Như vậy có đúng luật không?
Bạn đọc Văn Thanh, quận 6, TP.HCM.
- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Đuổi việc theo từ ngữ pháp lý được hiểu là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là việc làm thể hiện ý chí của một bên muốn chấm dứt hợp đồng lao động.
Ý chí này phải được gửi đến bên bị chấm dứt hợp đồng lao động và việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần sự đồng ý của bên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Đây không phải là một hình thức kỷ luật lao động
Thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động: Theo quy định tại khoản 1, điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì một số trường hợp phải có thời gian báo trước khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng.
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đối với trường hợp tự ý bỏ việc:
Theo quy định tại điểm e, khoản 1 và khoản 3, điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên và khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.
Theo quy định tại điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp sau:
- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1, điều 36 của bộ luật này.
- Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
- Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo thông tin anh cho biết thì anh có nộp đơn xin nghỉ việc cho công ty nhưng chưa tới thời hạn 45 ngày anh đã nghỉ làm. Sau 45 ngày, công ty mời anh lên làm việc và ra quyết định đuổi việc.
Trường hợp của anh được cho là tự ý bỏ việc nên công ty không phải thông báo trước cho anh. Để biết công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có đúng quy định hay không thì anh cần kiểm tra lại:
- Thời gian anh nghỉ làm kể từ khi anh nộp đơn xin nghỉ việc là bao nhiêu ngày, có đủ từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên hay không.
- Khi nghỉ làm thì có thuộc các trường hợp được nêu tại điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019 không.
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định tại điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019:
- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2, điều 36 của bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 điều này, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 46 của bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 46 của bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận