19/10/2013 11:30 GMT+7

Tuổi Trẻ Online - người bạn thân thiết của chiến sĩ nhà giàn

MAI THẮNG (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Vũng Tàu) 
MAI THẮNG (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Vũng Tàu) 

TTO - Trước tháng 7-2009, báo Tuổi Trẻ (báo giấy) ra hằng ngày đối với cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 rất “xa lạ” với ba lý do.

Mời dự thi "Tuổi Trẻ Online trong mắt bạn đọc"Tuổi Trẻ Online cảm xúc rất thậtTuổi Trẻ Online - nơi tôi gửi gắm niềm tin

wALv60Ba.jpg
Chiến sĩ nhà giàn đọc báo từ đất liền mang ra - Ảnh: Thuận Thắng

Đó là:

Thứ nhất: Báo Tuổi Trẻ không nằm trong diện “biên chế” được mua trong hệ thống báo chí các đơn vị quân đội, ngoại trừ đơn vị đó mua riêng, tức là mua cho thủ trưởng hoặc mua ngoài “biên chế”. Cũng như các đơn vị đầu mối cấp đại đội khác, các nhà giàn DK1 chỉ được đọc ba loại báo Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong và tờ báo địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ hai: Khi chúng tôi đọc được báo Tuổi Trẻ giấy gửi từ đất liền ra nhà giàn, thời gian đã chậm so với đất liền hai tháng, thậm chí 4 tháng, do sóng to gió lớn tàu trực không ghé được nhà giàn, thông tin đã rất lạc hậu so với dòng chảy của cuộc sống.

Dĩ nhiên, báo Tuổi Trẻ giấy đến với chúng tôi là do đoàn công tác từ đất liền ra thăm mang theo tặng, chủ yếu là Tuổi Trẻ Cuối Tuần vì theo họ, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngoài thông tin còn có hình ảnh màu, bắt mắt, sau khi đọc các chiến sĩ còn cắt ảnh đẹp dán lên trần giường ngủ hoặc góc học tập.

Thứ ba: Do các nhà giàn DK1 lúc đó chưa có điện thắp sáng, chưa được phủ sóng điện thoại Viettel như bây giờ nên việc đọc báo Tuổi Trẻ Online (TTO) là không thể. Mọi thông tin liên lạc về đất liền chủ yếu qua máy I-com sóng cực ngắn.

Để liên lạc được, trước khi đi nhà giàn chúng tôi thường xuống đài radio duyên hải Vũng Tàu đặt tiền trước, và được đăng ký 1 đến 2 số điện thoại cố định. Sóng yên biển lặng nghe còn rõ tiếng người thân trong đất liền, sóng to gió lớn, nhiễu, nghe câu được câu chăng.

Bắt đầu từ tháng 5-2010, lần đầu tiên các nhà giàn DK1 có điện thắp sáng từ nguồn năng lượng mặt trời, đây là công trình khoa học do báo Tuổi Trẻ và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện với chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”.

Gần 200 cán bộ chiến sĩ ở các nhà giàn DK1 vỡ òa xúc động đến rơi nước mắt khi chứng kiến nhà giàn Tư Chính 4 rực sáng giữa biển đêm.

Cũng ngay sau đó, một số nhà giàn được phủ sóng điện thoại Viettel máy cố định và di động. Được báo Tuổi Trẻ và các cơ quan khác tặng một số máy tính và thiết bị 3G, chúng tôi bắt đầu tập đánh chữ và học truy cập mạng Internet.

Có gì vui hơn khi giữa đại dương mênh mông xa đất liền vời vợi vẫn có thể cập nhật thông tin từ đất liền một cách khá đầy đủ, trong đó TTO là kênh truyền dẫn nhanh nhất.

OyZJdOAr.jpg
Phóng viên My Lăng (giữa) của báo Tuổi Trẻ hướng dẫn cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/9 cách sử dụng máy vi tính và truy cập Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) - Ảnh: Xuân Trường

So với một số báo khác thì TTO luôn là ngọn cờ đầu về hình ảnh, nhanh nhạy về thông tin, có độ chính xác cao. Chúng tôi yêu mến TTO không chỉ coi đội ngũ phóng viên của Tuổi Trẻ như phóng viên Bùi Thanh, Minh Thùy, Hải Triều… là người thân thiết, mà còn yêu mến bởi đây là tờ báo tin cậy, nhanh nhạy và chính xác nhất.

Từ ngày có Internet, mở mắt dậy, bật máy tính là có thể biết được thông tin từ đất liền. Mặc dù đường truyền có thể còn chậm rất nhiều so với đất liền, song chúng tôi ngày nào cũng truy cập thông tin, mà đầu tiên vào mạng là gõ “tuoitre.vn”.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng trong thời buổi đa chiều thông tin như hiện nay thì nhật báo Tuổi Trẻ (báo in), TTO vẫn là người bạn đồng hành của độc giả cả nước. Đối với cán bộ chiến sĩ các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1, TTO là kênh truyền dẫn mà bộ đội thích đọc nhất, truy cập nhiều nhất.

Về sự cập nhật nhanh nhạy của thông tin, xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể: sau một ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng, các chiến sĩ nhà giàn DK1 muốn bày tỏ niềm thương tiếc và tri ân Đại tướng nhưng không biết làm cách nào được.

Trung úy Bùi Hữu Xuân ở nhà giàn DK1/15 gọi điện về cho tôi chia sẻ: “Anh ơi, em buồn quá. Từ hôm Đại tướng mất đến chừ, em như mất một điều gì đó thiêng liêng nhất. Chúng em đã lập bàn thờ viếng Đại tướng”.

Từ thông tin ban đầu, tôi đã gọi điện cho trung úy Võ Quang Thường, hiện giữ chức chỉ huy phó quân sự nhà giàn DK1/10, để hỏi về tâm trạng các chiến sĩ khi Đại tướng từ trần.

Từ đầu máy bên kia, trung úy Thường chia sẻ: “Nhà em chỉ cách nhà Đại tướng chưa đầy 2 cây số. Mấy ngày nay em không ngủ được. Bọ, mạ em ở quê cũng mấy đêm thức trắng. Em cũng buồn quá, cơn bão vừa qua cuốn trôi hết nhà cửa rồi”. Để có thêm thông tin về Trường Sa, tôi đã gọi điện cho trung tá Đỗ Thế Tuyến, đảo trưởng đảo Sơn Ca.

Trung tá Tuyến nói trong điện thoại nghèn nghẹn: “Cả đảo Sơn Ca như mất đi một điều gì thiêng liêng nhất. Chúng tôi đã lập bàn thờ và tổ chức viếng Đại tướng từ chiều 11-10 và sẽ viếng Đại tướng bên cột mốc chủ quyền”…

Từ thông tin này, tôi “biên tập” và gửi luôn cho TTO. Ngay sau đó, trên TTO đã xuất hiện tin nóng hổi “Chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1 nhớ Đại tướng”. Sáng 7-10, nhật báo Tuổi Trẻ đã đăng bài này.

Từ nhà giàn DK1/15, trung úy Bùi Hữu Xuân gọi điện về cho tôi: “Em xúc động quá, vậy là chiến sĩ nhà giàn cũng nói được lời tri ân với Đại tướng”. Còn trung tá đảo trưởng đảo Sơn Ca Đỗ Thế Tuyến bày tỏ: “Cảm ơn anh, cảm ơn Tuổi Trẻ đã nói lên lòng thành kính của cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca với Đại tướng”.

Một việc khác nữa là 15g ngày 15-10, Công ty TNHH Thế Kỷ tổ chức tặng xuồng phao cho nhà giàn DK1. Chỉ sau đó không lâu, TTO đã đăng tin “Tặng xuồng phao cho nhà giàn DK1” với hình ảnh sống động.

Đến lúc đó, chúng tôi và các thành viên Công ty Thế Kỷ vẫn đang ngồi hàn huyên. Tôi reo lên: “Anh Thế ơi (đại tá Trương Công Thế, phó chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) tin ra rồi này!”. Mọi người xúm vào đọc nhanh qua máy tính xách tay của tôi. Đại tá Thế nhận xét: “Tuổi Trẻ bao giờ cũng nhanh nhất”…

Là người lính hải quân 11 năm gắn bó với nhà giàn DK1, tôi luôn coi TTO là người bạn thân thiết không chỉ của riêng tôi mà tất cả các chiến sĩ DK1. TTO sống mãi trong tim cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 bởi sự nhanh nhạy, chính xác, chân thực về thông tin, đa diện về hình thức thể hiện, đẹp về giao diện trang báo.

TTO - Người đồng hành thân thương của tôi

Tuổi Trẻ có ơn với cá nhân tôi và điều ấy được tôi nói đến trong nhiều dịp. Bệnh tật, 10 năm tá túc trong một ngôi miếu là 10 năm tôi sống cùng Tuổi Trẻ. Không ngày nào không đọc Tuổi Trẻ và một số tờ báo khác, lại cắt những bài viết hay, thông tin đáng chú ý, ép plastic cẩn thận thành một sưu tập mà đến khi cân đã thành nhiều ký! Riết nghĩ rằng mình đã thành một nhân viên của Tuổi Trẻ (không lương)!

Và quả thật, vào năm thứ tư, thứ năm ở miếu, tôi đã trở thành thành viên câu lạc bộ điểm báo của Tuổi Trẻ (có tiền thù lao!). Tôi vinh dự được mời thăm tòa soạn hoành tráng của báo, tiếp xúc lãnh đạo BBT và một số anh chị em phóng viên, cụng ly cụng chén vui vẻ, thân ái. “Nghiệp” đọc báo như thế là hạnh phúc...

Riêng TTO tôi biết đến muộn hơn song lại gắn bó dài lâu hơn. Khi tập tành làm quen máy tính và truy cập mạng, tôi vào ngay TTO. Những khi không có tiền hay cần thông tin nhanh, vào TTO rất tiện. TTO có giao diện đẹp, thân thiện, đã trở thành người bạn đồng hành với tôi hơn 3 năm nay.

Tôi thật vui khi thấy những bài dự thi cuộc thi viết Nét bút tri ân của mình được chọn đăng trên TTO và sau đấy là những bài viết khác như “Trang giáo khoa giữa đời”, “Chuyện bé mèo và sự uy nghi”.

Có lẽ sự gắn bó giữa tôi và TTO sẽ rất dài lâu và ngày nào tôi cũng vào TTO trước tiên tại phòng Internet. Mong anh chị em làm báo điện tử của TTO chân cứng đá mềm, tiếp tục xây dựng TTO thành một trang báo mạng uy tín chẳng những ở Việt Nam mà tầm khu vực. Dịp này cũng là cơ hội để tôi gửi lời tri ân đến anh chị em trên ấy, chúc mọi người an lành, tiến bộ.

NGUYỄN THÀNH CÔNG (Bạc Liêu)

24g ngày 15-11: hạn cuối nhận bài thi

Ban tổ chức chào đón các bài dự thi tiếp theo của tất cả bạn đọc. Vui lòng gửi bài dự thi theo mẫu TẠI ĐÂY đến email toasoantto@gmail.com (không nhận bài qua bưu điện), tiêu đề email ghi: “DỰ THI TUỔI TRẺ ONLINE TRONG MẮT BẠN ĐỌC”.

Hạn cuối nhận bài: 24g ngày 15-11-2013. Dự kiến công bố kết quả và trao giải vào ngày 1-12-2013.

Có tất cả 12 giải thưởng, trong đó giải nhất thi hiến kế trị giá 7 triệu đồng, giải nhất thi viết chia sẻ kỷ niệm - cảm xúc trị giá 5 triệu đồng. Thông tin chi tiết cuộc thi có TẠI ĐÂY.

MAI THẮNG (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Vũng Tàu) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên