18/01/2025 11:16 GMT+7

Từ nạn nhân của 'việc nhẹ lương cao' trở thành thủ phạm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Những người Việt Nam muốn tìm 'việc nhẹ, lương cao' tại một số nước Đông Nam Á, sau khi được các nghi phạm hướng dẫn vượt biên trái phép, đã trở thành các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.

Trở thành nhân viên đường dây lừa đảo xuyên quốc gia khi sang nước ngoài tìm 'việc nhẹ lương cao' - Ảnh 1.

Các nghi phạm là nhân viên trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia - Ảnh: C02

Ngày 18-1, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 người để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tìm "việc nhẹ, lương cao" rồi thành lừa đảo xuyên quốc gia

Theo C02, tại một số nước Đông Nam Á, lợi dụng các chính sách của nước sở tại, trong các đặc khu kinh tế, khu casino, diễn biến phức tạp tình trạng nhiều băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.

Nhóm cầm đầu này điều hành, chỉ đạo, nhân viên đến từ nhiều quốc gia, phân chia thành địa bàn phạm tội theo từng quốc gia để hoạt động lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản dưới nhiều thủ đoạn tinh vi theo nhiều kịch bản khác nhau.

Những người Việt Nam muốn tìm "việc nhẹ, lương cao" tại một số nước Đông Nam Á, sau khi được các nghi phạm hướng dẫn vượt biên trái phép, đã trở thành các đối tượng lừa đảo.

Những người này được nuôi ăn ở tập trung, cung cấp máy tính, điện thoại di động, tài khoản mạng xã hội, đào tạo lừa đảo theo kịch bản đã được viết sẵn, trả lương, thưởng/phạt, nếu không làm được sẽ bị cưỡng bức, đánh đập.

Qua nắm tình hình, ở một số địa bàn tại các đặc khu kinh tế ở nước ngoài, đã xảy ra nhiều vụ án giết người hoặc vụ chết người có nạn nhân là người Việt Nam.

Thậm chí có một số vụ các đối tượng trong những tổ chức lừa đảo đánh đập các nạn nhân dẫn đến tử vong. Tử thi của nạn nhân sau đó bị đốt, phân xác, phi tang, kéo lê trên đường bằng xe máy, vứt xác từ tầng cao...

Chỉ tiêu tiền lừa đảo trong tháng phải đạt 1,5 - 3 tỉ đồng

Từ nạn nhân của 'việc nhẹ lương cao' trở thành thủ phạm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia - Ảnh 2.

Cảnh sát và các lực lượng chức năng tập trung phân loại, sàng lọc số công dân Việt Nam hoạt động tại một số casino, sòng bài, đặc khu - Ảnh: C02

Điển hình đầu tháng 1-2025 đến nay, thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an ở Campuchia, công an các đơn vị, địa phương điều tra các nghi phạm là công dân Việt Nam làm việc tại các công ty ở đặc khu kinh tế thuộc TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.

Song thực chất đây là tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia do một số người Trung Quốc cầm đầu, điều hành các nhân viên lên đến hàng trăm đối tượng, chủ yếu là người Việt Nam. Trong đó có Công ty K066.com.

Tại đây, các nghi phạm chia ra thành nhiều nhóm, nhiều tổ với hàng trăm đối tượng để quản lý và điều hành hoạt động phạm tội lừa đảo đối với người dân Việt Nam.

Hằng tháng, các nghi phạm cầm đầu, chủ quản, quản lý, tổ trưởng sẽ giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo trong tháng (doanh thu) cho từng nhóm, từng tổ, từng nhân viên và sẽ được hưởng tiền lương, thưởng, phạt theo chỉ tiêu.

Thông thường mỗi tổ được giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo trong tháng phải đạt 1,5 - 3 tỉ đồng/tháng, mỗi nhân viên được giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo 100 triệu đồng/tháng.

Nếu lừa đảo được người dân Việt Nam và đạt chỉ tiêu được giao thì các đối tượng, nhân viên được hưởng lương cứng và tỉ lệ phần trăm số tiền lừa đảo được.

Bị đánh đập, tra tấn nếu không hoàn thành công việc

Các đối tượng lừa đảo này thường dụ dỗ người Việt Nam ở trong nước bằng các thủ đoạn như kết bạn, yêu đương, dụ dỗ, lôi kéo người bị hại cài đặt các phần mềm mã độc để chiếm quyền điều khiển điện thoại, chuyển tiền hoặc đe dọa chuyển tiền…

Nếu không hoàn thành công việc, các nhân viên này sẽ bị các đối tượng đánh đập, tra tấn, chích điện, phạt thể lực (chạy bộ, đứng nghiêm, nhảy cóc…).

Các nhân viên trong vụ án này khai nhận đã giả mạo các dự án đầu tư của một tập đoàn lớn tại Việt Nam nhưng tạo các website, tài khoản ngân hàng có tên gần giống với tên các doanh nghiệp của tập đoàn trên.

Sau đó những người lừa đảo tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo là các cán bộ, lãnh đạo các công ty trong tập đoàn, giả mạo các giấy chứng nhận để tạo lòng tin khi kết bạn, trò chuyện, dụ dỗ đầu tư vào các quỹ đầu tư, dự án của tập đoạn.

Ngoài ra, các đối tượng có một bộ phận dụ dỗ người bị hại nạp tiền đánh bạc vào các website đánh bạc do các đối tượng tạo ra, giả mạo các nhân viên IT biết các lỗ hổng bảo mật để tạo lòng tin và dụ dỗ người chơi nạp tiền vào các website trên.

Hầu hết các website do các đối tượng tạo đều giả mạo, có thể can thiệp, điều chỉnh các số dư trong tài khoản, số tiền lãi, tiền trúng thưởng và chỉ cho bị hại rút số tiền rất nhỏ trong số tiền đã nạp vào.

Sau khi bị hại đã tin tưởng, các đối tượng sẽ thay nhau chăm sóc và dụ dỗ bị hại nạp tiền, chuyển tiền, sau đó bày ra các lý do để người bị hại tiếp tục nạp tiền, chuyển tiền đến khi không còn khả năng tài chính thì sẽ chặn liên lạc, khóa tài khoản.

Đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận hơn 400 người Việt Nam, nhân viên trong đường dây lừa đảo trong vụ án trên để tiếp tục phân loại, điều tra, làm rõ.

Trở thành nhân viên đường dây lừa đảo xuyên quốc gia khi sang nước ngoài tìm 'việc nhẹ lương cao' - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận hơn 400 người Việt Nam, nhân viên trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia - Ảnh: C02

Cần tỉnh táo trước lời dụ dỗ làm "việc nhẹ lương cao"

Đại tá Lê Khắc Sơn, phó cục trưởng C02, cho biết thời gian tới, lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam sẽ tập trung đấu tranh quyết liệt loại tội phạm này.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật ở nước ngoài để bắt giữ, xử lý triệt để các cá nhân là công dân Việt Nam tham gia các tổ chức tội phạm có tổ chức hoặc thực hiện các hành vi phạm tội, bất kể phạm tội ở trong nước hay nước ngoài.

Cục Cảnh sát hình sự cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, dụ dỗ, lôi kéo sang nước ngoài làm việc theo kiểu "việc nhẹ lương cao", tránh bị lừa gạt, đưa vào các tổ chức tội phạm hoặc bị mua đi, bán lại cho các tổ chức tội phạm mua bán người.

Mọi công dân khi xuất cảnh sang các nước phải thực hiện đúng quy định về xuất nhập cảnh. Mọi hành vi xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nếu người dân phát hiện người thân, con em mình đang tham gia các tổ chức lừa đảo thì trình báo cho cơ quan công an cơ sở và phải khẩn trương vận động, kêu gọi về nước để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đề nghị người dân tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo, đe dọa trên không gian mạng của các đối tượng, nhất là các thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng, giả vờ yêu đương, sau đó dụ dỗ tham gia các dự án đầu tư, tham gia đánh bạc… tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị người dân đã bị lừa đảo với thủ đoạn như trên khẩn trương liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều Bộ Công an (qua điều tra viên Nguyễn Văn Long - SĐT 0935.546.688) để trình báo nhằm điều tra, mở rộng, xử lý các nghi phạm theo quy định pháp luật.

Nạn nhân của 'việc nhẹ lương cao' trở thành nhân viên đường dây lừa đảo xuyên quốc gia  - Ảnh 4.Từ thi thể bị trói, bịt miệng trôi sông, cảnh sát phá băng nhóm cho vay tiền, sát hại dã man con bạc

Sau khi các con bạc vay tiền chơi cờ bạc thua hết không trả nợ bị băng nhóm của Ngô Phi Long hoạt động ở Campuchia bắt giữ, trói nhốt, tra tấn, thậm chí giết hại dã man.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên