Từ vụ thu hồi mỹ phẩm: Ai chịu trách nhiệm với người tiêu dùng?

Vụ mỹ phẩm không đạt chất lượng liên quan đến công ty của chồng ca sĩ Đoàn Di Băng đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

mỹ phẩm - Ảnh 1.

Mỹ phẩm - Ảnh minh họa

Từ vụ việc này, khi mua phải mỹ phẩm kém chất lượng thì ai sẽ chịu trách nhiệm với người tiêu dùng?

Quy trình sản xuất mỹ phẩm ra sao?

Theo đó, Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group, do ông Nguyễn Quốc Vũ (chồng Đoàn Di Băng) là người đại diện theo pháp luật, đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nhà máy y tế EBC Đồng Nai (Khu công nghiệp Giang Điền) để sản xuất mỹ phẩm. Sở Y tế Đồng Nai tiếp nhận hai phiếu công bố cho sản phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body của Công ty EBC Đồng Nai Group.

Trong 6 chỉ tiêu cần phải kiểm nghiệm cho một sản phẩm, phòng kiểm nghiệm Công ty EBC Đồng Nai chỉ làm được 1 chỉ tiêu độ đồng đều. Còn lại 5 chỉ tiêu, Công ty EBC Đồng Nai hợp đồng kiểm nghiệm với Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị. 

Sau đó, trung tâm này kiểm nghiệm hai sản phẩm đều đạt nên Công ty EBC Đồng Nai xuất xưởng dầu gội và kem chống nắng cho Công ty VB Group. Tuy nhiên, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lấy mẫu kiểm nghiệm thì hai sản phẩm trên đều không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng.

Từ câu chuyện sản xuất và phân phối mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn trên, dư luận đặt câu hỏi về quy trình sản xuất, phân phối mỹ phẩm được quy định ra sao và trách nhiệm của các bên trong vụ việc. Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay việc quản lý mỹ phẩm được quy định tại thông tư 06/2011. 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính phù hợp các nội dung của phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm với dữ liệu công bố đã khai báo hoặc nộp cho cơ quan quản lý, trong đó bao gồm cách ghi thành phần công thức có trong sản phẩm mỹ phẩm theo quy định. 

Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước, tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại sở y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. Khi sản xuất hàng hóa là mỹ phẩm phải đảm bảo các quy định về điều kiện của cơ sở sản xuất mỹ phẩm (có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, điều kiện về nhân sự...), điều kiện về cơ sở vật chất, sản phẩm phải đảm bảo theo phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, phải đảm bảo tính an toàn của sản phẩm trước khi phân phối.

Có phải kiểm nghiệm trước khi bán?

Cũng theo luật sư Đặng Hoài Vũ, sản phẩm mỹ phẩm trước khi bán ra thị trường đối với các sản phẩm sản xuất trong nước thì không bắt buộc phải qua kiểm định. Doanh nghiệp tự công bố thông tin về sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả, chất lượng của sản phẩm. Và sau khi sản phẩm được lưu thông thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng tuy thông tư 06 không bắt buộc phải kiểm nghiệm, nhưng mỗi sản phẩm mỹ phẩm khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF). 

Trong đó, thành phần hồ sơ phải có thông tin về chất lượng của nguyên liệu, chất lượng của thành phẩm, tính an toàn và hiệu quả... Và muốn có được các thông tin này thì việc kiểm nghiệm là bắt buộc để đảm bảo sản phẩm mỹ phẩm đáp ứng được các chỉ tiêu về chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Song nhà sản xuất không buộc phải kiểm nghiệm lại sản phẩm khi sản xuất, phân phối sản phẩm.

Vì vậy, theo luật sư Liêu, khi công ty sản xuất quyết định đưa sản phẩm ra thị trường thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả kiểm nghiệm liên quan đến tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. 

Việc công ty sản xuất thuê đơn vị kiểm nghiệm và sử dụng kết quả kiểm nghiệm này không loại trừ trách nhiệm của đơn vị sản xuất đối với kết quả kiểm nghiệm. Do đó, cần phải phân định rõ việc kiểm định nếu có sai sót như sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng đơn vị kiểm nghiệm vẫn kết luận "đạt" thì sai sót này là vấn đề về trách nhiệm, nghĩa vụ theo hợp đồng được ký kết giữa công ty sản xuất và đơn vị kiểm nghiệm. 

Theo quy định, người tiêu dùng có quyền được thông tin về mỹ phẩm, có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đơn vị kinh doanh mỹ phẩm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng mỹ phẩm sản xuất, lưu thông không đảm bảo chất lượng, không an toàn.

Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường là phải thu hồi ngay mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện thông báo thu hồi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, báo cáo về việc thu hồi mỹ phẩm gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải quyết kịp thời khiếu nại của khách hàng về chất lượng mỹ phẩm, bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật. 

Đồng thời hoàn trả lại tiền cho người mua hàng và các chi phí phát sinh trong quá trình bảo quản, vận chuyển, lưu thông sản phẩm.

Trường hợp sản phẩm mỹ phẩm có các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa thì sản phẩm mỹ phẩm này được xác định là hàng giả. 

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhà sản xuất lẫn nhà phân phối mỹ phẩm đều phải chịu trách nhiệm

Theo luật sư Đặng Hoài Vũ, khi bán hàng hóa cho người tiêu dùng mà hàng hóa này không đúng với thông tin đã công bố thì trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.

Nhà sản xuất có trách nhiệm đánh giá tính an toàn trên mỗi sản phẩm mỹ phẩm theo hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của ASEAN, giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong mỹ phẩm phải đáp ứng yêu cầu của ASEAN, thành phần công thức mỹ phẩm phải đáp ứng theo các phụ lục của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.

Tức là khi tiến hành sản xuất, nhà sản xuất phải có đủ kiến thức và kinh nghiệm để hiểu rõ được các thành phần trong mỹ phẩm có gây hại cho người tiêu dùng hay không, có đảm bảo hàm lượng như phiếu công bố hay không.

Nếu nhận thấy bất thường mà vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc vì vụ lợi mà vẫn tiến hành sản xuất thì nhà sản xuất vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Từ vụ thu hồi mỹ phẩm: Ai chịu trách nhiệm với người tiêu dùng? - Ảnh 2.Từ vụ thu hồi mỹ phẩm liên quan Đoàn Di Băng: Khi nào được tiêu hủy hàng hóa?

Văn bản của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có nội dung giao "Công ty TNHH EBC có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đối với hai sản phẩm mỹ phẩm...".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên