26/09/2011 06:50 GMT+7

Tù mù phí chung cư

X.LONG - M.QUANG
X.LONG - M.QUANG

TT - Lần đầu tiên một “liên minh” gồm đại diện của năm khu chung cư: 93 Lò Đúc, The Manor, Golden Westlake, Keangnam, Sky City khẩn thiết kiến nghị TP Hà Nội ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý chung cư để có cơ sở thương lượng về phí dịch vụ với các đơn vị vận hành tòa nhà.

hNiNakOk.jpgPhóng to
Tháng 7-2011, người dân tại khu chung cư 93 Lò Đúc, Hà Nội nhận thông báo tăng giá phí dịch vụ gấp đôi - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Người dân cả năm khu nhà kể trên đều cho rằng hiện nay cư dân đang sinh sống tại các khu chung cư đang bị chủ đầu tư các tòa nhà lấy mức phí quá cao và tùy tiện mà không hề có thỏa thuận hay tham vấn ý kiến của người dân trong chung cư.

Không thỏa thuận phí

Bà Phan Minh Thúy, đại diện các hộ dân khu chung cư 93 Lò Đúc, Q.Hai Bà Trưng, cho biết năm 2007, khi các hộ dân về ở tại khu nhà này thì chủ đầu tư đưa ra hai mức thu phí dịch vụ. Mức thứ nhất có giá 400.000 đồng/tháng đối với các căn hộ có diện tích trên 180m2, mức thứ hai có giá 300.000 đồng/tháng đối với căn hộ có diện tích dưới 180m2.

Bà Thúy cho hay ban đầu khi chủ đầu tư của tòa nhà là Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô quy định hai mức thu phí dịch vụ như vậy, người dân đều chấp hành. Tuy nhiên vào thời điểm tháng 7-2011, chủ đầu tư lại tiếp tục có thông báo nâng phí dịch vụ tăng lên gấp đôi, đồng thời nói sẽ truy thu theo mức phí này từ quý 1-2011. “Theo quy định thì các khoản phí dịch vụ phải trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà, ít nhất phải có sự đồng ý của 50% số hộ dân, nhưng tất cả các mức phí dịch vụ từ trước đến nay đều do chủ đầu tư tự đưa ra, áp đặt để người dân phải nộp” - bà Thúy bức xúc.

Bà Thúy cũng cho rằng khi thông báo tăng phí dịch vụ lên gấp đôi, chủ đầu tư luôn nói đang phải bù lỗ. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề lỗ thật hay lỗ giả, theo bà Thúy, hiện người dân hoàn toàn không có thông tin. “Rất nhiều lần người dân đề nghị công khai các hợp đồng về từng loại dịch vụ, các khoản chi cho các loại dịch vụ trong tòa nhà nhưng chưa bao giờ chủ đầu tư minh bạch, công khai khiến người dân vô cùng bức xúc” - bà Thúy nói.

Đại diện các hộ dân tại năm chung cư kể trên cũng cho rằng bất cập lớn nhất hiện nay là không có một quy định hay một cơ sở pháp lý nào để ràng buộc chủ đầu tư, công ty quản lý chung cư về các mức phí dịch vụ. “Kẽ hở pháp lý không có giá trần đối với phí quản lý chung cư như hiện nay cho phép các đơn vị có thể tăng phí dịch vụ bất cứ lúc nào nhằm thu lợi thêm và để có thể kiếm lời từ việc thu phí dịch vụ này, gần như các chủ đầu tư đều lảng tránh việc công bố, công khai, minh bạch các chi phí liên quan nên người dân vẫn tiếp tục bị móc túi” - một hộ dân khu chung cư 93 Lò Đúc nói.

Thu phí bằng đôla

Đang nghiên cứu giá trần

Theo đại diện của năm chung cư kể trên, việc sớm ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý chung cư hiện nay rất cần thiết và đó là cơ sở pháp lý để người dân đàm phán, thương lượng với chủ đầu tư về mức phí quản lý phù hợp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết đã giao Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất khung giá trần quản lý chung cư. “Việc xem xét này nhằm xây dựng giá dịch vụ cho phù hợp với thực tế đầu tư của chủ đầu tư nhưng phải trên cơ sở có giới hạn để không cho phép nhà đầu tư muốn quy định bao nhiêu cũng được” - ông Tưởng nói.

Tại chung cư Golden Westlake (Q.Tây Hồ), đại diện các hộ dân tại khu chung cư này cũng cho rằng mặc dù đây được xem là khu chung cư cao cấp nhưng mức phí dịch vụ lên tới vài triệu đồng/căn hộ/tháng chỉ mang tính đơn phương mà không có sự thỏa thuận nào giữa chủ đầu tư và người dân.

Ông Tô Hồng Sơn, một trong những người đại diện các hộ dân tại đây, cho biết bắt đầu từ tháng 6-2010, người dân trong khu chung cư phải nộp mức phí dịch vụ do Công ty TNHH quản lý Leonidas đưa ra là 0,8 USD/m2, nếu tính cả thuế VAT là 0,88 USD/m2. Theo ông Sơn, số tiền thực nộp quý sau luôn tăng cao hơn quý trước vì tỉ giá USD luôn biến động. Cụ thể, với diện tích căn hộ của gia đình là 145m2, ông Sơn cho biết số tiền phí dịch vụ phải nộp trong quý 1-2011 là hơn 6,9 triệu đồng, tuy nhiên trong quý 3-2011 lên tới hơn 8,1 triệu đồng. “Tỉ giá đôla tăng thì người dân càng phải nộp nhiều, mặc dù pháp luật quy định không được đôla hóa nhưng họ vẫn cứ tính phí dịch vụ bằng ngoại tệ rồi quy ra tiền Việt bất chấp cách làm đó vi phạm pháp lệnh ngoại hối” - ông Sơn nói.

Tương tự, các hộ dân tại chung cư Keangnam cũng cho biết nếu người dân không phản đối thì chủ đầu tư, công ty cung cấp dịch vụ, quản lý khu nhà cũng thực hiện việc thu phí dịch vụ theo giá 0,99 USD/m2, sau đó mới chấp nhận quy định mức phí bằng tiền VND. “Mức phí dịch vụ hiện người dân phải nộp là 18.670 đồng/m2/tháng cũng cao hơn nhiều khu nhà khác” - bà Lê Thị Minh Thảo, thư ký ban đại diện chung cư Keangnam, cho biết.

Phí giữ xe: đủ các kiểu

Ngoài tình trạng loạn các khoản phí dịch vụ vận hành chung cư, các khoản phí trông giữ ôtô, xe máy tại các khu chung cư trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay cũng chẳng giống ai. Cụ thể, mặc dù TP Hà Nội đã có quy định về phí trông giữ ôtô, xe máy đối với khu vực các huyện cao nhất là 800.000 đồng/tháng đối với ôtô, 45.000 đồng/tháng đối với xe máy, còn tại các quận là 1 triệu đồng/tháng đối với ôtô, tuy nhiên thực tế nhiều chủ đầu tư tại các khu chung cư không tuân theo quy định này. Tại khu chung cư 93 Lò Đúc, người dân đang chịu mức phí gửi xe là 100.000 đồng/xe máy/tháng, còn ôtô 1,2 triệu đồng/tháng.

Tại chung cư Sky City, chỉ sau khi người dân chính thức lên tiếng, chủ đầu tư khu nhà mới hạ phí trông giữ ôtô từ 2,5 triệu đồng/xe/tháng xuống còn 1,25 triệu đồng/xe/tháng. Cá biệt hơn tại khu Keangnam Vina (huyện Từ Liêm), thông báo về mức phí giữ xe mới đây của đơn vị quản lý tòa nhà đã thật sự gây choáng khi đưa ra mức thu ban đầu là 1,6 triệu đồng/tháng đối với ôtô và 105.000 đồng/tháng đối với xe máy. Chỉ đến khi Sở Tài chính Hà Nội “huýt còi”, chủ đầu tư mới chịu thu theo mức 875.000 đồng/ôtô và 45.000 đồng/xe máy. Tuy nhiên, mức phí trông giữ xe đối với khách vào tòa nhà vẫn cao ngất ngưởng, khách vào gửi xe thu 20.000 đồng/xe máy, 30.000 đồng/ôtô gửi trong hai giờ, qua đêm thu tới 60.000 đồng/xe máy, ôtô cũng tăng gấp 1,5-2 lần.

Hiện ở TP.HCM mỗi chung cư thu mỗi giá, tùy theo đơn vị quản lý. Chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 (Q.7) thu giá dịch vụ chỉ hơn 3.000 đồng/m2/tháng, nhưng tại một số chung cư cao cấp ở Q.Bình Thạnh, giá dịch vụ được tính bằng USD, tương đương gần 17.000 đồng/m2. Các dịch vụ thường là thu gom rác, vệ sinh, điện công cộng, thang máy..., nếu thêm các dịch vụ khác cao cấp hơn phải đóng thêm tiền. Đặc điểm chung là với các chung cư chưa có ban quản trị, phần nhiều người dân không có sự lựa chọn mà buộc phải sử dụng theo giá áp đặt do các chủ đầu tư đưa ra. Khá nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân hoặc ban quản trị chung cư với các đơn vị quản lý dịch vụ (hay chủ đầu tư) bắt đầu từ giá dịch vụ chung cư.

Một người dân ở chung cư tại Q.7 so sánh: giá dịch vụ một chung cư tại Phú Mỹ Hưng là 3.500 đồng/m2, chất lượng dịch vụ khá tốt. Trong khi đó tại chung cư anh đang ở giá tương đương nhưng chất lượng phục vụ rất tệ: thang máy thường xuyên bị sự cố, bô rác nghẹt, tình trạng trộm cưa khóa vào nhà lấy đồ... thường xuyên xảy ra. Điều đáng nói, người dân đã phản ảnh nhiều nhưng tình trạng không được cải thiện và đơn vị quản lý hiện tại là công ty “con” của chủ đầu tư.

Theo tính toán của một công ty chuyên quản lý dịch vụ chung cư, dù chủ đầu tư chỉ thu mức phí dịch vụ 3.000 đồng/m2/tháng nhưng các nguồn thu khác như tiền quảng cáo, trạm thu phát sóng di động, tiền giữ xe... tại chung cư này tổng cộng hơn 400 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí, đơn vị quản lý dịch vụ “bỏ túi” trên 30% tổng số tiền thu được. Điều này giải thích vì sao chủ đầu tư khăng khăng đòi quản lý các dịch vụ chung cư mà không chịu buông cho ban quản trị.

Chưa kể các chủ đầu tư ngoài chuyện muốn “ôm” chung cư để kinh doanh dịch vụ, việc giành quyền quản lý chung cư còn nhằm mục đích quản luôn cả phí bảo trì chung cư. Theo quy định, mỗi khách hàng khi mua căn hộ phải đóng 2% phí bảo trì chung cư, như vậy mỗi chung cư vài trăm căn hộ thì mức phí lên đến hàng tỉ đồng. Chung cư càng cao cấp, phí bảo trì càng lớn.

Tháng 12-2009, ngay sau khi Bộ Xây dựng ban hành thông tư 37 hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ chung cư, Sở Xây dựng TP.HCM đã trình UBND TP dự thảo quy định khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Xây dựng phân ra bốn hạng chung cư để tính phí dịch vụ, gồm: chung cư hạng 1 tối đa không quá 8.000 đồng/m2/tháng, hạng 2 không quá 7.000 đồng/m2, hạng 3 tối đa 6.000 đồng/m2 và hạng 4 không quá 5.000 đồng/m2/tháng. Trường hợp nhà công vụ, nhà xã hội, chung cư cũ mức phí không quá 1.000 đồng/m2. Phần diện tích sử dụng làm việc, kinh doanh tính theo mức trên nhân với hệ số 1,2.

Một số ý kiến cho rằng ngoài mức phí đối với nhà ở xã hội, chung cư cũ... thì khung phí dịch vụ đối với bốn loại chung cư trên là khá cao so với thu nhập của người dân. Tháng 4-2010, sau một thời gian lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng TP tiếp tục đưa ra dự thảo quy định khung giá nhà chung cư theo hướng giảm xuống. Theo đó, giá dịch vụ đối với phần diện tích để ở tối đa không quá 5.000 đồng/m2/tháng. Phần diện tích làm việc, sản xuất kinh doanh tính theo mức giá trên nhân với hệ số 1,2. Dự thảo này cũng quy định các dịch vụ tối thiểu cung cấp cho chung cư gồm bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác thải... Phần chi phí các dịch vụ khác như hồ bơi, sân thể thao, nhà trẻ, chăm sóc vườn hoa cây cảnh và các dịch vụ cao cấp khác do khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ tự thỏa thuận. Tuy nhiên đến nay, sau gần hai năm kể từ ngày thông tư 37 ban hành, TP vẫn chưa có quy định giá dịch vụ quản lý chung cư.

(còn tiếp)

X.LONG - M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên