cả đời. Do vậy tới nay mình vẫn rối lắm" - N. nói.
...tới đặt nguyện vọng
Thí sinh Nguyễn Ngọc Quang (Bắc Ninh) kể sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT với kết quả 21,25 tổ hợp A00, Quang "vỡ mộng" với những nguyện vọng dự kiến trước đó. Trước thi tốt nghiệp THPT, Quang dự tính sẽ dùng điểm thi xét tuyển vào ngành CNTT của ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Tuy nhiên, theo các trường vừa công bố, điểm sàn xét tuyển vào ngành CNTT của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm nay đã là 23 điểm, điểm chuẩn dự báo của ĐH Bách khoa Hà Nội ngành này là trên 27,5 điểm.
"Hiện tại tôi đang khá khó khăn trong việc đặt nguyện vọng vào nhóm trường mơ ước. Với các trường tốp đầu chắc chắn tôi không thể trúng tuyển. Còn với các trường tốp sau tôi lại e ngại chất lượng đào tạo và học phí. Đây sẽ là lựa chọn ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai, tôi rất lo lắng chưa biết chọn sao cho đúng và trúng", Quang nói.
Tương tự, thí sinh Thào Thị Lan (Lào Cai) dự định dùng tổ hợp D00 xét tuyển vào ngành sư phạm tiểu học Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ được 20,90 điểm, Lan hoang mang vì năm ngoái điểm chuẩn trúng tuyển của ngành này lên tới 24 điểm.
"Hiện tại tôi đang xem lại các nguyện vọng và phân vân có nên chuyển nguyện vọng sang một số ngành khác hay không" - Lan băn khoăn.
Bà Trần Thị Huyền (Ninh Bình) cho biết con gái vừa đạt 25,5 điểm khối B00 và có mong muốn học ngành y. Bà Huyền cho rằng với mốc điểm "lưng chừng" vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội xem như "không có cửa" bởi ngành này của trường năm ngoái lấy đến 28,5.
Một số trường y khu vực lân cận như Trường ĐH Y Thái Bình hay Trường ĐH Y Dược Hải Phòng dao động từ 26,2 đến 26,3.
Bà Huyền chia sẻ để trúng tuyển vào trường y yêu thích là khó vì nhiều thầy cô nói điểm chuẩn khối B00 có thể giữ nguyên hoặc tăng từ 0,25 - 0,75 điểm.
Tuy nhiên cũng có người nói điểm chuẩn có thể sẽ giảm, vì thế từ điểm chuẩn 26 "hạ cánh" xuống điểm 25,5 mà con bà Huyền đang sở hữu là có khả thi.
"Việc lựa chọn trường để đặt nguyện vọng thời điểm này khiến tôi rất đau đầu. Tôi đã lên các hội nhóm trên Facebook, Zalo nhờ tư vấn nhưng qua nhiều gợi mở, đã rối lại càng rối thêm", bà Huyền tâm sự.
Hơn 130 trường tham gia tư vấn
Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức đồng thời tại Hà Nội và TP.HCM vào ngày 22-7. Ngày hội có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh có kinh nghiệm từ các trường đại học hàng đầu cả nước, sẽ giúp thí sinh đưa ra những lựa chọn nguyện vọng chính xác, nhằm gia tăng tối đa cơ hội trúng tuyển vào những trường đại học, cao đẳng yêu thích, phù hợp. Hai ngày hội còn quy tụ hơn 300 gian tư vấn từ hơn 130 trường đại học, cao đẳng, trung cấp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận