Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 tại Thừa Thiên - Huế thu hút hơn 4.000 học sinh tham dự - Ảnh: TẤN LỰC
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Tại Thừa Thiên - Huế, chương trình phối hợp tổ chức cùng ĐH Huế, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế.
Chỉ một lần điều chỉnh nguyện vọng
Tại buổi tư vấn, ông Phạm Văn Lương - chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - đã cung cấp nhiều thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 cho thí sinh. Trong đó, ông Lương lưu ý thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất. "Các bạn phải nhớ điều này để chọn đúng ngành nghề mà mình yêu thích, xác định gắn bó để phát huy hết giá trị bản thân" - ông Lương nói.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương - phó giám đốc ĐH Huế - cho biết năm nay ĐH này tuyển 13.070 chỉ tiêu với 136 ngành nghề (trên khoảng 200 ngành nghề trên cả nước) với 18 ngành mới tại 8 trường, 3 khoa thành viên và phân hiệu ĐH Huế tại tỉnh Quảng Trị. Trong đó, ngành quản trị kinh doanh và an toàn thông tin tại khoa quốc tế sẽ được cấp bằng đào tạo quốc tế do 2 ĐH liên kết là ĐH Turku (Phần Lan) và ĐH Thương mại UTCC (Thái Lan) cấp.
Trong quá trình học, sinh viên sẽ học 2 năm tại VN và 2 năm cuối tại các nước. Cơ hội việc làm ngay tại hai quốc gia này cũng rất lớn với những sinh viên theo học tại khoa.
"Trong những năm qua, ĐH Huế đang tích cực mở các trung tâm khởi nghiệp để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong nhà trường. Cơ hội làm việc của sinh viên sau tốt nghiệp cũng lớn hơn nếu các bạn thật sự cố gắng" - thầy Chương nhắn nhủ.
Một số nội dung chính
Tuổi Trẻ lược ghi một số nội dung tư vấn tại chương trình. Chi tiết mời quý phụ huynh, thí sinh xem thêm trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.com.vn).
* Ngành quốc tế học đào tạo ra sao, cơ hội du học và việc làm như thế nào?
- ThS Phan Thanh Tiến (phó phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế): Ngành này chủ yếu đào tạo bằng tiếng Anh, ngoài thực hành về ngôn ngữ còn đòi hỏi các kiến thức chuyên ngành ngoại giao, văn hóa... Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể học tiếp ở nước ngoài thông qua các chương trình học bổng, hợp tác liên kết của nhà trường hoặc làm tại các cơ quan nhà nước, công ty liên quan đến đối ngoại, ngoại thương, kinh tế...
* Ngành ngôn ngữ Hàn Quốc nên học ở ĐH Huế hay ĐH Đà Nẵng?
- ThS Phan Thanh Tiến: Tùy vào điều kiện về kinh tế, gia đình, sức khỏe... các bạn có thể chọn học tại Huế hoặc Đà Nẵng. Cả hai ĐH đều đào tạo theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT.
Hiện Trường ĐH Ngoại ngữ có rất nhiều suất học bổng liên kết với các trường ĐH ở Hàn Quốc. 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp ở Huế đều có việc làm với lương cơ bản trên 15 triệu đồng. Riêng tại Trường ĐH Ngoại ngữ, chúng tôi đang rất khó khăn trong việc giữ sinh viên ngành này ở lại làm giảng viên bởi sức hút từ các doanh nghiệp.
* Học bổng của Trường ĐH Duy Tân - Đà Nẵng như thế nào?
- TS Võ Thanh Hải (phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân): Trường có rất nhiều chế độ học bổng gồm toàn phần, bán phần, 20%... cho nhiều ngành học như các ngành tài năng, các ngành liên quan đến kinh tế - du lịch. Tất cả phụ thuộc vào số điểm và thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh.
* Các chương trình học bổng và hỗ trợ sinh viên của các trường kinh tế tại Đà Nẵng và Huế?
- TS Trần Trung Hỷ (quyền trưởng ban đào tạo ĐH Huế): Tại ĐH Huế, nhóm thí sinh trên 26 điểm sẽ được nhận học bổng toàn phần và được xét tuyển chọn trong các chương trình trao đổi sinh viên với các trường ĐH quốc tế liên kết. Từ 24 điểm sẽ được 50% học bổng và ưu tiên xét học bổng khi có nguồn tài trợ.
- PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng - ĐH Đà Nẵng): Thí sinh có giải học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ được nhận học bổng toàn phần, được ở miễn phí tại ký túc xá và nhận hỗ trợ chi tiêu 1 triệu đồng/tháng. Thí sinh có giải nhất, nhì cấp tỉnh cũng được cấp học bổng về học phí và được ưu tiên trong danh sách nhận hỗ trợ. Kết quả trong quá trình học tại trường cũng sẽ quyết định cơ hội được học nước ngoài theo các chương trình trao đổi sinh viên.
* ĐH Y dược - ĐH Huế có chương trình đào tạo khác các trường khác không?
- GS.TS Võ Tam (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược - ĐH Huế): Năm nay nhà trường tuyển sinh 400 chỉ tiêu. Chúng tôi đào tạo y khoa theo chương trình ĐH Harvard, Mỹ và cả nước chỉ có 3 cơ sở đào tạo theo chương trình này gồm ở Huế, Hà Nội và TP.HCM. Chương trình quốc tế nên tiêu chuẩn vào trường và ra trường cũng khác. Bằng cấp được công nhận trong khu vực và quốc tế. Theo thống kê của trường, ngành bác sĩ đa khoa hằng năm sau khi ra trường 100% đều có việc làm.
Trải nghiệm thực tế ảo
Để "hút" học sinh các trường THPT về với các gian tư vấn giới thiệu của mình, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài bố trí người tư vấn thông tin, phát tờ rơi còn kèm theo các hoạt động trải nghiệm để thu hút học sinh.
Ảnh: TR.TRUNG
Trong số đó, gian tư vấn của Trường CĐ Giao thông Huế thu hút khá nhiều học sinh đến trải nghiệm mô hình kính thực tế ảo. Tại đây, một hướng dẫn viên hướng dẫn thí sinh đeo kính thực tế ảo cùng 2 thiết bị cầm tay.
Khi đeo kính, một không gian 3 chiều hiện lên trước mặt người trải nghiệm. Khi di chuyển, mọi cử chỉ, hình ảnh trong không gian này cũng di chuyển theo người trải nghiệm như thật khiến nhiều học sinh cảm thấy thích thú, hào hứng.
Có mặt sớm tại chương trình, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết đã trải nghiệm một số trò chơi các trường giới thiệu.
"Mình cũng muốn được tìm hiểu các mô hình mà sinh viên trong trường có thể thực hiện. Sau này nếu có thể là sinh viên của trường, việc tham gia các câu lạc bộ này có thể phát huy khả năng của mình" - Nguyễn Lê Bình, học sinh của trường, nói.
TR.TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận