Trên bảng xếp hạng FIFA, Việt Nam đứng hạng 95, còn Mông Cổ xếp hạng 183. Cách biệt giữa hai nền bóng đá lên đến gần 100 bậc. Dẫu biết bảng xếp hạng FIFA chỉ mang tính tương đối nhưng sức mạnh của 2 nền bóng đá ít nhiều đã được phản ánh.
Bóng đá Mông Cổ hiện tại giống với bóng đá Việt Nam nhiều năm về trước khi rất ít cầu thủ được transfermarkt định giá.
Giá trị đội hình của đội U23 Mông Cổ (nhiều cầu thủ trong đó dự Asiad 19) tại vòng loại Giải U23 châu Á chỉ vỏn vẹn có 160.000 euro. Người có giá trị cao nhất bên phía U23 Mông Cổ mới chạm ngưỡng 100.000 euro là cầu thủ chạy cánh Dulguun Amaraa (CLB Ulaanbaatar, Mông Cổ).
Trong khi đó, tổng giá trị đội hình của U23 Việt Nam ở vòng loại Giải U23 châu Á 2024 là 1,5 triệu euro, gấp gần 10 lần U23 Mông Cổ. Tại Asiad 19, giá trị đội hình tuyển Olympic Việt Nam có thể sẽ giảm xuống vì có sự hiện diện của một số cầu thủ mới. Tuy nhiên vẫn chắc chắn có giá hơn 1 triệu euro.
Xét về thành tích cấp độ châu lục, Olympic Mông Cổ rõ ràng không thể đặt lên bàn cân với Olympic Việt Nam. Đây là lần đầu tiên đội bóng Đông Á này góp mặt ở môn bóng đá nam Asiad tính từ thời điểm sân chơi này dành cho lứa U23 +3 (năm 2002).
Ngược lại, Olympic Việt Nam là khách quen của Asiad, thậm chí Olympic Việt Nam đã từng vào đến bán kết năm 2018.
Tính ở cấp độ U23, thành tích của U23 Việt Nam cũng vượt xa đối thủ. U23 Việt Nam là một trong những đội giàu thành tích nhất Giải U23 châu Á, trong khi Mông Cổ chưa từng góp mặt. Xét về kinh nghiệm thi đấu quốc tế, rõ ràng các cầu thủ trẻ Mông Cổ không thể sánh bằng Việt Nam.
Trước đối thủ bị đánh giá yếu hơn, mục tiêu của Olympic Việt Nam là giành trọn 3 điểm và bảo toàn lực lượng trước khi chạm trán Iran và Saudi Arabia.
Kết thúc vòng bảng, 2 đội đầu bảng và 4 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền đi tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận