21/08/2018 13:43 GMT+7

Tựu trường sớm, bắt đầu từ đâu?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Nhiều thế hệ người VN đều chỉ nhớ đến ngày khai giảng năm học vào ngày 5-9, và đó cũng là ngày đầu tiên học sinh các cấp tựu trường.

Tựu trường sớm, bắt đầu từ đâu? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, TP.HCM trong lễ khai giảng ngày 5-9-2006 - Ảnh: H.HG.

Nhưng 10 năm qua, học sinh không còn nhiều ấn tượng với ngày đầu tiên của năm học mới.

Từ một quyết định sát với thực tiễn

Vào đầu năm 2007, đề xuất về việc "giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết" đối với học sinh được dư luận đồng tình. Đây là đề xuất của ông Trịnh Quốc Thái, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT khi đó. 

Trao đổi về đề xuất này, ông Trịnh Quốc Thái đã cho rằng việc rút ngắn thời gian nghỉ hè để phân bố nghỉ đều hơn trong năm học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học. Một số nước áp dụng hai kỳ nghỉ hè và nghỉ đông trong năm học, hoặc kéo dài thời gian nghỉ tết bắt đầu từ Noel đến hết Tết dương lịch. Đó là điều VN nên tham khảo.

Ông Thái cũng phân tích tình hình địa lý, điều kiện khí hậu khác biệt giữa các vùng miền khiến những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông nên thường phải cho học sinh nghỉ tránh lũ, tránh rét. Vì thế, thời gian năm học nên thực hiện linh hoạt, tùy theo điều kiện của từng địa bàn vùng miền. Việc học sinh có đợt nghỉ giữa năm cũng tạo điều kiện về thời gian thực hiện các đợt bồi dưỡng chuyên môn.

Ông Trịnh Quốc Thái cho rằng việc "rút ngắn thời gian nghỉ hè" cũng sẽ hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Học sinh không bị ngắt quãng việc học tập quá lâu dẫn tới việc quên kiến thức, nề nếp học tập. Vì các lý do trên, đề xuất "giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết" đã được trình lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời đó với dự kiến giữ nguyên ngày khai trường là 5-9 đối với học sinh tiểu học, nhưng ngày kết thúc năm học sẽ muộn hơn là vào cuối tháng 7.

Đề xuất đã được Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến và có được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh học sinh, cán bộ giáo viên thời điểm đó và trở thành chủ trương của Bộ GD-ĐT. 

Theo bà Đặng Huỳnh Mai - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, mục tiêu được đặt lên trên hết khi thực hiện chủ trương đó là quyền lợi học sinh, những kế hoạch khác của các nhà trường đều có thể điều chỉnh miễn là tốt cho học sinh.

Đến quy định gây nhiều băn khoăn

Và từ năm học 2007-2008, Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm "giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết" ở một số địa phương. Nhưng không phải khai trường vào ngày 5-9 và kết thúc muộn hơn vào tháng 7 như đề xuất ban đầu mà năm học được bắt đầu sớm từ tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 5. 

Nhiều tỉnh, thành khi đó quyết định ngày tựu trường sớm 1-2 tuần, tùy theo từng cấp học. Cùng với đó, học sinh cũng được kéo dài thời gian nghỉ tết. Ví dụ vào năm 2007, TP.HCM quyết định cho học sinh nghỉ tết 2 tuần. Một số địa phương cho học sinh nghỉ tết 10 ngày...

Từ thực tiễn áp dụng thí điểm trên, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT có quyết định các sở GD-ĐT chủ động đề xuất thời gian năm học, tùy theo điều kiện từng địa phương, dựa theo khung thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, tựu trường sớm nhất vào ngày 1-8 và kết thúc năm học vào ngày 31-5.

Từ đó tới nay, không còn "ngày đầu tiên đi học" thống nhất trên cả nước. Điều đáng nói là theo chủ trương ban đầu, việc tựu trường sớm chỉ áp dụng với những địa phương có điều kiện đặc thù (cần thời gian tránh lũ, tránh rét), nhưng sau khi trở thành quy định chính thức thì tất cả 63 tỉnh, thành đều thực hiện.

Nhiều tỉnh, thành quyết định ngày tựu trường rất sớm từ ngày 1-8, trong khi có điều kiện giáo dục thuận lợi và kết thúc năm học vẫn là 31-5. Thời gian học sinh được nghỉ tết cũng không dài. Do vậy, thời gian học sinh, giáo viên phải đến trường không phải 37 tuần mà hơn 40 tuần. 

Rất nhiều nhà trường chỉ tuần đầu tiên tháng 5 đã học hết chương trình và cho kiểm tra cuối năm. Sau đó học sinh chơi dài, việc đến lớp chỉ mang tính hình thức. Trong khi suốt tháng 8, nhiều giáo viên thừa nhận việc học sinh đi học chệch choạc, do "chưa khai giảng năm học nên chưa nghĩ là đã học chính thức".

"Ngày khai trường" đang mờ nhạt

Ngày 5-9-1945 là ngày Bác Hồ gửi bức thư đầu tiên cho học sinh cả nước. Sau đó, đều đặn vào các dịp năm học mới, Bác Hồ gửi thư cho các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên trong ngành giáo dục và học sinh. Tiếp nối truyền thống này, hằng năm vào ngày khai trường, Chủ tịch nước cũng có thư gửi thầy cô giáo và học sinh cả nước - lá thư được đọc trong lễ khai giảng như một phần không thể thiếu.

Cũng vì thế, ngày khai trường 5-9 đã ghi sâu vào tâm trí rất nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhưng trong 10 năm qua, rất nhiều trường trong khoảng từ năm 2007-2014 ấn định ngày khai trường theo... lịch dự khai giảng của lãnh đạo các cấp. Còn nhiều trường khác khai giảng từ ngày 1 đến ngày 6, thậm chí có trường khai giảng vào ngày 9, ngày 10-9.

Năm 2015, trước nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc, Bộ GD-ĐT mới có một quyết định là chọn thống nhất tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào cùng một khung giờ và vào ngày duy nhất là 5-9. Cùng với quyết định này, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các nhà trường tổ chức lễ khai giảng năm học gọn nhẹ, giảm phần lễ, tăng phần hoạt động vui tươi của thầy, trò. Đặc biệt là rút ngắn phần giới thiệu đại biểu, đọc diễn văn dài dòng.

Năm 2015, việc học sinh phải đi "tập duyệt khai giảng" để đón lãnh đạo các cấp về dự giảm hẳn. Một số hiệu trưởng chủ động cắt bớt bài diễn văn báo cáo thành tích.

Tuy nhiên, các năm 2016-2017, tình trạng khai giảng nặng nề lại tái diễn. Cùng với đó, ý nghĩa của "ngày khai trường" mờ nhạt dần khi học sinh đã bước vào năm học mới từ lâu.

Dạy và học trước khai giảng để làm gì? Dạy và học trước khai giảng để làm gì?

TTO - Tuần qua, học sinh nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã đến trường dù theo quyết định 2953 ngày 17-7-2018 của UBND TP, khung kế hoạch thời gian của bậc tiểu học là 'học kỳ 1 từ ngày 20-8-2018'.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên