Sự oan trái đã chặt đứt con đường học hành của cả bốn người con của ông. Sự oan trái buộc người con thứ hai gác chuyện chồng con để tha hương xứ người, chắt chiu từng đồng gửi về nhà tiếp tế cho bố những ngày ở tù và đi kêu oan...
Làm sao có thể mường tượng nổi gia đình ông đã phải trải qua chừng đó thời gian cay đắng thế nào. Sự oan trái dồn nén bấy lâu giờ như òa vỡ: “Bố Chấn ơi, lúc bố bị bắt, con mới là một đứa trẻ tung tăng đến trường.
Ở đâu, gặp ai chúng con cũng thấy những ánh mắt trách móc và những câu nói xuyên thấu tim gan: bố mày mang tội giết người thì học làm gì”.
Niềm tin công lý đã biến thành sức mạnh để ông không gục ngã. Ông nói rằng suốt mười năm ông luôn nghĩ có ngày mình được minh oan, rằng “gia đình tôi thiệt thòi, khổ cực vì tôi quá rồi. Hôm nay được về, tôi thấy mình chuộc được phần nào lỗi với gia đình. Với tôi, hôm nay mình như được sinh ra lần thứ hai”. Ông nhận lỗi về mình, một thứ lỗi mà ông nào có gây ra. Ngược lại ông không một lời oán trách những “chủ nhân” thực thụ của lỗi ấy, những người đem tai họa giáng xuống đầu ông và gia đình ông.
Nhưng hãy nghe xem hai trong số những người có trách nhiệm đã nói gì? “Hồi xưa xét xử thì dựa trên chứng cứ, tài liệu vụ án, chứ giờ vụ án đã lâu không nhớ nổi. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do...Quốc hội chứ biết sao được”.
Đó là nguyên văn lời ông Nguyễn Minh Năng, chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm năm 2004 kết án chung thân ông Chấn. Còn ông Trần Văn Duyên, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm, cho rằng “cấp phúc thẩm tuyên y án thì có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì, giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”.
Không hẹn mà gặp, cả hai vị đều không có sự chia sẻ với tình cảnh của “nạn nhân”, không nhìn nhận trách nhiệm của mình mà tìm cách chuyền quả bóng trách nhiệm sang nơi khác. Lạnh lùng và lạ lùng!
Trách nhiệm cá nhân rồi đây sẽ được làm rõ. Thế còn trách nhiệm xã hội? Chắc chắn đâu phải chỉ có họ. Mười năm ông Chấn và gia đình kêu oan. Oan thấu trời xanh. Đơn thương độc mã. Các công bộc nơi những cơ quan có trách nhiệm bảo vệ dân từ địa phương tới trung ương đã ở đâu trong suốt mười năm ròng rã ấy?
Và cả báo chí nữa, chúng tôi cũng tự phải hỏi mình: nhà báo đã ở đâu trong suốt mười năm ròng rã ấy?
__________
Tin bài liên quan:
Tiếp tục làm rõ những sai sót trong vụ án ông ChấnThôn Me chào đón người tù chung thân được tự do trở vềNgười tù chung thân được trả tự doMột ngày tù oan bồi thường 115.000 đồng?Bộ trưởng Bộ CA: Tiếp tục làm rõ vụ án Nguyễn Thanh Chấn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận