Biểu diễn văn nghệ trước tượng đài Bác Hồ sáng 17-5. Ảnh: Thanh Tùng |
Ông Phan Minh Tánh - nguyên ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên trưởng Ban Dân vận trung ương, nguyên phó bí thư Thành ủy - khẳng định như vậy khi phát biểu tại lễ khánh thành và báo cáo với Đảng bộ, nhân dân TP về hoàn thành đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM sáng 17-5. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:
Trong cảnh đất nước bị họa ngoại xâm và chia cắt, thế hệ thanh niên miền Nam chúng tôi đã theo tiếng gọi non sông, “Năm xung phong” thi đua cùng “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc, xông pha thực hiện ước vọng thiêng liêng sớm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, để được đón Bác Hồ vào với miền Nam, được một lần gặp Bác.
Chúng tôi ngày đêm ngưỡng vọng về miền Bắc, nơi có Trung ương Đảng và Bác Hồ đang dẫn dắt dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chúng tôi cũng biết Bác Hồ lúc nào cũng thương nhớ miền Nam, mong miền Nam đánh thắng, để Bác sớm vào thăm lại đồng chí đồng bào. “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.
Không chỉ thương nhớ miền Nam, Bác còn nhiều lần đề nghị Bộ Chính trị sắp xếp cho Bác trực tiếp vào Nam, dù cuộc chiến đấu đang hồi khốc liệt. Ngày 10-3-1968, Bác viết thư cho đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, nhắc lại mong muốn và quyết tâm vào Nam: “Nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành.
Nhưng nay chỉ đổi chữ "sau" thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”.
Bác đã dự trù kế hoạch kỹ lưỡng với đồng chí bí thư thứ nhất, đi bao nhiêu ngày, đi với ai, bằng phương tiện gì, công tác tổ chức ra sao… Vậy mà, ước nguyện của Bác chưa thành thì Người đã đi xa, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí đồng bào cả nước, trong đó có miền Nam ruột thịt.
Cả miền Nam còn trong khói lửa chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ, các giới đồng bào từ già đến trẻ, đặc biệt trong vùng tạm chiếm hay ngay trong chốn ngục tù, bằng nhiều hình thức khác nhau đều để tang Bác với niềm thành kính.
Tôi nhớ rõ ngày được tin Bác mất, toàn khu căn cứ, cơ quan Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam ai cũng khóc vì nỗi đau xé ruột, như mất đi người ông, người cha yêu kính của mình.
Sau đó, thể theo nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên miền Nam, Trung ương Đảng, Trung ương Cục đồng ý cho tổ chức Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam, Đội thiếu niên tiền phong miền Nam được vinh dự mang tên Bác Hồ.
Mùa xuân đại thắng năm 1975, trong đoàn quân vào giải phóng Sài Gòn, sào huyệt đầu não và cuối cùng của kẻ thù, tôi cũng như nhiều đồng chí khác, chắc chắn cũng như tâm trạng của đồng chí, đồng bào khi đó, vừa vui mừng hạnh phúc vì đã thực hiện được lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, nhưng cũng đều không khỏi bồi hồi xúc động, ước gì Bác có mặt trong ngày vui đại thắng hôm nay.
Thưa các đồng chí!
40 năm sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, nhân dịp sinh nhật lần thứ 125 của Bác kính yêu, chúng ta có mặt tại đây, cùng mừng cho thành phố đã hoàn thành công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính thành phố được vinh dự mang tên Người.
Tên gọi thiêng liêng vốn đã được đoàn đại biểu miền Nam đề nghị khi ra họp Quốc hội khóa I, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, sau đó được chính thức công nhận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất năm 1976.
Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM là ước nguyện thiêng liêng của Đảng bộ, của đồng chí, đồng bào thành phố.
Công trình được triển khai thực hiện và hoàn thành là kết quả của sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền thành phố, bền bỉ thực hiện điều tốt đẹp đối với Bác Hồ, được trung ương quan tâm, chấp thuận, nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Tôi được biết các đồng chí đã bàn bạc, thảo luận qua nhiều phiên họp, đắn đo suy nghĩ, đầu tư công sức, huy động trí tuệ tập thể từ các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trung ương và thành phố, các đồng chí lão thành cách mạng, các nghệ nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà khoa học, nhà chuyên môn, và đặc biệt là đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố.
Sự hiện diện của đồng chí Tổng bí thư và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong buổi lễ trang trọng hôm nay đã thể hiện tình cảm và sự quan tâm lớn của trung ương đối với công việc đầy ý nghĩa này của thành phố. Cho nên, tôi cũng như nhiều đồng chí cảm thấy rất yên tâm, phấn khởi, vui mừng và hạnh phúc.
Tôi thật sự cảm động, trân trọng quyết tâm của Thành ủy, lãnh đạo thành phố. Tôi tin rằng các đồng chí lãnh đạo trung ương cũng vui mừng, toàn Đảng bộ phấn khởi, và chắc rằng người dân thành phố cũng phấn khởi, đặc biệt lớp trẻ càng phấn khởi.
Từ đây thành phố có một công trình văn hóa có ý nghĩa hết sức sâu sắc, một “địa chỉ đỏ” để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố tìm về mỗi dịp lễ trọng, để báo công lên Bác những thành tựu trong xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và thành phố.
Đồng bào các nơi, bạn bè quốc tế đến thành phố cũng sẽ đến đây chiêm ngưỡng, dâng hoa, dâng lên Bác tấm lòng thơm thảo và có kỷ niệm sâu sắc về TP.HCM.
Thưa các đồng chí!
Làm điều gì tốt đẹp để tôn vinh, để thể hiện tình cảm của chúng ta với Bác, chúng ta nguyện hết sức hết lòng, nhưng tôi nghĩ dù làm được bao nhiêu cũng sẽ là chưa đủ trước công lao trời biển của Bác đối với dân, với đất nước, với miền Nam và thành phố chúng ta.
Công trình tượng đài của Bác hôm nay hoàn thành tại đây, như Bác sẽ luôn hiện diện bên ta, nhắc nhở chúng ta, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên phải luôn giữ gìn phẩm chất, đạo đức người cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thật sự gương mẫu để giáo dục thế hệ trẻ noi theo, kế tục xứng đáng sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ để lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận