Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải A cho cô giáo Tòng Thị Minh (nhóm tác giả báo Tuổi Trẻ). Ảnh: Việt Dũng. |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Báo chí cách mạng và trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 9. - Ảnh: Việt Dũng |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trưởng Ban tuyên giáo trung ương Đinh Thế Huynh (bìa trái) trao giải cho các nhà báo đoạt giải A. Ảnh: Việt Dũng. |
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh vai trò to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch nước đòi hỏi báo chí cần phản ánh trung thực tình hình đất nước, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cổ vũ nhân dân tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ngăn chặn những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, mị dân, lợi ích nhóm...
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan quản lý báo chí cần nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có chủ trương, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để báo chí hoạt động. Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh đội ngũ người làm báo cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết.
Giải báo chí quốc gia lần thứ 9 - 2014 có 1.468 tác phẩm gửi dự thi. Có 118 tác phẩm thuộc 11 thể loại đoạt giải, trong đó có 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải khuyến khích. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM đoạt bảy giải báo chí quốc gia. Cụ thể, ở thể loại báo điện tử, tác phẩm “Chui túi nilông qua suối tại Sam Lang” của nhóm tác giả Tòng Thị Minh, Dương Đức Đà Trang, Lê Đức Dục đoạt giải A. Đoạt giải C gồm có các tác phẩm: “Trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Giang” của tác giả Hà Hương - Hồng Điệp, “Cứu 12 công nhân vụ sập hầm Đạ Dâng” của nhóm tác giả Duy Thanh, Hà Mi, Đào Đức Bảo, Mai Vinh, Quách Đức Trong, Ngô Khắc Lịch, Võ Lâm Thiên, Võ Hùng Thuật, Viễn Sự; “Bộ trưởng Thăng ngó xuống mà coi” của nhóm tác giả Hoàng Lam Giang - Quốc Nam, Lê Hà Linh; “Dịch sởi bùng phát: nỗi đau và giọt nước mắt” của tác giả Nguyễn Khánh; “Ảnh tàu 46001 của Trung Quốc đâm thẳng tàu CSB Việt Nam” của tác giả Thuận Thắng. Phóng sự ảnh “Chợ trời ma túy” của hai tác giả Hữu Khoa - Tiến Long đoạt giải khuyến khích.
Thư cảm ơn Trong những ngày qua, báo Tuổi Trẻ đã nhận được rất nhiều hoa và những lời chúc mừng nhân kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, 21-6-2015. Cùng với những lời chúc mừng, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế và kỳ vọng Tuổi Trẻ phải trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn, sắc bén hơn... Ban biên tập và toàn thể cán bộ công nhân viên báo Tuổi Trẻ xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các vị lãnh đạo, các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, các đồng nghiệp và bạn bè gần xa. Chúng tôi hiểu rằng ngày 21-6 không chỉ là ngày kỷ niệm dành riêng cho các nhà báo, mà còn dành cho tất cả mọi người đã tham gia công việc làm báo, kể cả các chuyên gia, cộng tác viên và bạn đọc chỉ thỉnh thoảng cung cấp tin tức cho chúng tôi. Thật sự, tin tức và bài viết của các “nhà báo công dân” đã góp phần rất lớn làm cho Tuổi Trẻ nóng hơn, hay hơn, trong số đó có cả các bài báo đoạt giải nhất báo chí TP.HCM và giải A báo chí quốc gia năm nay. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp cũng như ý kiến của tất cả bạn đọc để cùng cải tiến báo Tuổi Trẻ ngày càng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc hơn, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ làm báo đang thay đổi rất nhanh như hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận