
Công an Quảng Nam làm việc với người đăng tải tin bài sai sự thật về bắt cóc trẻ em - Ảnh: TRANG PHƯƠNG
Một cháu bé lớp 4 ở Trường tiểu học và trung học cơ sở Gio Việt (Quảng Trị) đi học về kể chuyện bị dụ dỗ bắt cóc với mẹ cho vui. Ai ngờ người mẹ gọi điện kể cho cha cháu ở Hàn Quốc nghe và câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội.
Tối 11-2, Công an Đà Nẵng cho biết thông tin bắt cóc trẻ em tại Đà Nẵng lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận trong vài giờ gần đây là hoàn toàn sai sự thật.
Chiều cùng ngày, trên một tài khoản Facebook có đăng tải thông tin: "Có chiếc ô tô trắng ở Hòa Quý bắt cóc con của anh Thanh Tuấn Trần mà chạy nhanh chạy thoát được. Mọi người cẩn thận có con nhỏ không cho đi xe đạp bắt cóc nhé, cả nhà cẩn thận nhé".
Cũng trong tối 11-2, thông tin từ Công an xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho hay thông tin bắt cóc trẻ em trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Ngọc Bình đang lan truyền trên mạng xã hội Facebook là không đúng sự thật. Cơ quan chức năng đã mời người đăng tải thông tin trên lên làm việc, sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tin thất thiệt tung vội lên mạng thời gian qua đâu chỉ gây hoang mang, hốt hoảng mà trò đùa tai quái còn đẩy bao người vào rắc rối, phiền muộn, bi quan, tuyệt vọng.
Hẳn mọi người chưa quên thông tin "giải cứu các nữ sinh tại Trường THPT Tân Túc, Bình Chánh" khỏi camera quay lén khiến dư luận dậy sóng lo âu, hốt hoảng hồi tháng 10-2024. Đi kèm lời kêu gọi giải cứu các nữ sinh là tin giật gân: Hơn 1.300 video và 15.000 hình ảnh của các bạn học sinh nữ cùng giáo viên bị rao bán, đính kèm thông tin liên quan về nam sinh lắp đặt camera quay lén.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc khẳng định không có chuyện một nam sinh đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh nữ và tiếp tục xử lý người đăng tin giả. Dù vụ việc đã được xác minh làm rõ nhưng dư âm tin thất thiệt này gây hoang mang, lo âu không ít.
Chuyện tương tự như này vốn không lạ. Nhiều tin giả sau đó được đính chính nhưng không mấy ai quan tâm như khi tin giả lan truyền. Có những người tung tin giả bị xử phạt, rồi đâu lại vào đấy.
Chỉ có những người là nạn nhân của tin giả thất thần, bấn loạn trong vòng xoáy dư luận khi thông tin hình ảnh liên quan đến họ bị ghép với tin giả! Người vô can được minh oan nhưng hình ảnh cá nhân bị bôi nhọ, gia đình bị xào xáo một cách khủng khiếp!
Trò vui cợt nhã của một vài cá nhân núp sau bàn phím có biết đâu rằng ít nhiều sẽ tạo ra một làn sóng bất an. Dù cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, nghiêm khắc xử phạt và quyết liệt răn đe nhưng những trò đùa tai quái vẫn len lỏi trên mạng.
Cần tăng mức phạt lên gấp đôi, gấp ba so với hiện tại để ngăn chặn hành vi tạo tin giả nhằm câu like! Những trường hợp tung tin thất thiệt xúc phạm danh dự, tổn hại uy tín của cá nhân và tổ chức cần được xử lý mạnh tay đến nơi đến chốn, kể cả xử lý hình sự! Xin lỗi hay gỡ tin vẫn chưa đủ sức răn đe.
Người dùng mạng cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin. Không phát tán thông tin chưa kiểm chứng chính là cách đơn giản bảo vệ chính mình, góp phần đẩy lùi tin xấu độc.
Chúng ta lại chứng kiến tin giả phát tán, lan truyền nhiều hơn, điều này chứng tỏ rằng mức xử phạt hành chính chưa đủ mạnh, chưa tạo sức răn đe đối với vô số kẻ "rảnh rỗi sinh nông nổi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận