28/08/2024 09:52 GMT+7

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp báo Tuổi Trẻ: 'Bộ lọc thông tin' cho hàng triệu thí sinh

Giữa 'ma trận' thông tin trên mạng, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ như 'bộ lọc thông tin', cung cấp kiến thức chính thống, chính thức, giúp học sinh chọn đúng ngành nghề, trường phù hợp với bản thân.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp: 'Bộ lọc thông tin' cho hàng triệu thí sinh - Ảnh 1.

Tọa đàm Đổi mới Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 27-8 - Ảnh: NAM TRẦN

Dự báo trước những thay đổi về thi và tuyển sinh từ năm học 2024-2025, ngày 27-8 tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm Đổi mới Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

22 năm tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho hơn 3 triệu lượt thí sinh

Nhìn lại chặng đường 22 năm của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết năm 2002 Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ chỉ đơn thuần là phối hợp với một trường đại học mở một chuyên mục nhỏ trên trang báo để tư vấn định kỳ.

Đến năm 2003 chương trình được mở thành một chuyên trang, tư vấn đều đặn theo từng số báo. Năm 2004 chính thức mở ra chương trình tư vấn tuyển sinh, trực tiếp đi tư vấn tại các trường THPT, sau này nhân rộng ra các tỉnh/thành phố.

Đến nay, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ khởi xướng đã tổ chức hơn 300 chương trình và ngày hội, thu hút khoảng 3 triệu lượt phụ huynh, học sinh tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến.

Chương trình góp phần cung cấp kịp thời về toàn cảnh mùa thi - tuyển sinh cho hàng triệu học sinh, giải đáp trực tiếp, cặn kẽ những băn khoăn, vướng mắc của thí sinh, định hướng cho thí sinh có lựa chọn phù hợp trước những ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời.

Chương trình cũng là cầu nối hai chiều giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với phụ huynh, học sinh để chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách, quy định. Đồng thời là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng với thí sinh trên cả nước và góp phần làm thay đổi quan niệm, nội dung, cách thức tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

"Năm học tới, học sinh lớp 12 sẽ bắt đầu thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, dự kiến sẽ có những thay đổi về việc thi và công tác tuyển sinh. Do vậy, nhu cầu cần được tư vấn, tìm hiểu thông tin của học sinh rất cao, làm sao để đáp ứng các em được nhiều nhất là trăn trở của những người làm công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp", ông Nguyên nói.

Thông qua buổi tọa đàm, ông Nguyên mong muốn các thầy cô tham gia tọa đàm góp ý cho chương trình những năm tiếp theo cần tập trung hay thay đổi những gì, thời điểm tư vấn đã phù hợp hay chưa, tư vấn từ lớp mấy là phù hợp, tiếp cận học sinh ở vùng sâu, vùng xa ra sao, thành phần ban tư vấn nên đổi mới như thế nào?…

Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin tràn ngập trên nhiều kênh khác nhau, câu hỏi đặt ra là liệu chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp còn cần thiết hay không? Tôi tin rằng câu trả lời là có, và chương trình này thậm chí còn quan trọng hơn bao giờ hết.
TS Đồng Văn Ngọc

Thông tin càng tràn ngập, càng cần tư vấn

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay trong 22 năm qua, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã trở thành kênh tư vấn chuẩn mực, chính thống, khách quan, cung cấp thông tin tới đông đảo thí sinh, gia đình, xã hội, tạo sự công bằng trong tuyển sinh.

Ở thời điểm thông tin còn ít ỏi thì chương trình là một làn gió mới, đến thời kỳ bùng nổ thông tin, "dư thừa thông tin" trên các nền tảng mạng xã hội thì chương trình lại là một kênh chính thống để lấn át các thông tin tiêu cực, sai sự thật.

"Những năm gần đây có tình trạng không chỉ những người làm trong lĩnh vực giáo dục tư vấn tuyển sinh trên các nền tảng mạng xã hội, những người hoạt ngôn cũng đưa những thông tin tư vấn lên mạng để quảng bá", bà Hương nói và nhận định việc thông tin dư thừa cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp trượt oan nguyện vọng yêu thích.

TS Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nhận định xuất phát từ thực tế về sự thiếu hụt thông tin và những hiểu lầm của phụ huynh và học sinh về quá trình thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đã trở thành một người bạn đồng hành tin cậy trong suốt 22 năm qua.

Theo ông Ngọc, giữa "ma trận" thông tin trên mạng, phụ huynh và thí sinh có thể có những lựa chọn sai lầm, và chương trình tư vấn - tuyển sinh như "bộ lọc thông tin", cung cấp những kiến thức chính thống, được kiểm chứng, giúp các em và gia đình có cái nhìn rõ ràng và khách quan.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - cho biết vào đầu mỗi năm học, lãnh đạo trường phải trực tiếp trao đổi với cả phụ huynh và học sinh từng lớp học, giúp học sinh có kế hoạch học tập dựa trên mục tiêu đặt ra sau khi học hết lớp 12. Đây là việc cần thiết để học sinh có kế hoạch, động lực và không bị mệt khi phải dồn sức ở giai đoạn nước rút.

Vì vậy những thông tin hướng nghiệp sớm là rất quan trọng. Còn ở giai đoạn tư vấn ngành học, tư vấn thi và tuyển sinh thì chỉ hiệu quả hơn khi tổ chức sau thời điểm các trường công bố đề án tuyển sinh và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế tuyển sinh…

Cô Nhiếp cũng mong muốn với trách nhiệm với cộng đồng như báo Tuổi Trẻ đã làm hơn 20 năm qua, ở giai đoạn tới Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sẽ có những đổi mới để sát với nhu cầu của học sinh, phụ huynh hơn. Đặc biệt là cần cung cấp cho học sinh một phương pháp luận trong việc chọn nghề dựa trên bức tranh chung về tuyển sinh.

"Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ được tổ chức chuyên nghiệp, thiết thực và hiệu quả. Hiện tại diễn ra theo hai đợt là tư vấn hướng nghiệp và tư vấn xét tuyển.

Quan điểm của tôi không nên tổ chức tư vấn tuyển sinh sớm quá vì khi tư vấn phải có quy chế tuyển sinh chính thức để thông tin đến học sinh, phụ huynh.

Hiện bộ đang cân nhắc nhiều bất cập trong vấn đề xét tuyển sớm và việc mở ra quá nhiều phương thức xét tuyển từ thực tế xét tuyển đại học năm 2024, để xây dựng quy chế tuyển sinh năm 2025.

TS Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp: 'Bộ lọc thông tin' cho hàng triệu thí sinh - Ảnh 2.Càng bùng nổ thông tin, càng cần tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp uy tín

Trước dự báo có nhiều thay đổi về thi và tuyển sinh trong năm học tới, ngày 27-8 báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm đổi mới chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên