Olympic Nhật Bản sẽ vượt qua thử thách mang tên New Zealand - Ảnh: REUTERS
Trong số 4 trận tứ kết, có sự phân cực mạnh - yếu rõ ràng ở ba trận Tây Ban Nha - Bờ Biển Ngà (15h), Nhật Bản - New Zealand (16h), Brazil - Ai Cập (17h). So với trận đấu trên, Hàn Quốc - Mexico (18h) có sự cân bằng hơn.
"Cửa dưới" tự tin
Cả Bờ Biển Ngà, New Zealand và Ai Cập đều có vòng bảng tuyệt vời. Từ chỗ bị đánh giá là kẻ lót đường, họ xuất sắc giành vé góp mặt ở tứ kết. Tại vòng bảng, Bờ Biển Ngà gây ấn tượng khi cầm chân cả Đức và Brazil. Trong khi đó, New Zealand thắng Hàn Quốc và hòa Romania. Ngoạn mục hơn cả là Ai Cập khi họ đánh bại Úc 2-0 ở lượt cuối (hưởng lợi từ trận Argentina hòa Tây Ban Nha) để lách qua khe cửa hẹp, giành quyền đi tiếp với vị trí nhì bảng.
Những thành tích ấn tượng đó khơi gợi cho các đội bóng yếu hơn về niềm tin hoàn toàn có thể gây bất ngờ. Vũ khí đáng sợ nhất của Bờ Biển Ngà, New Zealand và Ai Cập là tâm lý thoải mái và sự tự tin cao độ sau khi đã vượt qua vòng bảng. Do bóng đá nam Olympic vẫn là giải đấu trẻ với những bất ngờ nên mọi thứ đều có thể xảy ra.
Thêm một lý do giúp các đội cửa dưới có thể tự tin là đối thủ của họ không thực sự hoàn hảo. Vì vậy, nếu biết cách khai thác, các đội bóng cửa dưới hoàn toàn có cơ hội để tạo nên những bất ngờ. Về yếu tố chiến thuật, Bờ Biển Ngà, New Zealand và Ai Cập đều cho thấy sự tổ chức rất tốt.
"Cửa trên" run rẩy
Với những gì đã diễn ra ở vòng bảng, các đội bóng được xem là cửa trên tại vòng tứ kết như Brazil, Tây Ban Nha và Nhật Bản có lý do để lo lắng. Dù sở hữu dàn cầu thủ chất lượng nhưng Olympic Tây Ban Nha cũng gặp vấn đề như tuyển quốc gia tại Euro 2020: không có tiền đạo sắc bén.
Điều này khiến Tây Ban Nha gặp vấn đề trong việc giải quyết đối thủ. Hai trận hòa của Tây Ban Nha trước Ai Cập (0-0) và Argentina (1-1) xuất phát từ nguyên nhân này. Ở trận gặp Bờ Biển Ngà, nếu các chân sút của Tây Ban Nha tiếp tục phung phí cơ hội, họ có thể bị trả giá bởi đội bóng đến từ châu Phi sở hữu nhiều cầu thủ tốc độ và khéo léo.
Tuy có hàng công mạnh bậc nhất Olympic 2020 nhưng hàng thủ của Brazil lại chưa thật sự vững chắc khi thi đấu thiếu tập trung và khá chủ quan, đặc biệt là lúc đội nhà có thế trận tốt. Đây có thể là "tử huyệt" của Brazil trước một Ai Cập luôn vào sân với khí thế hừng hực.
Về phía Nhật Bản, những lo lắng dành cho đội chủ nhà cũng không hề ít. Dù thắng cả 3 trận ở vòng bảng nhưng các "Samurai trẻ" luôn tỏ ra thiếu sắc sảo trong lối chơi. Họ không có những đường chuyền mang tính đột phá để xuyên thủng hàng thủ đối phương. Ở trận gặp New Zealand, thử thách của chủ nhà Nhật Bản sẽ rất lớn khi đối thủ có hàng thủ rất chắc chắn.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất mà các đội bóng mạnh hơn có thể chờ đợi để giải quyết trận đấu là yếu tố ngôi sao - điều đối thủ của họ không có. Hãy chờ xem, liệu trật tự có trở lại với vòng tứ kết môn bóng đá nam Olympic hay không, hay sẽ là những cuộc lật đổ?
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Trận Hàn Quốc - Mexico không có đội bóng nào thực sự là cửa dưới hoặc cửa trên. Đây là cuộc đối đầu cân bằng và khó đoán nhất ở vòng tứ kết.
Về con người, Hàn Quốc có vẻ nhỉnh hơn nhưng đội bóng đến từ châu Á không vượt trội Mexico về trình độ tổ chức lối chơi. Yếu tố có thể quyết định trận đấu này nhiều khả năng sẽ thuộc về tâm lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận