Thực phẩm từ chiến dịch "thực phẩm 0 đồng" đã được trao đến tận những nơi thật sự cần - Ảnh: Q.NG.
Gác lại những buổi họp mặt, liên hoan, tuổi mới của YBA in dấu bằng chuỗi hoạt động góp sức cùng phòng chống dịch COVID-19, chuyển đi thông điệp "Dấn thân - lan tỏa" mà thế hệ doanh nhân trẻ TP.HCM hôm nay đang "kết nối" và tiếp nối hành trình của bao thế hệ doanh nhân đi trước đã vun đắp.
Không đứng ngoài cuộc
115 máy trợ thở được các doanh nhân trẻ chung tay góp tặng 17 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 hoàn thành ít ngày trước sinh nhật tuổi 27 của YBA. Chi hội Sài Gòn lên tiếng, 3 ngày sau, 60 máy trợ thở đầu tiên "Nhịp thở Sài Gòn" đã được chuyển đến các bệnh viện. Và cũng chỉ thêm 3 ngày nữa, 55 máy trợ thở đợt 2 được trao cho những bệnh viện khác.
Anh Lâm Minh Sang - chủ nhiệm chi hội Sài Gòn - không giấu niềm vui: "Mọi việc đều diễn ra khẩn trương, các anh em hưởng ứng lời kêu gọi nhiệt tình. Là người trực tiếp đi tặng tại một vài bệnh viện, tôi càng hiểu nỗi gian nan của y bác sĩ tuyến đầu và nhu cầu cấp bách về máy trợ thở với các bệnh nhân thế nào. Chúng tôi vẫn đang bàn tiếp xem còn có cách nào để giúp được nữa không trong khả năng của mỗi doanh nghiệp".
Đây chỉ là một trong nhiều chương trình, hoạt động mà hội viên YBA cùng góp sức trong suốt nhiều tháng dịch bệnh hoành hành tại TP.HCM. Hơn 450 triệu đồng cùng hàng hóa gần 300 triệu đồng đã được góp vào "Siêu thị mini 0 đồng", 25 tấn gạo cho "ATM gạo" tặng người nghèo, trên 1.000 phần quà và tiền tặng các em nhỏ khó khăn của thành phố.
Một xe cứu thương 700 triệu đồng được tặng cho Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8). Mới nhất, đợt vận động 1.000 máy tính tặng trẻ em khó khăn của TP.HCM vẫn đang tiếp tục. Trước đó, YBA đã tặng trang thiết bị, vật phẩm y tế đến các bệnh viện trong chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" cùng báo Tuổi Trẻ.
Một chương trình khác cũng ấn tượng không kém là chiến dịch 10 tấn "thực phẩm 0 đồng" dành cho người nghèo, đối tượng yếu thế. Chị Hoàng Như Yến, người trực tiếp tham gia và điều hành chiến dịch, cho biết ý tưởng 10 tấn đã... phá sản ngay trong đợt đầu ra quân vì 20 tấn thực phẩm đã hết vèo.
Vậy là cứ làm thôi. Người góp của, người góp công. Tính từ tháng 7 đến nay, gạo, mì gói, đồ hộp, rau củ quả, sữa... tính bằng trăm tấn đã len lỏi khắp thành phố, đến cả với bà con khó khăn ở một vài khu vực của Bình Dương và Đồng Nai.
Sẵn sàng đón cơ hội mới
Nhưng không phủ nhận các doanh nghiệp hội viên YBA cũng gánh chịu ảnh hưởng không nhỏ của đợt dịch này. Dẫu vậy, giữ tinh thần lạc quan, sẵn sàng chia sẻ là điểm chung của lớp doanh nhân trẻ thành phố hiện tại. Chủ tịch YBA Phạm Phú Trường nói chính anh cũng nghẹn ngào khi chỉ cần một cuộc điện thoại mở lời là lập tức có gần 70 tình nguyện viên cùng đội xe hơn 40 chiếc hình thành đội hỗ trợ vận chuyển bình oxy tiếp sức cho bệnh nhân F0.
Cũng vậy, chỉ vài ngày đã có gần 500 tình nguyện viên xung phong vào đội hình nhập liệu hỗ trợ đội ngũ y tế. "Đành rằng cần màu cờ sắc áo, song với những gì đã và đang diễn ra, tôi tin mỗi doanh nhân trẻ đều mang tinh thần sẵn sàng ra trận. Bản thân YBA cũng vậy, chỉ cần chương trình có ý nghĩa và đem lại lợi ích cho đồng bào thì dù không phải do hội sáng lập, chúng tôi cũng tham gia bằng tất cả khả năng của mình" - anh Trường chia sẻ.
Tinh thần sẻ chia ấy đã "nuôi" dự án "thực phẩm 0 đồng" với dự tính ban đầu chỉ làm 10 tấn nhưng đến nay qua hơn chục đợt với gần 400 tấn là vậy. "Càng đi sâu vào những vùng dịch nặng mới thấy bà con cần nhiều quá mà dù vất vả, mệt lắm vì ngày nào cũng phải đi nhưng tụi mình không thể dừng lại, sẽ làm đến khi tình hình dịch ổn, chợ, siêu thị mở trở lại và bà con mua bán thuận tiện hơn, chắc lúc đó dự án mới khép lại’ - chị Như Yến bộc bạch.
Và có một tổ tư vấn hỗ trợ đặc biệt của YBA đã thực hiện nhiệm vụ đúng như tên gọi khi tư vấn online giữa các doanh nghiệp hội viên, động viên nhau, cùng nhau tìm cách đón "bão" và dìu nhau vượt qua sóng gió của đợt dịch này.
Anh Phạm Phú Trường cho biết ngoài tư vấn, hội còn làm cầu nối tiếp nhận ý kiến của hội viên để kịp thời chuyển đến những nơi liên quan. "Đợt dịch lớn đến đâu rồi sẽ qua, cũng là cơ hội rèn bản lĩnh cho từng doanh nhân mà nếu biết cách lèo lái thì con thuyền doanh nghiệp chắc chắn sẽ đón lấy cơ hội tốt sau dịch bởi trong nguy luôn có cơ. Và tôi tin các hội viên đã sẵn sàng đón bắt cơ hội khi thành phố mở cửa lại nền kinh tế" - anh Phú Trường phân tích.
Hội ngộ doanh nhân trực tuyến
Vì không thể tập trung, Việt Nam CEO Forum 2021 đã chuyển qua một hình thức đặc biệt dưới dạng diễn đàn trực tuyến. "Cơn bão" cấp mấy?" là định danh cho phiên bản 1 của chương trình này năm nay với những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở của các diễn giả về việc đánh giá và nhận diện cơ hội của doanh nghiệp giữa "cơn bão" đại dịch.
Đành rằng nền kinh tế và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của "bão COVID", chắc chắn sẽ có nhiều cây nhỏ đổ rạp trong bão nhưng "cây nào trụ lại được sẽ là những cá thể tinh nhuệ và cực kỳ mạnh mẽ" để đứng vững và vươn lên, tìm thấy cơ hội mới sau dịch khi nền kinh tế mở cửa lại. Từ đó, dự kiến còn phiên bản 2 - "Đâu là trận cuối?" - và kết lại với phiên bản 3 - "Mặt trời ló dạng ở đâu?" - của Việt Nam CEO Forum 2021 đồng hành với cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận