13/12/2018 21:49 GMT+7

Từ nhiễm sắc thể Y bắt được sát thủ Cao Thừa Dũng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cao Thừa Dũng ung dung gây án ở Cam Túc và Nội Mông suốt 14 năm. 11 phụ nữ đã bị hắn giết hại. Cuối cùng hắn sa lưới pháp luật nhờ công lao của các nhà nhân học di truyền.

Từ nhiễm sắc thể Y bắt được sát thủ Cao Thừa Dũng - Ảnh 1.

Bị cáo Cao Thừa Dũng trong phiên tòa xét xử vào tháng 7-2017 tại thành phố Bạch Ngân (tỉnh Cam Túc) - Ảnh: Reuters

Cuối tháng 3-2018, Tòa án thành phố Bạch Ngân thuộc tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) tuyên phạt bị cáo Cao Thừa Dũng 54 tuổi mức án tử hình về các tội hiếp dâm, giết người và xâm phạm thi thể.

Bị cáo thú nhận từ năm 1988-2002, hắn đã giết 11 phụ nữ gồm 9 người ở thành phố Bạch Ngân và 2 người ở thành phố Bao Đầu (khu tự trị Nội Mông). Một số nạn nhân đã bị phân xác. 

Do đó, báo chí gọi hắn là "tên đồ tể ở Cam Túc" hay "Jack tên đồ tể người Trung Quốc" (Jack tên đồ tể là tên giết người hàng loạt bí ẩn ở Anh cuối thế ký 19).

Treo thưởng vẫn không bắt được hung thủ

Cách đây hai năm, vào tháng 8-2016, khi cảnh sát ập vào bắt, họ Cao đang cùng với vợ bán tiệm tạp hóa ở Bạch Ngân.

Lần đầu tiên Cao giết người sau khi bám theo một cô gái 23 tuổi về nhà vào tháng 5-1988. Năm đó con trai đầu của hắn chào đời.

Cách thức gây án nhiều lần đều như nhau. Cao đi xe đạp quan sát các phụ nữ đi một mình rồi bám theo nạn nhân về đến nhà và ra tay. Hắn thường để ý đến phụ nữ trẻ đẹp, tóc dài, đi guốc cao gót, mặc quần áo màu đỏ và có xu hướng gây án ban ngày. Nạn nhân nhỏ nhất mới 8 tuổi. Gây án xong hắn cắt bàn tay, lỗ tai và cơ quan sinh dục của nạn nhân ném xuống sông.

Tin tức về các vụ giết người man rợ lan truyền ở thành phố Bạch Ngân. Nhiều phụ nữ ra đường không dám đi một mình.

Tháng 12-2004, lần đầu tiên công an thành phố Bạch Ngân liên kết 11 vụ giết người với nhau và treo thưởng 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD) cho ai cung cấp thông tin dẫn đến bắt giữ hung thủ.

Trung Quốc thường loại bỏ thông tin liên quan đến tội phạm. Do đó cần thận trọng khi nêu số liệu thống kê tội phạm. Không thể đánh giá chính xác số hung thủ giết người hàng loạt ở Trung Quốc"

Tiến sĩ Dr Mike Aamodt, tác giả cơ sở dữ liệu về giết người hàng loạt tại Đại học Radford và Đại học Florida Gulf Coast ở Mỹ

Từ nhiễm sắc thể Y bắt được sát thủ Cao Thừa Dũng - Ảnh 3.

Dẫn giải Cao Thừa Dũng (trùm đầu) rời phiên tòa - Ảnh: REUTERS

Các nhà nhân học di truyền giúp phá án

Cao Thừa Dũng nhiều lần để lại dấu vết ADN tại hiện trường như tinh dịch, máu, nước bọt trên tách uống trà.

Căn cứ ADN, dấu tay và dấu chân để lại hiện trường, cơ quan điều tra suy luận hung thủ là nam giới từ 33-40 tuổi, biến thái về tình dục, ghét phụ nữ, sống cô độc, khó hòa đồng với người khác nhưng có tính kiên trì.

Cảnh sát đã lấy hàng trăm mẫu ADN của người dân ở Bạch Ngân nhưng không có mẫu của Cao Thừa Dũng vì hắn đăng ký hộ khẩu chính thức tại xã Trường Hà.

Đầu năm 2016, cảnh sát bàn giao hồ sơ cho Phòng thí nghiệm nhân học hiện đại thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải.

Đầu tiên các nhà nghiên cứu tập trung giải mã di truyền trong các mẫu được cung cấp, đặc biệt chú ý đến nhiễm sắc thể Y. Nhiễm sắc thể Y di truyền từ cha sang con trai và rất ít đột biến qua các thế hệ, do đó căn cứ vào đó có thể lập được phả hệ.

Kế đến ADN của hung thủ thu thập từ hiện trường được đưa vào cơ sở dữ liệu danh mục nhiễm sắc thể Y của hơn 400.000 người.

Cuối cùng, nhiễm sắc thể Y trong ADN của hung thủ trùng khớp với nhiễm sắc thể Y của dòng họ Cao cư trú tại xã Trường Hà. Cơ quan điều tra lấy mẫu ADN từ các thành viên trong dòng họ Cao, từ đó lần ra hung thủ Cao Thừa Dũng.

Từ nhiễm sắc thể Y bắt được sát thủ Cao Thừa Dũng - Ảnh 4.

Ảnh truy nã Cao Thừa Dũng - Ảnh: Asia Wire

Tiếp tục nghiên cứu vì sao hành vi của hung thủ

Trước tòa, bị cáo Cao Thừa Dũng đã nghiêng mình xin lỗi gia đình các nạn nhân ba lần và đề nghị được hiến nội tạng mà không có lời giải thích nào.

Luật sư của bị cáo cho rằng dường như bị cáo sống với hai nhân cách khác nhau. Cuộc sống êm ả thường ngày của bị cáo bên người vợ và hai con chỉ nhằm che giấu xu hướng giết người.

Luật sư đề nghị các nhà tội phạm học và các nhà tâm lý tội phạm cần phải nghiên cứu trường hợp này để hiểu rõ hơn vì sao hắn lại hành động như thế.

Đây không phải lần đầu cảnh sát Trung Quốc nhờ các nhà nhân học di truyền phá án. Tính đến lúc bắt giữ Cao Thừa Dũng, các nhà nhân học di truyền đã can thiệp hơn 1.000 vụ. Trong 1/3 số trường hợp, họ tìm thấy ADN tại hiện trường khớp với cơ sở dữ liệu di truyền.

Thật ra các nhà nghiên cứu ở Đại học Phúc Đán lập cơ sở dữ liệu di truyền không phải để giúp cảnh sát phá án mà để nghiên cứu nguồn gốc dân tộc Trung Quốc.

Từ nhiễm sắc thể Y bắt được sát thủ Cao Thừa Dũng - Ảnh 5.

Người thân của các nạn nhân bên ngoài phiên tòa tuyên án tử hình Cao Thừa Dũng ngày 30-3-2018 ở Bạch Ngân - Ảnh: AP

Tại Trung Quốc, báo chí hạn chế đăng tin về tội ác giết người hàng loạt. Người nước ngoài muốn tìm hiểu chủ đề này cũng gặp trở ngại. Đây là lý do tạo cảm giác như nạn giết người hàng loạt ở Trung Quốc xảy ra rất ít.

Điều khó tin là chỉ có 62 vụ giết người hàng loạt xảy ra trên hơn 1,3 tỉ dân ở Trung Quốc trong khi tại Mỹ có đến 3.376 tên giết người hàng loạt với dân số hơn 325 triệu người.

Thật ra Trung Quốc là một trong những địa bàn xảy ra giết người hàng loạt nhiều nhất thế giới. Khác với Mỹ, người dân Trung Quốc không nhận được thông tin đầy đủ về nạn giết người hàng loạt nên họ không thể tự bảo vệ được.

Phá án ly kỳ - Kỳ 3: Dò ADN bắt kẻ sát nhân hàng loạt trốn 42 năm Phá án ly kỳ - Kỳ 3: Dò ADN bắt kẻ sát nhân hàng loạt trốn 42 năm Phá án ly kỳ - Kỳ 2: "Sát thủ bikini" mang dòng máu Việt Phá án ly kỳ - Kỳ 2: 'Sát thủ bikini' mang dòng máu Việt Phá án ly kỳ - Kỳ 1: Từ dấu máu trên băng ghế xe bán tải Phá án ly kỳ - Kỳ 1: Từ dấu máu trên băng ghế xe bán tải
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên