Sáng 17-5, TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước trụ sở UBND TP, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Tuổi Trẻ Online giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM:
Cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước ta, với tình cảm muôn vàn thương nhớ, kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 - 19-5-2015), hôm nay Thành ủy TP.HCM long trọng tổ chức lễ khánh thành báo cáo với nhân dân và Đảng bộ TP về hoàn thành xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Người.
Bằng tất cả sự thành kính, niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn Bác Hồ muôn vàn kính yêu, dưới tượng đài của Người, Đảng bộ, đồng bào, chiến sĩ TP cảm nhận sâu sắc hơn tư tưởng, tấm gương đạo đức và tình thương yêu, đức hi sinh cao cả của Bác với nhân dân. Cội nguồn của sự vĩ đại ở Người chính là tấm lòng thương quý, tin tưởng nhân dân vô hạn.
“Miền Nam là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”, “đi trước về sau”, đứng nơi đầu sóng ngọn gió, trong khói lửa đạn bom, trong đọa đày, áp bức, đau khổ tột cùng dưới chế độ thực dân, đế quốc… làm cho Bác mang nặng trong lòng nỗi đau thường trực.
Người nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”, “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Ngày đêm Bác đau đáu về miền Nam, lúc trở bệnh nặng, khi tỉnh dậy Bác vẫn dõi theo tình hình chiến trường; trước lúc đi xa Người muốn uống một chút nước dừa, như để luôn giữ mãi hình ảnh miền Nam ruột thịt.
Tình thương yêu đặc biệt đồng bào miền Nam, trong đó có thành phố chúng ta, được nhân lên bởi lòng tin mãnh liệt của Bác vào sức mạnh của cả nước, của đồng bào miền Nam: “Tôi chắc, đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng… chúng ta nhất định thắng vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa”.
Người động viên, tặng đồng bào miền Nam danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”. Ở thời điểm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác nóng lòng vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhưng điều kiện chưa cho phép.
Và ròng rã suốt bao năm, ngày đêm Bác như cùng hành quân ra trận, cùng đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam Bắc chiến đấu, đi đến toàn thắng.
Thật tự nhiên, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM từ trước đến nay luôn tôn kính, yêu quý Bác Hồ; trong mỗi chúng ta vẫn thấy có Người luôn bên cạnh.
Tư tưởng của Người thấm vào chúng ta từ “Bản án chế độ thực dân Pháp”, từ “Đường kách mệnh”, từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, từ nghị quyết của Đảng, lời kêu gọi kháng chiến, cùng sự ân cần cổ vũ, động viên: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc, Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
Muôn triệu tấm lòng đều vững niềm tin vào Bác, vào Đảng, quyết chí bền gan, chiến đấu anh dũng trên các chiến trường, đến ngày toàn thắng. Giữa trung tâm Sài Gòn, hang ổ của kẻ thù, nhiều cuộc xuống đường tranh đấu sống còn, đồng bào vẫn đồng thanh vang lên: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, vững bước trước lưỡi lê, đầu súng, làm bạt vía quân thù.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi giật băng bịt mắt, ngẩng mặt cùng lời hô: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!” trước khi anh hi sinh tại khám Chí Hòa.
Trong ngục tù đọa đày của địch, bao chiến sĩ cách mạng luôn hướng về Bác, vững vàng khí tiết, thà chết chứ nhất định không bước qua cờ Tổ quốc, cờ Đảng, ảnh Bác, không đầu hàng giặc; liệt sĩ nữ sinh Trần Bội Cơ và bao liệt sĩ khẳng định: “Hồ Chí Minh ở trong lòng tôi” nên quyết không lung lay ý chí bởi những đòn thù tra tấn rất tàn bạo, dã man; trên vách chuồng cọp nhà tù Côn Đảo in sâu những vần thơ bằng máu: “Cha già ơi! Hôm nay mười chín tháng năm; Lòng con sáng tựa trăng rằm trung thu”.
Khi Bác đi xa, nơi căn cứ trong vùng giải phóng và giữa lòng thành phố, trong nhiều nhà dân vùng bị địch tạm chiếm, bàn thờ Bác do đồng bào, chiến sĩ dựng lên ngày đêm tỏa khói hương tưởng nhớ Bác, bất chấp sự khủng bố của quân thù; nhiều ngôi chùa tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ, nhân sĩ, trí thức công giáo viết bài công khai tôn vinh Bác Hồ; ngay trong lao tù khám lớn Chí Hòa, các chiến sĩ cách mạng và những người dân yêu nước đấu tranh với địch để thọ tang Bác.
Bác Hồ kính yêu là lẽ sống, là niềm tin của muôn triệu tấm lòng. Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào, chiến sĩ thành phố vượt qua bão táp phong ba, hi sinh xương máu, xông pha dưới mưa bom bão đạn để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam; mưu trí, sáng tạo, tiến hành trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với chiến dịch mang tên Người, đã thống nhất non sông, ghi dấu ấn lịch sử tại thành phố này và chúng ta vinh dự, tự hào là thành phố được mang tên Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Trên từng bước đường kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong mỗi chiến công, mọi thành quả của thành phố đều có ngọn nguồn sức mạnh vô biên, chỗ dựa tinh thần vững chắc, soi đường, chỉ lối, vẫy gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đảng bộ và nhân dân thành phố mãi mãi ghi tạc công ơn trời biển của Người; luôn ước ao được đón Bác để thỏa lòng kính yêu; nhưng Bác chưa kịp về thăm lại đồng bào miền Nam, như Người đã trải lòng thương nhớ: “Bác thì đã đi đến nơi rồi, nhưng Bác chưa về đến chốn”.
Nỗi niềm ấy từ tấm lòng thương yêu vô hạn của Bác với đồng bào miền Nam trở thành khát vọng và trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân thành phố, trong đó có ước muốn tha thiết được xây dựng tượng đài Bác giữa lòng thành phố để được gần Người hơn.
Nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ và nhân dân thành phố về xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM được Ban Bí thư Trung ương Đảng, được đồng chí Tổng bí thư quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sắc với yêu cầu: “Tượng Bác phải thật sự đẹp, sinh động, tự nhiên, tư thế vững chắc, khỏe khoắn và giống Bác; phản ánh được thần thái ung dung, phúc hậu, nhân từ và tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam”.
Từ giữa năm 2011, Thành ủy đã triển khai đề án xây dựng tượng đài bằng tất cả tâm huyết và tấm lòng kính yêu đặc biệt với Bác; đáp ứng tình cảm sâu sắc và sự mong đợi của nhân dân, của Đảng bộ thành phố.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại trung tâm hành chính của thành phố, nơi có vị trí trang trọng nhất, đẹp nhất và thuận lợi để nhân dân mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế được chiêm ngưỡng.
Bác như đã trở về, mừng vui vẫy chào nhân dân thành phố; thể hiện sự mong mỏi của Người một lần về thăm lại miền Nam; là lời chào mừng của Người với miền Nam trong mùa xuân đại thắng; là sự trải lòng, cảm ơn chân thành bạn bè năm châu đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; chứa chan tình cảm bao la, tin tưởng, cổ vũ các thế hệ nhân dân TP.HCM ra sức phấn đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM là ước nguyện tha thiết của Đảng bộ và nhân dân thành phố, khẳng định tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào, đồng chí thành phố đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu; là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân thành phố mang tên Bác.
Đây là nơi để chúng ta thể hiện lòng tôn kính Bác Hồ; là nơi để chúng ta dâng hoa, báo cáo kết quả với Bác về phấn đấu, rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ và giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
Là sự nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí giữ những vị trí chủ chốt của thành phố phải luôn tự soi rọi, tự sửa, tự răn mình; luôn tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân và trọng trách mà Đảng và nhân dân giao.
Đảng bộ và nhân dân thành phố kính báo cáo Bác:
Thực hiện di huấn thiêng liêng của Người, 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thành phố mang tên Bác tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức khắc phục hậu quả rất nặng nề do chiến tranh để lại, nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới.
Thành phố luôn giữ vững mức tăng trưởng kinh tế cao; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư, phát triển; nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được kết tinh, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đầy ắp nghĩa tình; mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ với nhân dân luôn được chăm chút, vun bồi… tất cả đều nhằm mục đích chăm lo nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; vì sự bình yên và phát triển bền vững của thành phố.
Những ngày tháng 4 lịch sử vừa qua, cùng với cả nước, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhất là những công trình, chương trình đền ơn, đáp nghĩa… chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng con lại trào dâng nỗi nhớ Bác, càng kính yêu Bác.
Tuy Bác không có mặt trong ngày miền Nam sạch bóng quân thù xâm lược, nhưng chúng con vẫn thấy “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, Bác sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta, Bác luôn có mặt trong những vui buồn, trăn trở, lo toan… luôn dẫn bước chúng con trên đường phát triển đi lên của đất nước, của thành phố.
Chúng con hạnh phúc vô cùng, luôn được trong vòng tay tình thương của Bác. Và hôm nay, kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, Bác như đã về với miền Nam, trở về với thành phố vinh dự được mang tên Người, trong “thần thái ung dung, phúc hậu, nhân từ”.
Mọi người đến với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để được ngắm nhìn gương mặt sáng ngời của Bác - người cha già giản dị, gần gũi; để lắng đọng lòng mình trong giây phút “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta. Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” .
Bác Hồ kính yêu mãi mãi là tượng đài vĩnh cửu trong mỗi chúng con, các thế hệ con cháu đời đời ghi tạc; giữa đất trời thành phố, Bác đứng đó uy nghi mà thân thiết, vĩ đại mà gắn bó, như chính cuộc đời Người, vị lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước.
Kính thưa đồng bào, đồng chí thành phố,
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM xin kính dâng lên Người ngàn hoa tươi thắm; nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chúng con xin hứa với Bác, vì cả nước, cùng cả nước, phấn đấu xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; đời đời lớp lớp cháu con của Người sẽ ra sức tận trung với nước, tận hiếu với dân, sắt son theo Đảng, vì Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mãi mãi xứng đáng với thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thành phố anh hùng.
Ông Phan Minh Tánh - nguyên ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên trưởng Ban Dân vận trung ương, nguyên phó bí thư Thành ủy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - công nhân Công ty Dệt may Gia Định - tại buổi lễ long trọng và đầy xúc động này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận