07/06/2024 10:26 GMT+7

Tử vong sau khi nâng mũi, nguy hiểm từ ngộ độc thuốc tê

Ngộ độc thuốc tê có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời, như trường hợp cô gái 32 tuổi tử vong tại một thẩm mỹ viện ở TP.HCM.

Bác sĩ Tống Hải thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện Bỏng quốc gia - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Tống Hải thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện Bỏng quốc gia - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Tử vong sau khi gây tê để nâng mũi

Ngày 4-6, chị N.T.T.H. (trú tỉnh Tây Ninh) đến một thẩm mỹ viện ở quận 1, TP.HCM thực hiện phẫu thuật nâng mũi. Chị H. được tư vấn nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai. 

Ngay sau khi được gây tê ở vành tai (khoảng 5-7 phút), người bệnh xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.

Các bác sĩ phòng khám tiến hành hồi sức chống sốc và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu, nhưng sau đó chị không qua khỏi.

Nhiều người cho rằng những phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản như nâng mũi sẽ khó xảy ra tai biến. Theo các chuyên gia, dù bất kỳ phẫu thuật thẩm mỹ nào cũng có nguy cơ xảy ra tai biến, đặc biệt ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Tống Hải - phó chủ nhiệm khoa kiêm chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) - cho hay hiện sửa mũi có hai thủ thuật can thiệp.

Thứ nhất là thủ thuật ít xâm lấn như tiêm chất làm đầy, cấy chỉ nâng mũi. Nhóm thứ hai là phẫu thuật nâng mũi như nâng mũi bằng sụn sườn, cắt chỉnh hình xương mũi... đây là những thủ thuật cần gây tê, gây mê.

Cả hai thủ thuật can thiệp này đều có nguy cơ xảy ra tai biến. Hầu hết những tai biến nặng gặp phải là do nguồn gốc chất làm đầy và ngộ độc thuốc tê tại chỗ

Theo bác sĩ Hải, với trường hợp khách nâng mũi tại thẩm mỹ viện ở TP.HCM mới đây, có thể thấy đây là trường hợp ngộ độc thuốc gây tê rất điển hình.

"Ngộ độc thuốc tê diễn ra rất nhanh chóng, vì vậy nhân viên y tế cần cẩn trọng, bình tĩnh xử lý, nắm bắt các dấu hiệu đáng nghi và đưa ra chẩn đoán ngay.

Sau đó cần phối hợp với các chuyên khoa, đặc biệt là gây mê hồi sức, sử dụng thuốc đúng phác đồ điều trị để tiến hành cấp cứu.

Để có thể xử lý kịp thời khi xảy ra tai biến, bác sĩ trước khi làm và thực hiện độc lập tại phòng khám nên đi học lớp định hướng cơ bản hoặc thực tập tại chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức 3 - 6 tháng, để có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh xử trí những vấn đề xảy ra khi làm thủ thuật, phẫu thuật", bác sĩ Hải cho hay.

Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo khi có nhu cầu thực hiện thẩm mỹ, người dân nên đến những cơ sở y tế được cấp phép (có đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu...). Đồng thời, kiểm tra kỹ các loại chất tiêm, thuốc, vật liệu đưa vào cơ thể phải được Bộ Y tế cấp phép.

Đặc biệt tất cả phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm và có hệ thống chăm sóc hậu phẫu, bảo hành, xử lý khắc phục trong và sau làm phẫu thuật, thủ thuật.

Ai có nguy cơ cao ngộ độc thuốc tê?

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kiên - khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gây tê được tiến hành ở nhiều chuyên khoa với những vị trí khác nhau, nguy cơ ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí và loại thuốc tê nào.

Nguy cơ ngộ độc thuốc tê cao ở những người bệnh già yếu, trẻ em, người có protein máu thấp, gây tê ở vị trí giàu mạch máu như đầu mặt cổ, khoang miệng, mũi họng và tầng sinh môn…

Để giảm thiểu rủi ro và sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra ngộ độc thuốc tê, bác sĩ Kiên khuyến cáo khi sử dụng cần cân nhắc, dùng lượng thuốc tê nhỏ nhất để đạt mức tê và thời gian tê mong muốn. Lưu ý nồng độ thuốc tê trong máu bị ảnh hưởng bởi vị trí tiêm và liều sử dụng. 

Đặc biệt chú ý theo dõi bệnh nhân liên tục bằng monitor trong và sau khi tê ít nhất 30 phút. Khi tiêm cần tiêm chậm, quan sát và hỏi để phát hiện những dấu hiệu ngộ độc thuốc tê.

"Cần nghĩ đến ngộ độc thuốc tê ở bệnh nhân có thay đổi trạng thái tinh thần, triệu chứng thần kinh hoặc dấu hiệu bất thường về tim mạch sau gây tê. Khi thấy nghi ngờ, cần liên lạc với khoa gây mê, cấp cứu để xử trí kịp thời", bác sĩ Kiên khuyến cáo.

Một phụ nữ 64 tuổi tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹMột phụ nữ 64 tuổi tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ

Người phụ nữ này đã phẫu thuật thẩm mỹ nhiều cơ quan như cắt da thừa mí mắt, hút mỡ bụng toàn phần, hút mỡ eo, đùi, cánh tay, tái tạo thành bụng phức tạp, cấy mỡ vùng mông và thay túi độn ngực hai bên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên