12/01/2019 08:30 GMT+7

Tước vĩnh viễn bằng lái xe được không?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tước vĩnh viễn bằng của tài xế lái xe kinh doanh vận tải gây tai nạn nghiêm trọng là đề xuất do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra tại hội nghị triển khai công tác của ngành năm 2019 diễn ra ngày 11-1.

Tước vĩnh viễn bằng lái xe được không? - Ảnh 1.

Làm thủ tục đổi giấy phép lái xe tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Thể, năm 2018 số vụ và người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm theo mục tiêu đề ra (giảm 5-10%) nhưng số người chết chỉ giảm 0,4% so với năm 2017. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhưng trong đó có ý thức chấp hành pháp luật của một số tài xế chưa tốt, như không chấp hành Luật giao thông, uống rượu bia, sử dụng ma túy... gây ra một số tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội.

"Để ngăn ngừa những vụ tai nạn nghiêm trọng cần có quy định ràng buộc trách nhiệm chủ doanh nghiệp như lái xe vi phạm thì doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm tương ứng. Đề nghị thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, hội nghị cho ý kiến về việc này" - ông Thể gợi ý tại hội nghị.

Sửa luật để thực hiện

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng trong luật xử phạt hành chính có quy định tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề tối đa 2 năm. 

Còn nghị định 46 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định hình phạt bổ sung là tước bằng lái có thời hạn tối đa 6 tháng. 

Vì vậy, nếu muốn tước bằng lái xe vĩnh viễn cần phải sửa Luật xử phạt vi phạm hành chính và Luật giao thông đường bộ.

Theo ông Quyền, tiêu chí phân loại tai nạn giao thông có mức: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. 

Nhưng không nên quy định phải đặc biệt nghiêm trọng mới thu bằng vĩnh viễn mà phải căn cứ vào nguyên nhân gây tai nạn. 

Nếu nguyên nhân chủ quan của tài xế hoặc xe kinh doanh vận tải hoặc sử dụng ma túy, rượu bia gây tai nạn giao thông thì mới thu bằng vĩnh viễn. 

Còn tai nạn do nguyên nhân khách quan hay hỗn hợp thì không thu bằng được. 

"Mặt tích cực là khi có quy định này buộc tài xế phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo hành nghề an toàn phục vụ cuộc sống của mình và mọi người" - ông Quyền nói.

Đại tá Trần Sơn - nguyên phó Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) - nhận định dư luận cho rằng với những lái xe thường xuyên vi phạm, gây những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn chỉ tước bằng lái tối đa 6 tháng theo quy định của nghị định 46 là chưa đủ sức răn đe và giáo dục.

"Tôi đồng tình rằng với những lái xe vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bao nhiêu lần hoặc gây tai nạn giao thông rất nghiêm trọng trở lên cộng với trước đó có hành vi vi phạm khác về giao thông thì tước bằng lái xe vĩnh viễn. 

Vì những người thường xuyên vi phạm chứng tỏ họ kỹ năng quá yếu hoặc coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe của người khác và chính mình" - ông Sơn bày tỏ.

Muốn thực thi quy định tước bằng lái vĩnh viễn, theo ông Sơn, Chính phủ cần trình Quốc hội sửa Luật giao thông đường bộ và Luật xử phạt vi phạm hành chính sớm. 

"Hiện nay đang có dự án sửa Luật giao thông đường bộ 2008 thì nên đưa quy định tước bằng lái xe vĩnh viễn. Nếu làm nhanh đến năm 2020 ban hành càng tốt" - ông Sơn gợi ý thêm.

Tước vĩnh viễn bằng lái xe được không? - Ảnh 2.

Dữ liệu: T.Phùng - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông

Trước những ý kiến cho rằng nếu quản lý không tốt, tài xế bị tước bằng lái vĩnh viễn có thể dùng bằng giả để tiếp tục hành nghề, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cấp, quản lý bằng lái xe với CSGT để ngăn chặn.

"Các nước tiên tiến có cơ sở dữ liệu quốc gia cập nhật các lỗi vi phạm, người từng bị tòa án kết tội để các cơ quan liên quan tra cứu. 

Cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý một cách có hệ thống lực lượng lái xe để đảm bảo an toàn giao thông, phát hiện, ngăn chặn không cho những người bị tước bằng vĩnh viễn đi học lái xe. 

Việc kiểm tra bằng lái thật hay giả không khó khăn, doanh nghiệp tuyển dụng lái xe và lực lượng chức năng có muốn kiểm tra hay không thôi" - ông Quyền cho biết.

Theo đại tá Trần Sơn, cần có cơ sở dữ liệu có sự liên thông giữa các bộ, ngành và sự chia sẻ kết nối dữ liệu công khai về bằng lái, các lỗi tài xế từng vi phạm cho mọi người truy cập và giám sát, doanh nghiệp tra cứu khi tuyển dụng tài xế. 

"Những cái này không thuộc bí mật nhà nước. Vì vậy, việc này nên đưa vào luật quy định công việc và trách nhiệm các bên giao thông, công an, tư pháp" - đại tá Trần Sơn nói.

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cùng với lái xe

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thạch - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT - cho biết ngoài việc tước bằng lái xe, nên quy định lái xe kinh doanh vận tải phải có giấy phép hành nghề như Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu.

"Đối với lái xe kinh doanh vận tải một số nước như Philippines yêu cầu phải có lý lịch tư pháp rõ ràng, nếu từng phạm tội hay gây tai nạn giao thông nghiêm trọng thì không được hành nghề; 

Giấy khám sức khỏe phải chứng minh trong 3 tháng gần nhất âm tính với ma túy; phải có bằng lái xe phù hợp. 

Khi có đủ 3 yếu tố đó phải học qua lớp huấn luyện mới được cấp chứng chỉ lái xe kinh doanh vận tải. 

Trong quá trình hành nghề nếu vi phạm một số lỗi nghiêm cấm thì bị thu hồi chứng chỉ đó. Lúc đó chỉ được lái xe bình thường. Điều này khi sửa Luật giao thông đường bộ sẽ đưa vào xem xét" - ông Thạch cho biết.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, ông Thạch cho rằng các công ước quốc tế về vận tải hàng hóa quy định doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm do người làm công hoặc đại diện của mình gây ra. 

Lái xe là người làm công cho doanh nghiệp vận tải thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cùng với lái xe.

Sửa ngay các quy định giúp tăng cường an toàn giao thông

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, chiều 11-1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT về công tác an toàn giao thông.

Theo đó, Bộ GTVT tập trung vào 3 nhóm giải pháp lâu dài và có thể làm ngay để ngăn ngừa, giảm thiểu những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng:

1. Tổ chức các tổ công tác gồm cán bộ đăng kiểm, sở GTVT kiểm tra tại các bến xe về người lái (bằng thật, phù hợp với loại xe đang lái), kiểm tra nồng độ cồn, sức khỏe lái xe trước khi xe xuất bến; kiểm tra độ an toàn của xe như hệ thống thắng, lái.

Việc này thực hiện cùng với chiến dịch của Bộ Công an kiểm tra toàn bộ xe khách, xe tải nặng bao gồm xe chở container trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

2. Những thông tư của các bộ liên quan cần phải sửa để tăng cường các giải pháp an toàn giao thông, kiến nghị sửa ngay.

3. Những quy định cần phải thay đổi luật, nghị định để thực thi cần sớm trình Chính phủ, Quốc hội để sửa.

Thật bức xúc nhưng vẫn băn khoăn...

Dù bức xúc trước những tai nạn giao thông nghiêm trọng nhưng vẫn có ý kiến cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần nhiều giải pháp phối hợp

ls vu quang duc

Có nhiều giải pháp để ngăn chặn một cách căn cơ tình trạng lái xe không đảm bảo an toàn, gây tai nạn nghiêm trọng mà không cần phải sửa Luật hình sự hay tước vĩnh viễn giấy phép lái xe.

Theo đó, chủ yếu cần tăng cường các biện pháp chế tài hành chính và kiểm soát nghiêm như:

1- Tăng thời gian tước giấy phép lái xe tạm thời so với hiện nay đối với trường hợp qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra đột xuất mà phát hiện tài xế vi phạm nồng độ cồn hoặc có ma túy trong máu, lái xe không có giấy phép...

Tùy mức độ vi phạm mà tước giấy phép tạm thời với thời gian từ 2-3 năm.

Sau đó, tùy vào trường hợp tái phạm mà cơ quan chức năng tước luôn giấy phép.

2- Về phía người có thẩm quyền điều động xe cần tăng mức phạt tiền, thời gian cấm hành nghề... do lỗi liên đới với vi phạm của tài xế. Quy định chế tài hành chính nghiêm khắc, chủ xe sẽ chú ý tuyển dụng, sử dụng tài xế đạt chuẩn.

3- Nên công bố thông tin công khai lên mạng của các hãng xe, các HTX vận tải, công ty kinh doanh vận tải gồm: số đầu xe, số vụ gây tai nạn trong năm, mức độ hậu quả của tai nạn, tỉ lệ gây tai nạn là bao nhiêu phần trăm trên số chuyến, số đầu xe...

Việc công bố thông tin giúp người dân muốn chọn hãng xe, đơn vị vận tải để thuê, để vận chuyển có thể chọn đơn vị có tỉ lệ tai nạn ít hơn, uy tín hơn.

Cuối cùng là công tác hậu kiểm nhằm kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh vi phạm mới hoặc tiếp tục lái xe trong thời gian bị tước bằng.

Ông Nguyễn Khắc Định (chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội):

Phải hết sức thận trọng

Tai nạn giao thông rất đau xót, ai cũng muốn có những biện pháp mạnh để xử lý, khắc phục.

Nhưng pháp luật phải chặt chẽ, phù hợp với Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân nên để ban hành một quy định, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu rất kỹ, có thẩm tra, thẩm định.

Hiện đã có những quy định về tước bằng lái xe rồi, còn muốn có biện pháp mạnh hơn cần phải nghiên cứu.

Tài xế Nguyễn Văn Cẩn (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi):

Xét kỹ nguyên nhân gây tai nạn

tai xe

Là tài xế thường chở hành khách hợp đồng đi xa, đưa rước học sinh, tôi hoàn toàn đồng tình việc cần xử phạt nặng những tài xế vì lỗi chủ quan để gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt những vụ tai nạn nghiêm trọng.

Nhưng tùy theo tính chất mức độ, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông làm căn cứ để xem xét xử lý, chứ không phải tai nạn giao thông nghiêm trọng nào cũng thu hồi vĩnh viễn bằng lái của tài xế.

Có những nguyên nhân lỗi khách quan như trường hợp xe đang leo đèo, xuống dốc hoặc trục trặc kỹ thuật dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Đây đâu phải lỗi chủ quan của tài xế. Trong trường hợp này, ngoài chịu những hình phạt theo quy định hiện hành, tài xế cũng chịu tổn thất về mặt kinh tế, tinh thần...

Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp tài xế là lao động chính, công việc của họ nuôi cả gia đình, khi gặp tai nạn còn bị tước bằng lái vĩnh viễn coi như "chặn đường sống" của họ.

Do đó, cần xem xét lại tùy theo tính chất mức độ mỗi vụ tai nạn mà có hình thức xử lý hợp tình hợp lý.

PGS.TS Chu Công Minh (Đại học Bách khoa):

Siết chặt sát hạch, cấp phép, hậu kiểm

chu cong minh

Tôi đồng ý quan điểm cần xử lý mạnh hơn những tài xế vì lỗi chủ quan của mình gây tai nạn cho người khác.

Dù vậy, việc xem xét tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế cũng chỉ là giải pháp phần ngọn, phần gốc của vấn đề là cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hiện nay cũng như khâu kiểm định phương tiện và công tác hậu kiểm.

Ở một số quốc gia, tài xế sau khi thi lấy bằng lái khoảng một thời gian sau 2 năm sẽ được kiểm tra lại một lần về khả năng thực lái của mình.

Ở Việt Nam thường không làm được việc này, nhiều tài xế sau khi lấy bằng lái xong có khi cất vào tủ rồi vài năm sau mới cầm lại vôlăng.

Tài xế lái xe đường dài chịu nhiều áp lực, đối diện mệt mỏi... nên đôi khi họ tìm cảm giác hưng phấn thông qua ma túy, thực tế có số lượng không nhỏ những tài xế dạng này vẫn đang rong ruổi khắp các cung đường.

Nhưng công tác hậu kiểm, xử lý vấn đề này hiện nay không thực hiện tốt dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng.

Tước bằng lái ở Nhật và Mỹ ra sao?

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Phạm Minh Tuấn, 23 tuổi, nhân viên văn phòng người Việt tại Nhật Bản, cho biết Nhật Bản sử dụng hệ thống điểm phạt giao thông, hay còn được gọi là hệ thống điểm trừ bằng lái.

Theo đó, mỗi lỗi vi phạm sẽ bị trừ điểm. Nếu số điểm trừ vượt mức quy định trong khoảng thời gian quy định, người lái bị giam bằng.

Thời gian tước bằng lái dao động từ 1 tháng đến 5 năm. Sau thời hạn này, người vi phạm có thể tham gia khóa học dành cho người đã bị tước bằng để thi lấy lại bằng lái.

Một số lỗi nghiêm trọng có thể khiến người lái bị tước bằng ngay lập tức ngay cả khi trước đây chưa từng có lỗi vi phạm gồm lái xe sau khi uống rượu bia. Người đã uống rượu bia có thể bị tước bằng đến 2 năm.

Tương tự như Nhật, Mỹ cũng sử dụng hệ thống điểm phạt giao thông.

Đối với những lỗi vi phạm nhỏ như không cài dây an toàn, quên mở đèn vào buổi tối, hay vượt ở nơi cấm vượt, cảnh sát sẽ là người gửi vé phạt (hành chính) cho đương sự.

Nếu đương sự vi phạm những lỗi giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng thì phải ra tòa và có thể bị tước bằng lái ngay lập tức.

Người vi phạm có quyền thuê luật sư, nghĩa vụ trình diện trước tòa và quyền được bảo lãnh. Mức phạt sẽ do tòa quyết định.

"Việc bị tước bằng lái ở Mỹ chỉ dành cho những tội nghiêm trọng và không phải sự việc thường thấy.

Do hệ thống giao thông công cộng của chúng tôi không tốt nên việc này thường ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Mỗi trường hợp bị tước bằng lái đều được tòa án xét xử trước khi đưa ra quyết định, thay vì chỉ dựa vào số điểm trừ của mỗi bằng lái.

Trong nhiều trường hợp tòa án đánh giá việc vi phạm chưa đủ nghiêm trọng để bị tước bằng" - Andrew Hills, 28 tuổi, sinh sống ở thành phố San Diego, bang California, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

"Mỗi bang có một quy định khác nhau về việc bị tước bằng lái. Mặc dù California có thể tước bằng của tôi, tôi vẫn có thể chuyển đến sống ở Nevada chẳng hạn và thi bằng lái tại đó"- Andrew nói thêm.

HÀ MY

TP.HCM: Phát hiện 369 giấy phép lái xe giả trong năm 2018 TP.HCM: Phát hiện 369 giấy phép lái xe giả trong năm 2018

TTO - Theo Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở Giao thông vận tải TP HCM), có đến 369 giấy phép lái xe giả được phát hiện trong năm 2018.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên