Thẻ nhân viên được cấp sau vài phút chờ đợi ở buổi phỏng vấn đầu tiên. Tất cả các vị trí tuyển dụng đều được mặc đồng phục, đội nón - Ảnh: VŨ THỦY
Chẳng vòng nào họ thật sự được "nhận việc", mà tiếp tục được đưa đến một khâu khác, lặp lại điệp khúc "đóng tiền đi em".
Bước 1 đóng tiền, bước 2 cũng đóng tiền
Gọi vào số điện thoại trong một mẩu "tuyển dụng nhân viên siêu thị Big C" trên Facebook, tôi được một phụ nữ đặt lịch phỏng vấn buổi chiều trước 14h tại một địa chỉ trên đường Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Tôi được dẫn vào một căn phòng ngay tầng trệt có dán biển Chi nhánh công ty cổ phần dịch vụ thương mại My M.. Hiện website của công ty này không truy cập được.
"Giờ em đang ở khu vực nào?". "Sắp xếp cho em về Big C ở Bình Dương làm việc nhé. Khoảng thứ hai đầu tuần nhận việc. Công việc là sắp xếp hàng trong kho, dán tem, nhãn trên các sản phẩm, phát thẻ giữ đồ cho khách. Em làm công việc nào?".
Khi tôi đồng ý nhận vị trí phát thẻ, nhân viên nam phỏng vấn tôi tiếp tục nói thao thao: "Ngày làm 8 tiếng, từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lương tháng từ 6,5 - 7 triệu, sang tháng thứ 2 được hỗ trợ thêm xăng xe từ 500.000 đồng đến 1 triệu nữa. 15 tây nhận lương, 30 tây có thể ứng lương, tháng nghỉ 4 ngày, 2 ngày chủ nhật và 2 ngày trong tuần. Mức lương, thời gian như vậy làm được không?". "Làm được thì đóng cho anh 100.000 đồng để giữ chỗ, làm hồ sơ", anh ta chốt hạ.
Sau khi xong thủ tục ở bàn thứ nhất, tôi được chuyển tiếp qua một bàn khác, gặp một người khác để chụp hình, làm thẻ. Ở bàn này tôi tiếp tục được yêu cầu: "Chị đóng 350.000 đồng nhé. 300.000 đồng tiền làm thẻ, 50.000 đồng tiền chụp hình".
Tiếp đó, một nam thanh niên đưa tôi một chiếc áo kiểu đồng phục bảo vệ cùng với nón, yêu cầu đứng yên để chụp hình bằng điện thoại.
Quay lại chỗ nhân viên ban đầu, tôi ra vẻ khó chịu phàn nàn: "Nói không thu phí mà sao ở đây thu phí nhiều vậy? Chưa đi làm gì hết đóng mớ tiền rồi".
Anh này đáp lại: "Tiền đó không phải thu phí. Công ty hỗ trợ làm thẻ, là tài sản cá nhân của em, em tự giữ, tự bảo quản. Công ty đâu có giữ của em".
Anh ta ghi vài chữ vào một tờ giấy tiêu đề Lệnh điều động nhân sự, đưa thẻ nhân viên và nói: "Anh hướng dẫn này. 13h30 đến địa chỉ trong đây (trên đường Lê Trực, phường 7, quận Bình Thạnh) gọi số điện thoại này để nhận việc. Đi theo cầm CMND, photo 2 bản không cần công chứng, thẻ nhân viên này nhé".
Bước 3: tiếp tục đóng tiền
Ở ngày phỏng vấn tại địa chỉ đầu tiên, tôi gặp rất nhiều bạn trẻ là sinh viên đến xin việc. Tất cả đều được hỏi cùng một "bộ câu hỏi": Đang ở đâu? Lương và thời giờ làm việc như thế làm được không? Chừng nào đi làm được? Giờ đóng tiền giữ chỗ…, đóng tiền làm thẻ…
Hầu hết các câu trả lời đều là "mai em đi làm được ngay", "đầu tuần em làm được" và đều được sắp xếp "đầu tuần đến nhận việc".
Tôi cầm giấy Lệnh điều động nhân sự "đến nhận việc" tại địa chỉ trên đường Lê Trực theo hướng dẫn, gọi điện theo số điện thoại trên giấy thì một người đưa tôi vào trong.
Anh ta tua lại đúng những gì ở phỏng vấn trước: vị trí công việc, mức lương, giờ giấc. Và vẫn câu hỏi cũ: Em đi làm được đúng không?
Nhưng thay vì thủ tục "nhận việc", người này đưa cho chúng tôi phiếu Bảo lãnh và cam kết nhân sự với nội dung "đề nghị liên hệ cho bộ phận tiếp nhận nhân sự" để được bảo lãnh và hướng dẫn nhận việc vào ngày 23-1. Lần này địa chỉ nơi tiếp nhận vỏn vẹn chỉ là "Bình Dương" với số điện thoại của một người tên Thành.
Sau đó anh ta tiếp tục chỉ sang bàn khác đóng 150.000 đồng, để làm thẻ ngân hàng nhận lương.
* Còn tiếp
Nhiều nạn nhân đã gọi đến báo Tuổi Trẻ
Trong thời gian qua, báo Tuổi Trẻ đã nhận được thông tin từ nhiều người từng đến xin việc tại địa chỉ trên đường Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh) thông qua các mẩu tuyển dụng nhân viên trên mạng xã hội.
Rất nhiều việc làm từ nhiều chuỗi siêu thị được được công ty này "bao sân" tuyển dụng, từ Big C cho đến Co.op Mart, Lotte Mart…
Một số sinh viên ở TP.HCM cũng phản ánh họ đã tìm thông tin tuyển dụng từ các trang fanpage trên Facebook mang tên Co.op Mart tuyển dụng, Mini Stop tuyển tụng, Lotte Cinema tuyển tụng, Family Mart tuyển dụng… và đến tìm việc.
Khi liên hệ dự tuyển, các trang trên đều dẫn đến cùng một địa chỉ phỏng vấn ở đường số 12, phường Tam Bình, quận Thủ Đức. Các điểm tuyển dụng lừa đảo đều sử dụng cùng một chiêu thức yêu cầu đóng tiền làm thẻ, tiền đồng phục, tiền làm thẻ ATM…
Đến "chốt" cuối nhận việc, sẽ có đủ chiêu trò để làm nản lòng người xin việc. Một người kể lại, khi cô đến địa điểm siêu thị được sắp xếp để nhận việc thì người được tự xưng là quản lý siêu thị cho biết công việc đã không còn chỗ.
Cô liên lạc lại điện thoại ở địa chỉ ban đầu thì được giới thiệu công việc khác là nhân viên bảo vệ ở một khách sạn. "Nhưng tôi là nữ nên đâu nhận việc đó được. Đến công ty cự cãi một hồi rồi cũng phải hậm hực đi về", cô cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận