Đối thoại trực tiếp với chuyên gia tư vấn tuyển sinh
Chương trình có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cung cấp những thông tin cập nhật về kỳ thi tốt nghiệp THPT và những quy định tuyển sinh và xét tuyển.
Ngoài ra, đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ công bố những lưu ý khi đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, trong bối cảnh điểm thi đợt 1 vừa được công bố. Chuyên gia cũng sẽ chỉ ra những điểm đáng lưu ý từ đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực và đưa ra nhiều tư vấn quan trọng cho đợt 2 đã được mở cổng đăng ký.
Các đại diện từ gần 20 trường đại học, cao đẳng lớn tại TP.HCM như Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường đại học Y Dược TP.HCM, Trường đại học Luật TP.HCM, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM… cũng sẽ góp mặt tại chương trình, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi cho phụ huynh.
TS Nguyễn Thị Mai - trưởng ban quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM - cho rằng những năm gần đây đã có sự chuyển dịch xu hướng khi cha mẹ lắng nghe con nhiều hơn trong quá trình chọn ngành, chọn nghề và trao quyền quyết định cho con cái. Trong các chương trình và ngày hội tư vấn tuyển sinh, các phụ huynh luôn sẵn sàng đồng hành cùng con đến để nghe chuyên gia tư vấn.
Dù vậy, không phải không có tình huống con cái có định hướng khác với phụ huynh. Trong trường hợp này, TS Nguyễn Thị Mai dành lời khuyên cha mẹ nên tìm hiểu kỹ từ hai phía. Về phía con, phụ huynh nên hiểu những lý do, động lực sâu xa đằng sau lựa chọn hướng đi nghề nghiệp của con. Về phía bản thân, phụ huynh có thể tự hỏi lại chính mình xem những định hướng của mình cho con đã là tốt nhất hay chưa, tốt cho con hay cho phụ huynh nhiều hơn…
"Nếu có cơ hội gặp gỡ với các thầy cô từ các trường đại học, đây sẽ là một nguồn tham khảo uy tín, cho phụ huynh và thí sinh thêm những góc nhìn đa chiều để tìm được tiếng nói chung" - cô Mai nói.
Các chuyên gia cho rằng 1 ngày lướt mạng, xem clip tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp sẽ không bằng 1 giờ đồng hồ được gặp gỡ trực tiếp chuyên gia tư vấn từ các trường đại học. Quy tắc này không chỉ đúng với thí sinh, mà có lẽ với cả phụ huynh.
Đặc biệt trong bối cảnh nhiều nguồn thông tin hỗn tạp hiện nay, những kênh tiếp cận càng chính thống sẽ càng có giá trị.
Phụ huynh thắc mắc nhiều về chương trình học, học phí
Có dịp gặp nhiều phụ huynh trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở nhiều địa phương, ThS Trương Quang Trị - phó trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành - chia sẻ những câu hỏi thường được phụ huynh hỏi nhiều nhất là về chương trình học, cơ hội việc làm và học phí. Phần lớn phụ huynh ít nhiều đã có tìm hiểu từ trước, nhưng nguồn thông tin tham khảo lại có sự khác biệt.
"Đa phần phụ huynh thường tìm hiểu qua những kênh báo đài, website của các trường. Nếu có quen người làm trong lĩnh vực mà con định học hoặc cựu sinh viên, họ sẽ hỏi thăm thêm. Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh xem các kênh Facebook, TikTok. Thường thì mọi người nghĩ các clip ngắn chỉ thu hút thí sinh, nhưng thực tế nhiều cha mẹ cũng xem các clip này" - ông Trị nói.
Ông Trị kể từng gặp một phụ huynh tâm sự con muốn theo học ngành quản trị kinh doanh nhưng gần đây lại xem nhiều clip nói nhân sự ngành này đang bão hòa, dễ thất nghiệp. Vậy là phụ huynh bắt đầu lung lay, sợ con học rồi không có việc làm. Khi được thầy cô từ các trường đại học giải thích, phụ huynh mới bớt lo lắng và an tâm hơn về lựa chọn của con.
Ông Đặng Hữu Khanh, phó trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận thấy thời gian gần đây có một xu hướng là nhiều phụ huynh và thí sinh đến các buổi tư vấn để gặp các thầy cô, chuyên gia từ những trường đại học để an tâm hơn về quyết định của mình.
Ông giải thích hiện nay do điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng, nhiều phụ huynh và học sinh đều chủ động tìm hiểu, rất hiếm trường hợp phụ huynh và thí sinh hoàn toàn chưa biết gì. Tuy tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều bậc cha mẹ vẫn mong muốn gặp trực tiếp đại diện những trường đại học để kiểm tra lại lần cuối cùng tất cả những gì họ đã tìm hiểu.
"Không ít phụ huynh tin vào quyết định của con, nhưng mức độ tin tưởng sẽ tăng lên rất nhiều nếu họ được xác nhận một lần nữa từ chuyên gia từ các trường đại học, cao đẳng" - ông Khanh nói.
Top 5 thắc mắc phổ biến của phụ huynh
Tuổi Trẻ ghi nhận một số thắc mắc các chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng rất thường được phụ huynh đặt câu hỏi:
- Học phí của trường công bố trên website có tăng theo từng năm, có phát sinh thêm chi phí nào nữa không?
- Sự khác nhau giữa các chương trình đào tạo trong cùng một ngành: chương trình đại trà, chất lượng cao, tiên tiến, liên kết quốc tế…
- Cách kết hợp phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển
- Vị trí việc làm và cơ hội thăng tiến của ngành học ra sao?
- Điều kiện học tập: địa điểm học tập, ăn ở, đi lại, các chế độ hỗ trợ…
Có thể theo dõi trực tuyến
Ngoài tham dự trực tiếp, những phụ huynh ở xa có thể theo dõi chương trình được phát sóng trực tiếp trên tuoitre.vn và kênh YouTube báo Tuổi Trẻ. Những nội dung hấp dẫn trong chương trình cũng sẽ được tường thuật đầy đủ trong các bài viết trên báo Tuổi Trẻ điện tử và nhật báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận