14/07/2020 14:44 GMT+7

Tuyên bố của Trung Quốc sau khi bị Mỹ bác yêu sách ở Biển Đông là 'ngụy biện'

BẢO ANH ghi
BẢO ANH ghi

TTO - Chuyên gia cho rằng trong tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, phía Bắc Kinh có những phát ngôn trái với thực tế và ngụy biện để đánh lạc hướng vấn đề. Chuyên gia cho rằng Trung Quốc "có tật giật mình".

Tuyên bố của Trung Quốc sau khi bị Mỹ bác yêu sách ở Biển Đông là ngụy biện - Ảnh 1.

Các tàu Trung Quốc tham gia hoạt động cải tạo phi pháp hồi năm 2015 tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: EPA

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo chính thức bác bỏ gần hết yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 14-7 đã đăng tuyên bố đáp trả, được Tân Hoa xã dẫn lại.

Tuy nhiên, tuyên bố đáp trả này có nhiều điểm khiến chuyên gia đặt câu hỏi. Thạc sĩ luật quốc tế Phạm Ngọc Minh Trang - giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - phân tích một số nội dung trong tuyên bố của phía Trung Quốc.

+ "Tình hình Biển Đông vẫn hòa bình, ổn định và đang cải thiện. Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác vẫn duy trì đối thoại và liên lạc thông qua các cơ chế tham vấn về vấn đề hàng hải, đồng thời cùng thúc đẩy hợp tác về vấn đề Biển Đông" - trích tuyên bố của người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu.

Theo ThS Phạm Ngọc Minh Trang, năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines. Đến năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tháng 4-2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Phía Trung Quốc tiếp tục có các hành động làm gia tăng căng thẳng với các nước khác như tàu Trung Quốc chĩa súng vào tàu hải quân Philipppines, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, hay việc chính quyền Indonesia khẳng định tàu Trung Quốc vi phạm EEZ ở khu vực đảo Natuna phía nam biển Đông đầu năm nay...

Do đó, tình hình Biển Đông không thể nào đang "hòa bình, ổn định và đang cải thiện" như Trung Quốc nói. Trung Quốc là quốc gia chủ động gây hấn trong nhiều vụ như trên.

+ "Trong khuôn khổ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN đang thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và đang đạt được tiến bộ rõ rệt" - trích tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.

Theo ThS Phạm Ngọc Minh Trang, quá trình đàm phán COC đã kéo dài hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa có một bản dự thảo cuối cùng. Trong khi đó, một công ước đồ sộ như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 (về vấn đề đàm phán và số lượng các quốc gia tham gia đàm phán) mà chỉ tốn 9 năm. Do đó, việc đàm phán COC không thể nào gọi là "đang đạt được tiến bộ rõ rệt".

+ "Mỹ không phải là một quốc gia có liên quan trực tiếp tới các tranh chấp (ở Biển Đông). Tuy nhiên, họ liên tục can thiệp vào vấn đề này. Dưới cái cớ duy trì ổn định, Mỹ đang phô trương cơ bắp, gây ra căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực. Dưới cái cớ ủng hộ các luật lệ, họ đang sử dụng công ước UNCLOS để tấn công Trung Quốc, trong khi chính họ từ chối phê chuẩn công ước này" - trích tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.

ThS Trang đặt câu hỏi: Tại sao việc sử dụng một công ước hợp pháp như UNCLOS 1982 và luật quốc tế lại bị Bắc Kinh xem là để tấn công Trung Quốc? Việc Bắc Kinh thừa nhận có một sự tấn công nhắm vào Trung Quốc bằng luật quốc tế cũng đồng nghĩa Bắc Kinh tự thừa nhận Trung Quốc làm sai những nguyên tắc pháp lý nêu trong UNCLOS và hành động này giống như "có tật giật mình".

Ngoài ra Trung Quốc sử dụng loại ngụy biện "bù nhìn" (straw man, tức bẻ cong, bóp méo quan điểm hay phát biểu của người khác và biến nó thành một ý nghĩa hoàn toàn khác) khi nói Mỹ không phải là thành viên của UNCLOS. Việc Mỹ có phải là thành viên UNCLOS hay không không liên quan đến hành vi của Mỹ khi chỉ ra những điểm phi pháp của Trung Quốc.

Tuyên bố của Trung Quốc sau khi bị Mỹ bác yêu sách ở Biển Đông là ngụy biện - Ảnh 2.

Tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ để đáp trả động thái của Washington ngày 14-7. Mỹ đã làm rõ lập trường của họ rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp - Ảnh chụp màn hình

+ "Dưới cái cớ bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và bay trên các vùng trời, một cách liều lĩnh, Mỹ đang xâm phạm lãnh hải và không phận của các nước khác, đồng thời cư xử một cách kiêu căng hùng hổ ở mọi vùng biển trên thế giới" - trích tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.

Theo ThS Phạm Ngọc Minh Trang, việc đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ sử dụng cụm "các nước khác" nhằm chỉ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, thực chất chỉ có duy nhất Trung Quốc khó chịu về các hoạt động FONOP của Mỹ.

Trên các vùng biển, tàu thuyền được hưởng quyền đi lại (chẳng hạn với lãnh hải: đi lại vô hại; hay vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và biển khơi: tự do đi lại). Các nguyên tắc này áp dụng cho tất cả tàu thuyền, trừ khi các nước có thỏa thuận khác. Trung Quốc là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc đáng lẽ phải nắm rõ điều này.

+ "Chúng tôi khuyên Mỹ nghiêm túc tôn trọng cam kết của họ về việc không chia bè kéo phái liên quan vấn đề chủ quyền, tôn trọng nỗ lực của các quốc gia trong khu vực vì một Biển Đông hòa bình và ổn định, đồng thời dừng những nỗ lực nhằm phá hoại hòa bình và ổn định khu vực" - trích tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ kết lại.

Theo bà Trang, trong tuyên bố mới nhất của Mỹ, Mỹ không nói đến tranh chấp chủ quyền, chỉ nhắc đến các tranh chấp biển (việc tuyên bố các vùng biển đối với các thực thể trên biển và việc chồng lấn các vùng biển của các quốc gia đối diện hoặc liền kề nhau). Tuy nhiên, Trung Quốc lại đánh tráo khái niệm khi nói rằng đây là vấn đề chủ quyền.

"Lý lẽ tự nhiên của con người là đứng về điều đúng là điều hợp pháp. Nếu Mỹ chọn đứng về các quốc gia có các yêu sách đúng đắn và hợp pháp trên biển thì không có gì là nghịch lý, hay làm tổn hại đến hòa bình", bà  Trang phân tích.

Cuối cùng, theo ThS Trang, các vấn đề Biển Đông là đa phương, không chỉ có Trung Quốc mà còn có các quốc gia và chủ thể khác liên quan (như Việt Nam, Malaysia, Philippines hay ASEAN). Việc đánh giá tình hình tại Biển Đông và quyết định giải pháp cho vấn đề này không phải do một mình Trung Quốc quyết định.

Lập trường về Biển Đông của Mỹ thay đổi ra sao trong 25 năm qua? Lập trường về Biển Đông của Mỹ thay đổi ra sao trong 25 năm qua?

TTO - Từ tuyên bố đầu tiên chỉ nói chung chung năm 1995, Mỹ đã ngày càng cụ thể hơn và chỉ đích danh Trung Quốc là nước có yêu sách phi pháp. Washington cũng dần biến mình thành một quốc gia có lợi ích liên quan dù không có tuyên bố chủ quyền.

BẢO ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên