Bé Đặng Anh Tuấn say sưa ngắm hình mình lúc còn nhỏ Ảnh: K.ANH
Tuấn chào đời khi người cha qua đời vài tháng trước đó, nên mẹ cũng kiệt quệ cả sức lực lẫn tiền bạc. Cuộc sống của cả ba mẹ con chị Nguyễn Thị Phượng, mẹ bé Tuấn nhờ vào các anh chị cùng chung nhà cưu mang, san sẻ.
Nhưng cả đại gia đình gồm gia đình của 5 anh chị em đều ở chung trong căn nhà ọp ẹp hơn 30 m2 và căn gác gỗ mục nát.
Mới thôi nôi mà Tuấn đã phải vào ở nhờ trong một trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ mồ côi vì hoàn cảnh "Mẹ góa con côi". Mẹ cũng bấm bụng để gửi em vào đấy vì còn phải lo cho anh trai của Tuấn đi học, trong khi mẹ không có việc làm, phải ở nhà chăm sóc bà ngoại bệnh nặng. Túng quẫn đến cùng cực người mẹ ấy mới viết đơn xin gửi con vào trung tâm mồ côi.
Tuấn lớn lên cùng những đứa trẻ bị bỏ rơi nên phần nào cũng thiệt thòi hơn nhiều bè bạn khác cùng lớp hiện nay. Ở trung tâm hơn 3 năm, đến khi 5 tuổi mẹ mới đón Tuấn về để gửi học ở trường mầm non trong phường.
Tháng học đầu tiên thấy mẹ không đóng tiền trường, cô giáo hỏi thăm. Biết hoàn cảnh quá ngặt nghèo nên nhà trường miễn phí hoàn toàn cho Tuấn.
Nhút nhát, dè chừng với người lạ có lẽ phần nào cũng bị ảnh hưởng do những tháng ngày Tuấn ở trung tâm mồ côi nọ.
Khi về với mẹ và anh trai cùng những người họ hàng trong căn nhà dù chật chội, ọp ẹp nhưng em luôn nở nụ cười vì biết rằng mình đang được sưởi ấm trong vòng tay yêu thương của mẹ. Cho đến bây giờ mỗi lần đi ngang qua trung tâm ấy, Tuấn vẫn co rúm người ôm chầm lấy mẹ.
"Thật lòng lúc đó hết cách tôi mới gửi con vào trung tâm nhờ người ta nuôi giúp, chứ con mình nỡ lòng nào xa cho được. Nhưng mình giữ để nuôi thì không nổi thôi thì cảnh mẹ góa con côi phải chấp nhận…" - người mẹ ngân ngấn nước mắt chia sẻ.
Sau thời gian chăm sóc bà ngoại bệnh nặng nên đã qua đời, lo cho bà xong chị Phượng cũng mới xin đi làm cho một sơ sở may mặc tận huyện Bình Chánh. Sáng chị đã đi sớm, mịt tối mới về, thậm chí có hôm đến hơn 20 giờ chị mới về đến nhà. Tuấn được người hàng xóm gần đấy tiện đưa đón con đi học nên cũng hỗ trợ đưa đón Tuấn luôn.
Con chỉ mong được ở nhà với mẹ và đi học mãi mãi."
Bé Đặng Anh Tuấn
Trong nhà có đông người thân nhưng ai cũng phải lo mưu sinh vì hầu hết đều đi làm thuê làm mướn hoặc chạy xe ôm nên cũng không hỗ trợ được cho nhau nhiều. Dì Mai là chị gái của mẹ Tuấn cũng ở chung nhà, dì làm nghề lao công gần đấy nên về sớm hơn mẹ của Tuấn, cũng chỉ phụ được việc cho Tuấn ăn tối. Còn việc học thì Tuấn phải tự học hoặc đợi mẹ về giúp cho.
Nhà nghèo quá, anh trai của Tuấn là Đặng Anh Kiệt cũng đã nghỉ để đi làm thuê tự lo cho bản thân. "Anh nó mới 17 tuổi đi làm bữa có bữa không, còn tôi cũng mới xin được việc làm chỉ mong đủ tiền để lo cho thằng Tuấn đi học. Lo cho nó học đến nơi đến chốn để mai này nó không khổ như mẹ hay như anh nó nữa" - chị Phượng bộc bạch.
Trải qua tuổi thơ hết sức buồn nên Tuấn dè chừng với mọi điều xung quanh, xin chụp tấm hình khi Tuấn đang học bài hoặc chơi chiếc ô tô do người khác tặng mà cậu cũng xoay mặt vào tường, thút thít khóc. Nhưng khi đưa những tấm hình lúc còn đi học lớp lá ở trường mần non do cô giáo tặng ra xem thì em lại say sưa nhìn ngắm chính mình.
Có lẽ kí ức của em cho thấy từ những tháng ngày đó em mới cảm nhận mình có một mái ấm gia đình, dù không có cha nhưng có mẹ luôn bên cạnh che chở mình.
Sẽ không còn cảnh đơn côi trong một gia đình lớn ở trung tâm mồ côi ngày xưa ấy… gương mặt của Tuấn giãn ra khi ngắm chính bản thân mình. Nhờ thế chúng tôi mới chụp được tấm hình của bé trong phút giây hạnh phúc ngay trong ngôi nhà của ngoại để lại.
Căn nhà ọp ẹp khi xưa đã được UBND phường 15, Q.10 hỗ trợ kinh phí chống dột. 5 gia đình với gần 20 nhân khẩu trong căn nhà ấy đã phần nào bớt lo lắng mỗi khi trời mưa.
"Từ ngày nhà được sửa chữa, thằng Tuấn được đón về ở với mẹ của nó, tôi thấy lòng vui lắm. Là chị nhưng tui cũng không giúp được gì nhiều vì cũng chắt chiu cho hai đứa con ăn học. Anh chị em tui thì đỡ khổ hơn mẹ con nó một chút. Mong sao cho mẹ con nó bớt khổ." - dì Mai của Tuấn cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận