Thí sinh đang cùng phụ huynh xem điểm chuẩn các trường ĐH công bố chiều 8-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sáng nay 9-8, Bộ GD-ĐT đã có đánh giá sơ bộ về công tác tuyển sinh ĐH năm 2019.
Theo đánh giá, năm nay, bên cạnh việc các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, với tỉ lệ 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu khi kết thúc xét tuyển đợt 1, có thể nói công tác tuyển sinh 2019 đã gần như hoàn tất.
Tăng nhẹ so với năm trước
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, nhìn chung, mặt bằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường năm nay đều tăng nhẹ so với năm trước.
Đầu tiên, so với những năm trước là điểm trúng tuyển cho thấy có sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống. Cụ thể: bên cạnh một số trường tốp dưới còn lấy dưới 15 điểm thì những trường có chính sách chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26-27 điểm.
"Các con số này được công khai là những thông tin rất hữu ích cho người học chọn trường, cho người sử dụng lao động chọn sinh viên tốt nghiệp, người lao động chọn nơi làm việc và các đối tác chọn nơi cộng tác…", bà Phụng nhận định.
Kết thúc đợt 1 xét tuyển, số thống kê có khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo. Có thể nói công tác tuyển sinh 2019 đã gần như hoàn tất.
Cũng theo bà Phụng, năm nay, các nhóm xét tuyển được mở rộng hơn, có 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia, có sự hợp tác "chuyên nghiệp" hơn và hoạt động hiệu quả. Điều này làm giảm tải công việc cho hệ thống tuyển sinh chung và các trường trong nhóm ít nhiều cũng có lựa nhau để không vượt chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường khác trong nhóm.
Đa số các trường khác mà xác định điểm trúng tuyển thấp là trường chất lượng thấp, chưa có uy tín để thu hút học sinh giỏi và buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng
Điểm khối sư phạm đã tăng cùng mức tăng điểm sàn
Đặc biệt là điểm trúng tuyển của khối sư phạm đã tăng cùng với mức tăng điểm sàn, trong đó, các trường truyền thống đào tạo sư phạm có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bên cạnh việc có thí sinh huy chương vàng toán quốc tế đăng ký xét tuyển, còn có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển từ 20 điểm, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có 7 ngành lấy từ 19,5 đến 21 điểm.
Đây là mức điểm thấp nhất trúng tuyển và thực tế, hầu hết thí sinh trúng tuyển cao hơn mức này.
Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo các ngành sức khoẻ cũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước vì năm nay là năm đầu có điểm sàn riêng cho khối sức khoẻ. Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn từ 21 đến 26,75 điểm.
"Như vậy, với quy chế tuyển sinh như năm nay, chúng ta có thể khá yên tâm về chất lượng của đội ngũ quan trọng trong xã hội là các thầy thuốc và thầy cô giáo", bà Phụng nhận định.
Bên cạnh đó, không chỉ có khối y dược và khối kinh tế mà năm nay, một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở tốp cao nhất như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy từ 24 điểm đến 27,42 điểm. Đa số các trường khác, ngay cả những trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu cũng giữ mức điểm trúng tuyển không quá thấp…
Độ chênh điểm chuẩn thể hiện phân khúc chất lượng
Theo Vụ Giáo dục đại học, độ chênh về điểm chuẩn giữa các nhóm trường thể hiện chính sách chất lượng của từng trường và sự phân khúc chất lượng của mỗi nhóm trường trong toàn hệ thống. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường.
Nhìn chung, điểm trúng tuyển thấp phản ánh chất lượng đầu vào thấp. Tuy nhiên, cũng phải phân tích nguyên nhân và phân loại các trường có điểm trúng tuyển thấp để có cách xử lý phù hợp.
Có những trường như khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi… ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã cho là không hấp dẫn.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nhóm ngành này bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần phải có đầu tư, ưu đãi với người học, với người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp minh bạch thông tin để người học và xã hội biết, có lựa chọn phù hợp. Theo thống kê trong những năm qua thì đa số những trường xác định điểm trúng tuyển thấp lại là những trường có ít sinh viên nhập học.
Điều đó cũng phản ánh chính sách công khai, minh bạch thông tin về chính sách chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đã phát huy tác dụng, để người học lựa chọn những trường có chất lượng và hệ thống không ngừng cạnh tranh để nâng cao chất lượng.
Đẩy mạnh thanh tra trường có điểm chuẩn thấp, tuyển vượt
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Vừa qua, bộ đã thanh tra một số trường và sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động thanh, kiểm tra, tập trung vào những trường xác định điểm trúng tuyển thấp và các trường có dấu hiệu thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Kết quả tuyển sinh đại học 2019
Kết quả tuyển trước đợt 1 theo các phương thức khác (không lấy từ điểm thi) với tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung là: 35.147 (năm 2018 khoảng 17.469), các thí sinh này đã được đưa ra khỏi danh sách tham gia xét tuyển đợt 1.
Kết quả tuyển sinh đợt 1, chỉ tiêu từ điểm thi THPT quốc gia: 351.154; trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 29.765.
Số trúng tuyển sau lọc ảo là 405.193 đạt 115% chỉ tiêu; trong đó, trúng tuyển sư phạm là 18.536.
Các trường trong nhóm phía Nam (90 trường) và phía Bắc (53 trường) đã tham gia đầy đủ, hoạt động hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận