Lực lượng chức năng huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cứu trợ người dân rốn lũ Xã Hải Phong, hạ lưu sông Ô Lâu - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Chiều 11-10, xuồng máy chở chị Trần Thị Thu, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, và phóng viên Tuổi Trẻ ngược dòng nước xiết về xã Hải Phong, huyện Hải Lăng. Được sự hỗ trợ của UBND xã nhưng khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận và trao những suất quà đầu tiên đến bà con nơi "ốc đảo" này.
Nỗi đau xé lòng bên dòng Ô Lâu
Bà con xóm nghèo bên dòng Ô Lâu chua xót kể hồi sáng sớm vừa đưa cháu N. - đứa con gái vừa tròn 4 tuổi của bà Nguyễn Thị Bé (thôn Câu Hà, xã Hải Phong) - sang xã bên cạnh chôn cất. Nước lũ lên nhanh quá, bà Bé đang vội thu ghém đồ đạc thì con bị cuốn trôi theo dòng lũ xiết.
Đau đớn, tang thương trùm lên xóm nghèo. Chính bà Bé và chồng cũng nghẹn đắng không thể nào ngờ được dòng sông vốn bao đời bồi đắp phù sa, cho con tôm con cá nuôi sống cả gia đình nay lại cướp đi đứa con bé bỏng trong tức tưởi.
Ngồi trước quan tài con lạnh lẽo, ngoài trời nước lũ vẫn dâng cao, hai vợ chồng quyết nhờ chính quyền địa phương đưa con lên ghe, chở qua xã bên cạnh chôn cất.
Chiếc ghe chở chiếc quan tài nhỏ được đưa đi trong lũ không trống kèn, không bà con tiễn biệt lạnh ngắt như cứa vào tim những người chứng kiến.
Ngồi trong nhà ngấp nghé nước nhìn ra, cụ bà Nguyễn Thị Ngoãn đã bước qua tuổi bát tuần dù tai không còn thính, mắt không rõ đường cũng thốt lên lời đau lòng trước cảnh người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Cụ Ngoãn nói đã mấy chục năm nay cụ mới thấy cơn lũ dữ như thế. "Khiếp vía. Sợ lắm. Nghe cháu kêu nước lên mệ ơi rồi đem tui lên trên tra ngồi. Cứ lo trong bụng mấy nhà neo người không biết xoay xở mần răng" - cụ nói.
Những ngày nước lên, những ông già bà lão như cụ Ngoãn tai kém mắt mờ chỉ sinh hoạt ăn uống, vệ sinh trên chiếc giường kê trên 4 chiếc ghế đẩu.
Cạnh nhà cụ Ngoãn có gia đình vợ chồng ông Phan Huống và bà Võ Thị Lởi đã ngoài 60 cũng thất thần khi kể lại trận lũ dữ vừa qua.
Ông Huống nghẹn ngào chỉ lên dấu vệt nước vừa rút cao quá đầu trên vách tường: "Nước lên hai vợ chồng lo kê đồ đạc, kê giường cho cha tui và đứa con đang bầu sắp sinh, nhà lại còn cháu nhỏ. Luống cuống quên cả đàn gà hơn chục con mất biết bao công gầy dựng chết sạch. Nhà làm nghề sông nước nên cũng không có gạo trữ. Mấy hôm ni ăn mì gói chêm vô bữa".
Chị Trần Thị Thu, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, trao hỗ trợ của báo Tuổi Trẻ đến bà con rốn lũ Hải Phong - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
"Nước uống, mì gói tới kịp thời quý lắm"
Nghe tin có ghe cứu trợ vào, cụ Ngoãn lật đật nói cháu dìu ra. "Cảm ơn mấy cô mấy chú, có nước có mì gói kịp thời ri quý lắm" - bà Ngoãn nhoẻn miệng cười.
Theo xuồng trao cứu trợ tận nơi, chị Trần Thị Thu cho biết chị đã thấy bà con rất khó khăn nhưng khi trực tiếp tiếp cận mới hiểu hơn sự gian nan của người dân vùng rốn lũ.
"Tận tay trao các suất quà của báo Tuổi Trẻ đến bà con bị cô lập, tôi mới thấy được những sự hỗ trợ dù lớn dù nhỏ trong lúc khó khăn, cấp bách với bà con là vô cùng quý giá. Mong sao có thêm nhiều tấm lòng như báo Tuổi Trẻ hướng về miền Trung để chia sẻ với bà con lúc hoạn nạn" - chị Thu nói.
Ông Lê Đức Thịnh - chủ tịch UBND huyện Hải Lăng - cho biết toàn huyện có 14/16 xã bị ngập. Hiện chỉ có 4 xã rút nước, còn 10 xã vẫn chìm trong lũ.
Theo thống kê, có khoảng 17.000 hộ bị ngập sâu. Thiệt hại mùa màng, tài sản chưa thể thống kê được.
Ngoài xã Hải Phong, còn các xã như Hải Định, Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế... cũng chịu thiệt hại nặng trong lũ.
"Trước mắt là vấn đề nước uống, các nhu yếu phẩm cần nhất cho bà con trong lũ như gạo, mì gói... Huyện mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để chung tay cứu trợ cho bà con vừa tiếp tục lên phương án chống đợt lũ mới" - ông Thịnh nói.
Những vùng trũng ở huyện Hải Lăng nước rút nhích từng tí một. Bà con nơi đây đang thiếu nước uống trầm trọng do tất cả giếng đều bị ngập chìm trong bùn đất. Điều đáng lo hơn sau đợt lũ, dự báo mưa lũ còn tiếp tục nhiều ngày. Nỗi lo sẽ tăng theo nước lũ dâng...
Đội mưa mua quà chuyển vào rốn lũ
Những phần quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã kịp đến với người dân xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Ngay trong trưa 11-10, dù trời mưa tầm tã, các tuyến đường trung tâm TP Huế ngập nặng nhưng đại diện báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế đã kịp mua 300 phần quà và vượt lũ chuyển đến cho người dân bị cô lập tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.
Đây là địa phương có nhiều thôn ngập sâu nhiều ngày như Hiền Sĩ, Cổ Bi, Tứ Chánh nằm cạnh sông Bồ.
Ông Hoàng Văn Thái - phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền - cho biết nhiều thôn của xã Phong Sơn bị cô lập, chia cắt 4 ngày nay, người dân đang rất cần nhu yếu phẩm và nước sạch.
"Những phần quà cấp thiết của báo Tuổi Trẻ đã phần nào giúp đỡ người dân vượt qua những ngày lũ lớn, đặc biệt bà con ở những vùng trũng bị ngập nhiều ngày. Những gói mì, chai nước, hộp sữa sẽ giúp bà con thêm nhiều ngày tới nếu mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp" - ông Thái chia sẻ.
Ông Tạ Thắng (xã Phong Sơn, Phong Điền) xúc động: "Nhiều ngày gia đình chỉ biết ăn mì gói nhưng cũng chỉ còn vài gói. Tôi điện nhờ anh em ở vùng cao chuyển vào nhưng đường ngập không thể chuyển. Nếu tiếp tục mưa thế này không biết lấy gì ăn, nước cũng không có để uống. Cảm ơn đơn vị, chính quyền đã hỗ trợ cho bà con".
Hôm nay 12-10, báo Tuổi Trẻ cùng Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tiếp tục chuyển quà đến những vùng bị cô lập hạ lưu sông Ô Lâu như Phong Bình, Phong Chương của huyện Phong Điền.
PHƯỚC TUẦN
Bạn đọc quý mến,
Chị Trần Thị Tâm, bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị trao hỗ trợ của báo Tuổi Trẻ đến bà con rốn lũ Hải Phong - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Bà con miền Trung vừa trải qua một đợt khó khăn do đại dịch Covid-19, nay đã phải hứng thêm lũ lụt.
Mưa lũ ập đến làm những ngôi nhà ngập sâu, những mảnh đời thêm khốn khó ở các tỉnh từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi. Tình hình sẽ khó khăn thêm khi dự báo những ngày tới mưa lũ còn kéo dài.
Từ hôm qua 11-10, đoàn công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ đã vượt lũ đến tận các điểm ngập sâu, khó khăn nhất ở các tâm lũ để chia sẻ những món quà cứu trợ ban đầu đến bà con.
Cứu trợ lúc này đã khẩn cấp, một khi lũ lụt qua đi phải sửa sang lại những mái nhà xơ xác, dựng lại những mái trường, bà con rất cần chúng ta.
Tuổi Trẻ rất mong mỏi có sự chung tay chia sẻ từ bạn đọc, từ các doanh nghiệp và hội đoàn cho hoạt động tình nghĩa này. Tuổi Trẻ sẽ là cầu nối chuyển đóng góp của bạn đọc đến với bà con vùng lũ một cách nhanh nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận