Ngược dòng Tây Sơn (tác giả: Lê Nguyễn Trường Giang) là vở tốt nghiệp đạo diễn Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM của nghệ sĩ Thanh Toàn tối 26-8 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Ngoài Tú Sương, vở còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Hoàng Quốc Thanh, Phạm Vũ Thanh, Hoàng Chương, Trọng Hiếu, Hoàng Minh Vương…
Tú Sương hết mình với nhân vật Bùi Thị Xuân
Ngược dòng Tây Sơn khởi đầu với cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Nàng chính là người tiêu diệt hổ dữ để cứu chàng trai và từ đó họ nên duyên vợ chồng.
Rồi họ theo phò Nguyễn Nhạc để xây dựng nhà Tây Sơn, được trọng dụng giao cho những vị trí quan trọng.
Họ là những tướng lĩnh trụ cột của nhà Tây Sơn từ thời Nguyễn Nhạc đến Nguyễn Huệ và cuối cùng là Cảnh Thịnh.
Đô đốc Bùi Thị Xuân và Thái phó Trần Quang Diệu đã làm nên những chiến tích lẫy lừng như trận Rạch Gầm - Xoài Mút, đại phá quân Thanh…
Và cuối cùng khi nhà Tây Sơn suy yếu, bị Nguyễn Ánh tiêu diệt, cả nhà Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân lâm vào thảm cảnh bị xử tử.
Đảm nhiệm vai Bùi Thị Xuân, vai nặng nhất trong vở, nghệ sĩ Tú Sương đã thể hiện sở trường đào võ.
Vốn là con cháu đời thứ 5 của dòng họ hát bội - cải lương tuồng cổ có cả trăm năm theo nghiệp hát nên với vai diễn này Tú Sương có nhiều kinh nghiệm để xử lý vũ đạo, khả năng ca trong diễn.
Nhất là đoạn cuối, khi Bùi Thị Xuân phải chứng kiến lần lượt từ chồng đến con bị xử tử trong đau đớn. Tú Sương phải diễn sao để cắn chặt nỗi đau, giữ được khí tiết, sự trung liệt trước mặt vua tôi nhà Nguyễn.
Từng vũ đạo dứt khoát, ánh mắt lẫm liệt của nữ tướng, tới lời thoại đanh thép, xử lý ca cao, chồng lên để thể hiện nỗi đau xé lòng trước cảnh nước nhà tan nát, Tú Sương đã khiến người ta rùng mình.
Từ Chuông vàng vọng cổ 2015 đến đạo diễn Thanh Toàn
Vốn từng là sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, vì mê cải lương nên Nguyễn Thanh Toàn bỏ học thi vào lớp đào tạo trung cấp chuyên nghiệp diễn viên cải lương của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Sau khóa học anh về công tác tại nhà hát, sau đó anh tham gia và đoạt giải Chuông vàng vọng cổ 2015.
Không có lợi thế về vóc dáng, gương mặt để làm kép đẹp nhưng Toàn có "vũ khí sắc bén" là giọng ca rất mùi.
Còn trẻ nhưng sớm vào vai lão và anh trở thành gương mặt được giới chuyên môn đánh giá cao, khi đi thi ở đâu cũng "ẵm" huy chương vàng dù chỉ là nhân vật phụ.
Nếu Toàn quen thuộc với người làm nghề trong những vai diễn chững chạc có độ lắng thì vở diễn Ngược dòng Tây Sơn anh dàn dựng lại có tính hành động cao, nhất là ở những cảnh chiến đấu như trận Rạch Gầm - Xoài Mút.
Kịch bản gốc của vở dành cho cải lương tuồng cổ nhưng Toàn đã mày mò chỉnh sửa, viết thêm bài bản cải lương vì anh muốn sử Việt phải được hát bằng chất liệu thuần cải lương của dân tộc mình.
Sân khấu đang khát kịch bản sử Việt. Sau tốt nghiệp, hy vọng Thanh Toàn sẽ tổ chức thêm được vài suất diễn đến với khán giả.
Và khi đó Ngược dòng Tây Sơn nên được chăm chút kỹ hơn về kịch bản, làm rõ hơn ý đồ vở diễn muốn gởi gắm đến công chúng. Có thể thấy ở vài chỗ Toàn còn "tham" nên có sự lặp lại.
Với vai Bùi Thị Xuân, có những lúc máu lửa Tú Sương bung hết sức. Chị cần chút tiết chế để không quá mất sức và tạo khoảng lắng cho nhân vật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận