Phóng to |
Sự quan tâm của khán giả đã tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ tung tẩy với những thể nghiệm mới với đàn tranh.
Sau những giai điệu khá quen thuộc với những bài bản như Lưu thủy - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ, Song phi hồ điệp, Bình sa lạc nhạn; không khí chương trình bắt đầu chuyển biến khi nghệ sĩ Hải Phượng trình tấu tác phẩm Thoáng quê hương do chính chị sáng tác. Nét tươi mới, reo vui tràn ngập trong tiếng đàn tranh, lúc sâu lắng, lúc bừng sáng bởi cách phối hợp những giai điệu trẻ trung và những âm giai truyền thống.
Chương trình thêm hứng khởi với Cơn lốc - một nhạc phẩm của Nhật được viết cho đàn koto, những kỹ thuật đập, búng, rung, lướt... được Hải Phượng khai thác tối đa tạo thành dòng xoáy mạnh mẽ, mang lại một cách cảm nhận mới về đàn tranh.
Mừng thọ GS.TS Trần Văn Khê Trước đêm diễn, các thế hệ học trò và nhiều khán giả đã dành thời gian chúc mừng và tặng hoa mừng thọ sớm GS.TS Trần Văn Khê nhân dịp ông tròn 90 tuổi (ngày 24-7). GS đã xúc động nói: “Tôi không ngờ các bạn lại thương mến tôi đến vậy. Tình cảm của các bạn đã truyền nguồn sinh lực cho tôi rất nhiều, năm. Nay đã chín mươi, tôi xin vững lòng đi qua tuổi... mười mươi để còn hơi sức hoạt động phụng sự cho âm nhạc dân tộc, đặc biệt là ủng hộ cây đàn tranh!”. |
Khả năng diễn tả của đàn tranh dường như là vô biên như lời nghệ sĩ Võ Vân Ánh (hiện đang định cư tại Mỹ) bày tỏ: "Có thể là giọt nước rơi xuống sau đó bắn lên, hoặc một cơn mưa rào, những đợt sóng lăn tăn hay là một cơn lốc".
Choáng ngợp trước những "tiếng nói" đa dạng của đàn tranh, Vân Ánh muốn khán giả cũng có cùng cảm xúc đó nên đã tạo sự khác biệt cho đàn tranh bằng nhiều cách có thể. Khán giả tìm thấy ở đó âm hưởng châu Phi (Bụi đường vó ngựa), âm nhạc dân gian đương đại (She’s not she, sáng tác Ðỗ Bảo - Vân Ánh) hay cả jazz, new age (Gió phương Nam, Vũ điệu của nắng, Vịnh hoa đào, Phong cảnh quê em).
Khi các nghệ sĩ mạnh dạn đưa ra những thể nghiệm trên nền nhạc cổ truyền, đâu đó trong khán phòng vẫn có tiếng thốt lên "kỳ quá!" hay "khó nghe!" từ những "tai nghe" vốn quen với cách trình tấu truyền thống. Một số bạn trẻ tỏ ra cởi mở hơn thì gật gù "lạ thật!", "nghe mới mẻ, trẻ trung".
Bạn Thương Huyền - sinh viên năm 1 khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM - hào hứng chia sẻ: "Chương trình rất thú vị và bổ ích, chúng tôi học hỏi được rất nhiều, từ phong cách diễn tấu bài bản truyền thống đến đương đại. Giới trẻ chắc chắn sẽ thích nghi nhanh với phong cách vừa truyền thống vừa hiện đại này. Tôi đã tiếp xúc với cây đàn tranh 8-9 năm nay nhưng với chương trình này tôi hết sức bất ngờ vì còn quá nhiều khả năng từ cây đàn tranh mà mình chưa khám phá, chẳng hạn như việc nhấn nhá thang âm, thang giáng, nhịp lẻ... trong quan niệm của nhiều người là khó khăn với nhạc cụ dân tộc nhưng trong chương trình này, với sự kết hợp âm nhạc hiện đại thế giới vào cây đàn tranh thì các nghệ sĩ đã chứng tỏ không gì là không thể...".
Khởi đầu tương đối thuận lợi này có thể xem như sự gợi ý để những người tâm huyết với đàn tranh khai phá thêm những lối đi mới, đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với người trẻ như lời GS.TS Trần Văn Khê phát biểu cuối đêm diễn: "Chúng ta đang đi lần tới sự hoàn hảo".
LINH ĐOAN
Khán giả vượt xa kỳ vọng Trong chương trình, rất nhiều tác phẩm được các nghệ sĩ trình tấu trên nền đĩa đệm. Tuy nhiên, do âm thanh không được tốt lắm nên có lúc nhạc nền quá to lấn lướt tiếng đàn tranh hoặc chưa hòa quyện một cách ăn ý. Không ít khán giả tặc lưỡi nếu được trình tấu với dàn nhạc sống thì hiệu quả có lẽ tăng lên gấp bội.Dù vậy, theo nghệ sĩ Hải Phượng, chương trình đã “vượt xa sự kỳ vọng, đặc biệt là về phía khán giả, tuyệt không có tiếng ồn ào nào”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận