09/07/2020 17:14 GMT+7

Tương lai nào cho dự án sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng?

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Chiều 9-7,Tập đoàn Thiên Thanh đã họp báo thông tin dự án Chi Lăng - Đà Nẵng tại Trung tâm báo chí TP.HCM. Tại đây, đại diện Tập đoàn Thiên Thanh đã cung cấp các bằng chứng pháp lý về việc mua dự án, mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án.

Tương lai nào cho dự án sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh: H.Đ.

Nói về bối cảnh tham gia thực hiện dự án sân vận động Chi Lăng, ông Đỗ Văn Quất - cố vấn Tập đoàn Thiên Thanh - cho biết thời điểm năm 2018-2010, nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Để thu hút đầu tư, chính quyền Đà Nẵng đã tạo điều kiện, kêu gọi đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng cho TP.

Thiên Thanh đã trả đủ tiền cho UBND TP Đà Nẵng

Lúc bấy giờ, Tập đoàn Thiên Thanh nhận được thông tin chính quyền Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào dự án sân vận động Chi Lăng (55.000m2, đất ở) và Thiên Thanh là đơn vị duy nhất đăng ký đầu tư. 

Năm 2012, Bộ Xây dựng đã có công văn đồng ý với Tập đoàn Thiên Thanh về phát triển dự án này thành khu phức hợp thương mại, dịch vụ đa ngành.

Theo ông Quất, giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) dự án này ban đầu là 1.390 tỉ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp đủ tiền trong 60 ngày nên được chính quyền giảm 10% (tức 139 tỉ đồng). Sau đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã được UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đến nay chưa bàn giao mặt bằng.

"Tháng 6-2012, Tập đoàn Thiên Thanh đã có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng bàn giao mặt bằng nhưng TP Đà Nẵng cho rằng có nhiều khó khăn trong việc đền bù giải tỏa, đồng thời TP cũng có nhu cầu sử dụng sân vận động Chi Lăng để phục vụ mục tiêu văn hóa, xã hội của TP nên chưa bàn giao được mặt bằng cho Thiên Thanh" - ông Quất cho biết.

Ông Phan Trung Hoài - luật sư đại diện cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh -cho biết ông Phạm Công Danh (chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) đã thế chấp 10 sổ đỏ liên quan đến dự án sân vận động Chi Lăng cho Ngân hàng Xây dựng và các ngân hàng liên quan để ngân hàng cho các công ty con thuộc Tập đoàn Thiên Thanh vay.

Tháng 7-2014, xảy ra vụ án Ngân hàng Xây dựng. Bản thân ông Phạm Công Danh cũng phải gánh chịu hậu quả pháp lý từ vụ án và cùng ngân hàng giải quyết công nợ (nợ gốc khoảng 3.900 tỉ đồng). Sự kéo dài việc thực hiện dự án sân vận động Chi Lăng cũng một phần xuất phát từ quá trình tố tụng.

Trong vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên 10 "sổ đỏ" này. Hiện nay, Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh đang thực hiện bản án để có pháp lý sạch cho dự án.

Ông Hoài khẳng định Tập đoàn Thiên Thanh luôn nghiêm túc thực hiện các bản án có hiệu lực pháp luật, hướng đến triển khai thực hiện dự án với sự đồng thuận cao của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, phù hợp với mục tiêu phát triển của TP.

Tương lai nào cho dự án sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng? - Ảnh 2.

Luật sư Phan Trung Hoài trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: H.Đ.

Thiên Thanh không có lỗi trong việc thực hiện dự án

Trả lời câu hỏi về việc chính quyền Đà Nẵng và Tập đoàn Thiên Thanh có lỗi gì trong quá trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Tập đoàn Thiên Thanh không, ông Quất cho rằng thời điểm Thiên Thanh đầu tư vào dự án, chính quyền TP Đà Nẵng thông báo vị trí đất là mặt tiền đường, đơn giá là đất ở, không có thông tin nào về việc đất này là đất kinh doanh dịch vụ có thời hạn, nên thông tin trên giấy chứng nhận là thời hạn sử dụng lâu dài.

"Ai đó nói việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ là sai thì chúng tôi không bình luận. Bởi việc cấp là trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng, Tập đoàn Thiên Thanh không có lỗi gì" - ông Quất cho biết.

Về việc có ý kiến đề nghị UBND TP Đà Nẵng thu hồi dự án và trả lại 1.200 tỉ đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh, ông Phan Trung Hoài cho rằng nếu trả lại số tiền Thiên Thanh đã nộp mà không giải quyết quyền lợi liên quan của tập đoàn thì không công bằng.

Còn về tính khả thi của dự án, ông Hoài cho rằng Tập đoàn Thiên Thanh và TP Đà Nẵng đều mong muốn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án. Đến nay, UBND TP Đà Nẵng cũng chưa có căn cứ thu hồi dự án.  

"Chúng tôi mong muốn UBND TP Đà Nẵng thỏa thuận với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (nơi nhận thế chấp 10 sổ đỏ liên quan đến dự án) và Tập đoàn Thiên Thanh" - ông Hoài nói.

Thông tin thêm, luật sư Trần Minh Hải cho rằng Tập đoàn Thiên Thanh có khả năng giải quyết các khoản công nợ liên quan đến ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh trong tầm tay. Đồng thời, việc thực hiện dự án sân vận động Chi Lăng cũng nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả của vụ án.

Xử lý sân vận động Chi Lăng: phải xét tới nguyện vọng người dân Xử lý sân vận động Chi Lăng: phải xét tới nguyện vọng người dân

TTO - Ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết thành phố có mong muốn thu hồi sân vận động Chi Lăng theo nguyện vọng của người dân.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên