15/06/2018 11:49 GMT+7

Từ vụ tài xế Grab chửi khách 'mày ngu lắm', buồn cho văn hóa ứng xử!

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, qua câu chuyện tài xế Grab chửi khách 'mày ngu lắm' có thể thấy, ứng xử trong cuộc sống nói chung của người Việt đang có vấn đề... Và, nhân đây ông cũng chia sẻ một số câu chuyện về văn hóa ứng xử.

Từ vụ tài xế Grab chửi khách mày ngu lắm, buồn cho văn hóa ứng xử! - Ảnh 1.

Tuổi Trẻ Online có phản ánh vụ việc: "Chửi khách ‘mày ngu lắm’, tài xế Grab yêu cầu khách lên xe phải chào" và xem bình luận, tôi cảm nhận nhiều bạn đọc trách anh tài xế, số ít bạn đọc nhẹ nhàng góp ý vị khách chẳng may bị "sao quả tạ" chiếu.

Có thể thấy, ứng xử trong cuộc sống nói chung, nổi lên việc nói lời cảm ơn, xin lỗi, kiềm chế cảm xúc, hóa giải hờn giận, ai cũng quan tâm, mong được cho đi và được nhận về.

Tài xế quay lại chỉ mặt khách "mày ngu lắm" và yêu cầu khách lên xe phải chào hỏi - Nguồn: Facebook

Nhân đây, tôi xin góp một số câu chuyện...

1. Anh tài xế ở Úc

Trường tôi tọa lạc tại vùng nông thôn, bà con ở đây phần lớn trồng chè, cà phê, bơ, sầu riêng. Họ một nắng hai sương, sống tiết kiệm, nên gia đình nào kinh tế cũng vững vàng. Hôm nọ, tôi được mời dự sinh nhật của "nông dân vợ" do "nông dân chồng" tổ chức. Giữa tiệc vui, anh kể, vợ chồng anh có cô con gái định cư ở Úc.

Dạo ấy, vợ chồng cô mời ba mẹ sang bên đó chơi 3 tháng. Nông dân phố núi, lần đầu xuất ngoại, mọi thứ đều lạ. Tiếng là mời sang chơi cùng con, nhưng con đi làm cả ngày, ở nhà buồn, anh chị cuốc bộ tìm hiểu nông thôn Úc. Hái nho, sau đó là chăm sóc, họ trả công những 200 "đô Úc", Bảo Lộc làm gì được, và anh nếu được thuê, sẽ làm ... vô tư.

Miên man suy nghĩ, nắm tay vợ vội bước sang đường. Anh nghe tiếng xe thắng gấp, giật mình nhìn, một xe tải đỗ gần anh. Anh nghĩ, thế nào cũng bị mắng một trận như ở quê mình. Không, anh tài xế cười, gật đầu chào, anh chị cũng cười theo, khoác tay mời anh tài xế chạy tiếp.

Anh này vẫn cười, vẫn dừng xe, ra hiệu nhường anh chị sang đường. Khi đã qua, anh ngoái lại, anh tài xế cười, vẫy tay chào rồi mới đi.

2. Con học trường quốc tế, hay và...

Tôi có người quen ở Hà Nội, con anh đang học lớp 8 ở một trường quốc tế tiếng tăm, học phí khoảng 500 triệu đồng/năm. Mới đây, ngồi nói chuyện học hành, vợ chồng anh đều bằng lòng với quyết định cho con chuyển từ trường công sang trường quốc tế này.

Chuyện được nhiều lắm; nhưng tôi hỏi, sau một năm, điều chưa được là gì? Chị vợ chia sẻ, trong môi trường ấy, giáo dục đề cao vai trò cá nhân và có lúc dạy trẻ "khách khí".

Chẳng hạn, từ khi theo học ở trường quốc tế, sau mỗi bữa cơm, con chị đều nói: "cảm ơn mẹ". Đúng là như vậy, nhưng sao chị vẫn thấy... xa xa thế nào í!

3. Lúc ở nhà, dép vứt sao cũng được!?

Tôi có hai cháu gái, một hôm, hai cháu đến nhà chơi, cháu sau đang học mẫu giáo, thấy bác đang nằm trên giường đọc sách, cháu bỏ dép, nhảy vội lên giường. Tôi nhắc, con xếp dép ngay ngắn và làm cho cháu xem. Cháu nói, chỉ ở trường là xếp như thế, về nhà dép vứt sao cũng được.

Vậy là, dạy ở trường không định hướng cho làm ở nhà, các cháu chỉ ngay ngắn khi có cô. Gia đình phối hợp với nhà trường - một nguyên tắc, nhưng, bị đứt gãy. Giá mà, những bài tập về nhà yêu cầu con trẻ thực hành lễ phép, giữ gìn vệ sinh, ngăn nắp thì hay biết mấy.

Kiềm chế cảm xúc, nói lời cảm ơn, xin lỗi, mấy năm gần đây, nhiều trường học quan tâm, không chỉ dạy lý thuyết mà còn chú trọng trong hoạt động trải nghiệm.

Chỉ có điều, sự thông suốt từ nhà trường đến gia đình rồi cộng đồng chưa có, vì thế, hành vi tốt ở trường chưa trở thành thói quen mọi nơi, mọi lúc; của thầy cô, học trò chỉ trả cho thầy cô. Về điều này, trường công mình cần học cách làm của các trường quốc tế.

Lẽ tất nhiên, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, văn hóa có những điểm tương đồng và khác biệt. Mọi sự so sánh cần thận trọng, nhưng, hội nhập - công dân toàn cầu, đến lúc phải thay đổi.

Chỉ ánh mắt, cử chỉ thôi - vốn đặc trưng của người Á Đông, sẽ là chưa đủ. Cùng với đó là nụ cười, lời ngợi khen, nói lời cảm ơn, xin lỗi; xin lỗi cả lúc mình không vừa lòng. Người Nhật, vô tình giẫm chân họ, mình chưa kịp nói, họ đã vội xin lỗi.

Có ai vui, thoải mái sau những tranh cãi, mắng mỏ nhau, lao vào đánh nhau? Sau nông nổi ấy, những khoảng trống, sự xấu hổ, hối hận, chịu bao lời chê trách, có khi cả gạch đá! Có câu, "một sự nhịn, chín sự lành" là vì thế.

Chính quyền - đoàn thể các cấp, giới truyền thông, nhà trường, gia đình, khu dân cư, công sở, các trung tâm tư vấn, chung tay định hướng, huấn luyện kỹ năng, thực hành, nhắc nhở, xử phạt để lan tỏa lối sống đẹp.

Khó tránh khỏi số rất ít "sản phẩm có lỗi", khi tuyệt đại đa số mọi người sống khoan dung, kỷ luật, trách nhiệm thì cộng đồng sẽ "tự động" bình yên, tươi vui. Ngày mai ấy, chỉ có thể bắt đầu từ ngày hôm nay....

Làm sao tạo được thói quen nói lời 'xin lỗi và cảm ơn' cho người Việt? Theo bạn, văn hóa ứng xử của người Việt vẫn ổn hay đang xuống cấp trầm trọng? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

'Khi có mâu thuẫn, người Việt lớn tiếng khủng khiếp'

TTO - 'Những quốc gia phát triển từ 'xin lỗi, cảm ơn" được dùng hàng giờ, ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, ở VN cụm từ này ít người dùng đến. Thậm chí, có cảm giác người Việt nói cho đã miệng mà ít quan tâm đến cảm xúc người khác'.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên