Chuyện các giáo viên “song ngữ” đó có thật sự “bản ngữ” hay không, công luận đã bàn nhiều rồi. Dưới góc độ quản lý công trên cơ sở “Việt Nam là một nền kinh tế thị trường”, thiết tưởng cũng cần nhìn lại chủ trương và cách thực hiện này.
Trên thực tế, một số trường đã tự giải bài toán giáo viên bản ngữ của mình bằng những hợp đồng lao động sòng phẳng giữa mỗi trường A, B, C... với các giáo viên X, Y, Z... cũng như đã giải quyết bài toán học phí thu thêm với phụ huynh học sinh. Thiết nghĩ, những hợp đồng đó chính là sự biểu thị kinh tế thị trường rõ ràng nhất: trường tôi cần giải quyết nhu cầu gì, cần tuyển ai, như thế nào, chi phí bao nhiêu, chúng tôi tự quyết định tuyển dụng và thu thêm học phí trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh, nếu họ tin rằng việc dạy và học đó đáng đồng tiền bát gạo. Việc tuyển dụng giáo viên, giáo sư, nhất là cho những môn nhiệm ý như tiếng Anh bản ngữ đã, đang và sẽ vẫn là như thế trên thế giới. Cơ chế tuyển dụng đó đã có thể thấy tại các trường tư thục ở miền Nam trước kia và trên cả đất nước này hiện nay.
Việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh này chính là khởi đầu của một xu hướng tất yếu sắp tới như tuyển dụng tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, nếu như muốn thay đổi cung cách làm ăn... Ít năm nữa thôi sẽ phải tính đến việc tuyển dụng tổng công trình sư cho các công trường lớn cùng các kỹ sư chuyên nghiệp, chẳng hạn cho các dự án nhà máy điện hạt nhân, các dự án thủy điện, cầu đường..., nếu như muốn tạo đột phá về chất lượng xây dựng và hiệu quả sử dụng, vận hành an toàn... Thành ra không thể không nhìn lại cách thức tuyển dụng, sao cho mang đậm tính chất kinh tế thị trường mà Việt Nam đang yêu cầu các nước công nhận.
Mỗi khi có một lãnh đạo các quốc gia sang thăm, trong số những đề nghị mà chúng ta thường đưa ra là đề nghị họ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường trọn vẹn: một động thái ngoại giao cần thiết cho một thủ tục hội nhập kinh tế thế giới. Thế nhưng bên cạnh việc vận động bá tánh công nhận ta, liệu bản thân ta đã tự thân vận động tiến vào kinh tế thị trường đúng (chất lượng) và đủ (liều lượng) hay chưa lại là một vấn đề cần đặt ra trong mọi lĩnh vực, từ nhà quản lý đến người thực hiện, cho dù là các cơ quan nhà nước hay dân chúng. Liệu bản thân ta đã từ bỏ cách suy nghĩ rằng tất tần tật từ chủ trương, kế hoạch đến ra quyết định đều nhờ Nhà nước làm thay tất cả trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ trong lĩnh vực quản lý kinh tế?
Ai cũng rõ rằng kinh tế thị trường hay không không chỉ trong quan hệ sản xuất, công cụ sản xuất, quan hệ lao động... mà còn trong cả cung cách quản lý: Nhà nước có nhất định làm thay hết mọi chuyện của xã hội hay không? Thành ra câu chuyện tuyển dụng nọ hay cho những lần tuyển dụng tới đây trong mọi lĩnh vực do Nhà nước đứng ra làm chủ tài khoản sẽ phải “giản dị” như vẫn thường thấy ở các nước khác: nhà nước ấy, cơ quan ấy đăng bố cáo tuyển dụng người, nhu cầu là như thế, đãi ngộ là như thế... Thí dụ để tuyển dụng “giáo viên bản ngữ”, một bố cáo như thế đăng trên báo chí các loại sẽ giúp nhà tuyển dụng tha hồ “kén cá chọn canh” giữa rừng ”bản ngữ” Anh, New Zealand, Mỹ, Úc...
Không thể cứ vừa muốn trở thành một nền kinh tế thị trường được công nhận vừa đứng ra “bao biện” cả những chuyện “nhiệm ý” như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận