Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cùng với tướng Joseph Dunford (phải) bên ngoài trụ sở Lầu Năm Góc - Ảnh: REUTERS
Tuyên bố được ông Dunford đưa ra trong cuộc điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 14-3. Nó diễn ra trong bối cảnh đề xuất ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm 2020 được xây dựng dựa trên việc xem Trung Quốc và Nga là hai đối thủ, mối đe dọa chiến lược với Mỹ.
"Những công việc mà Google đang làm ở Trung Quốc đang gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc. Chúng tôi lấy làm lo ngại khi thấy các đối tác của quân đội Mỹ trong các ngành công nghiệp đang làm ăn tại Trung Quốc đã biết rằng có cái gọi là lợi ích gián tiếp" - đại tướng Dunford bày tỏ quan ngại.
"Thẳng thắn mà nói, gián tiếp có khi không phải là từ diễn tả đúng bản chất của sự việc mà phải nói rằng đó là một lợi ích trực tiếp cho quân đội Trung Quốc" - vị tướng 4 sao của Mỹ nhấn mạnh.
Theo Hãng tin Reuters, hồi năm ngoái, Google - công ty con của Alphabet - tuyên bố sẽ không tham gia đấu thầu hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trị giá 10 tỉ USD cho quân đội Mỹ với lý do không phù hợp với các nguyên tắc đạo đức mới của tập đoàn này.
Cũng trong năm 2018, vào tháng 6, Google cho biết sẽ không gia hạn hợp đồng phân tích các hình ảnh từ máy bay không người lái của quân đội Mỹ. Cùng lúc đó, Google thông báo không có kế hoạch vận hành một công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc mặc dù vẫn tiếp tục nghiên cứu ý tưởng này.
Người Mỹ tin rằng Trung Quốc đã đánh cắp hoặc cưỡng ép các công ty Mỹ giao nộp các công nghệ bí mật để từ đó chế tạo các vũ khí tối tân hơn Mỹ.
"Hôm nay ở đây tôi phải lưu ý chuyện này: một số công ty đã lên tiếng về các giá trị đạo đức khi làm việc với Lầu Năm Góc để phát triển các công nghệ tiên tiến. Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn chấm dứt mối quan hệ, trong lúc vẫn tiếp tục làm việc với Trung Quốc" - quyền bộ trưởng quốc phòng Patrick Shanahan nhấn mạnh trong cuộc điều trần chung với tướng Dunford.
"Bộ Quốc phòng Mỹ rất coi trọng vấn đề đạo đức khi nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, và những nỗ lực đó nhằm cải thiện hiệu suất cũng như cho phép con người đưa ra quyết định tốt hơn. Trung Quốc, ở mặt khác đã nhiều lần chứng minh họ ít quan tâm đến đạo đức và các chuẩn tắc quốc tế" - ông Shanahan cáo buộc.
Các công ty công nghệ Mỹ gần đây đã trở thành mục tiêu công kích yêu thích của nhiều thành viên Quốc hội Mỹ, những người đã chỉ trích họ về một loạt vấn đề như quyền riêng tư, chuyện làm ăn ở Trung Quốc và cho phép nước ngoài tác động các cuộc bầu cử Mỹ.
Trong phiên điều trần ngày 14-3, thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley đã chỉ trích mạnh mẽ Google, cho rằng đây chỉ là "một công ty được cho là của Mỹ".
Đáp lại các chỉ trích, giám đốc điều hành Google Sundar Pichai tuyên bố công ty đã đầu tư vào Trung Quốc trong nhiều năm và sẽ tiếp tục làm điều đó, đồng thời nhấn mạnh Google vẫn hợp tác với Chính phủ Mỹ trong các dự án về y tế, an ninh mạng và các lĩnh vực khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận