02/10/2018 10:49 GMT+7

Từng bước rèn kỹ năng

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Tại Đà Nẵng, hiện có nhiều phụ huynh cho con em tham gia những lớp đào tạo kỹ năng sống thay vì vùi đầu vào sách vở hay các lớp học thêm.

Từng bước rèn kỹ năng - Ảnh 1.

Một hoạt động trong buổi học kỹ năng sống tại Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Cùng với đó, cách thức đào tạo kỹ năng sống cho trẻ cũng có nhiều thay đổi, được đầu tư bài bản, chuyên sâu hơn.

Hướng giáo dục kỹ năng mới

Dù đã bước vào năm học nhưng mỗi sáng cuối tuần, công viên 29-3 (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vẫn đông vui nhộn nhịp với các nhóm trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia học kỹ năng sống. 

Có rất nhiều hoạt động diễn ra trong một buổi học kỹ năng của các em và hầu hết được dẫn dắt từ các trò chơi tạo sự hứng khởi cho trẻ.

Dưới tán cây xanh rợp, một nhóm trẻ nhỏ hào hứng với trò chơi nhận thức dán những miếng giấy màu vào vị trí trên cơ thể của mình mà theo trẻ là bố, mẹ, bạn bè, bác sĩ, giáo viên thể dục được phép chạm vào. 

Và khi kết thúc trò chơi, các em được chuyên gia dẫn dắt vào những bài học về kỹ năng bảo vệ cơ thể, phòng chống xâm hại; bài học về sự đoàn kết, hợp tác... một cách tự nhiên và đầy hào hứng. 

Nhóm khác cười nắc nẻ với cuộc thi cùng đồng đội di chuyển bóng về đích bằng những tấm thảm nhỏ... 

Các lớp học kỹ năng thường cho trẻ tự mình phân tích và giải quyết tình huống. Cuối buổi học, trẻ thường được giao những bài tập thực hành và chính phụ huynh là người hỗ trợ, chấm điểm cho bài tập đó.

Chị Kim Anh cho con theo học lớp đào tạo kỹ năng sống Con rồng cháu tiên (Đà Nẵng) chia sẻ: "Con tôi 8 tuổi, trước đây hầu như không biết làm việc gì trong nhà, ngoài giờ học đa phần cháu dùng điện thoại. Nhưng chỉ sau hai tháng tham gia lớp học kỹ năng, cháu đã tự tin, mạnh dạn, có lối sống tích cực và biết tự lên kế hoạch cho những hoạt động cá nhân, học tập của mình".

Khác với trước đây, những buổi học kỹ năng sống chỉ được tổ chức trong dịp hè thông qua các hình thức như Kỳ nghỉ hồng, Học kỳ trong quân đội..., thì nay việc đào tạo kỹ năng sống cho trẻ diễn ra liên tục trong năm với nhiều hoạt động đa dạng. 

Ngoài những buổi học kỹ năng ngoài trời mỗi tuần, trẻ thực hành các bài tập kỹ năng về nhà liên tục trong tuần để duy trì kỹ năng vừa được lĩnh hội qua nhiều thử thách rèn kỹ năng vượt qua sợ hãi, thoát hiểm, sinh tồn... Mỗi kỹ năng đều được các chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy.

Em Đỗ Bình An (8 tuổi) chia sẻ: "Tham gia lớp kỹ năng, con học từ việc dọn góc học tập, tự gấp chăn rồi đến cách từ chối, phản biện ai đó, cả việc phải chia sẻ, nói lên quan điểm của mình với ba mẹ như thế nào". 

Không ít lớp đào tạo kỹ năng đón nhận cả những trẻ mắc chứng tự kỷ, trẻ chậm phát triển... và nhiều trung tâm nhận đào tạo "đặt hàng" với những yêu cầu riêng của phụ huynh như "giúp trẻ chịu mặc đồ lót" hay "dạy trẻ cách nhường nhịn, yêu thương em út"...

Hình thành thói quen

Theo đánh giá của nhiều phụ huynh, hiệu quả của việc giảng dạy kỹ năng sống mang lại sự thay đổi rất tích cực cho trẻ nhỏ. Có những em khi mới đến lớp rất rụt rè, hễ xa mẹ là khóc nhưng sau thời gian đào tạo đã cứng cỏi hơn rất nhiều. 

Nhiều em bộc lộ những khả năng mà ngay cả cha mẹ cũng không hề biết. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại bởi sau khi trẻ ngừng tham gia các lớp học kỹ năng thì mọi thứ trở về vạch xuất phát.

Ông Nguyễn Nguyên Long, giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Con rồng cháu tiên - mô hình đào tạo kỹ năng dài hạn (đến 18 tuổi) đầu tiên ở VN, cho biết dựa trên quan điểm của UNESCO, kỹ năng sống không phải là một khóa ngắn hạn. 

Các khóa ngắn hạn có thể gây hiệu ứng thay đổi nhất thời, nhưng sau một thời gian không được duy trì thì sẽ mất đi. 

Ông Long cho hay: "Độ tuổi từ khi biết đọc, viết cho đến 18 tuổi là thích hợp để tiếp thu và hình thành kỹ năng sống. Cần duy trì, lặp lại liên tục mới tạo được thói quen cho trẻ sau này".

Nhận thấy nhiều lợi ích trong đào tạo kỹ năng sống cho trẻ, nhiều trường học ở Đà Nẵng đã đưa tiết học kỹ năng vào giảng dạy. Không ít lớp học kỹ năng miễn phí cho trẻ cũng được thành lập. 

Cùng với đó, các trường học kết hợp tổ chức nhiều trò chơi dân gian để rèn luyện cho các em kỹ năng sống như tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác một cách tự nhiên.

Cha mẹ có vai trò quan trọng

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết kỹ năng sống góp phần thay đổi tích cực nhận thức và hành vi, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của thế hệ trẻ.

Có sức khỏe tốt, trẻ sẽ học tập tốt hơn, sống tốt hơn và thành công hơn trong tương lai.

Theo bác sĩ Trung, đào tạo kỹ năng sống cho trẻ không phụ thuộc vào khóa đào tạo kéo dài bao lâu mà cái chính là ở phương pháp đào tạo có tính thực tế và duy trì những kỹ năng đó tạo thành thói quen trong cuộc sống.

Việc duy trì những kỹ năng sống của trẻ là điều phụ huynh nên lưu ý. Sau khi học mà trẻ không thay đổi môi trường sống, phụ huynh không tác động thì những kỹ năng đã học được của con cũng mất dần.

Vì vậy cha mẹ quyết định một phần vô cùng quan trọng trong việc phát triển kỹ năng sống cho trẻ.

Mùa hè giúp trẻ trải nghiệm kỹ năng Mùa hè giúp trẻ trải nghiệm kỹ năng

TTO - Không chỉ vui chơi, các hoạt động hè năm nay tại TP.HCM dành nhiều thời gian bổ trợ kỹ năng cho trẻ, đặc biệt là kỹ năng có thể ứng dụng ngay trong sinh hoạt mỗi ngày.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên