03/10/2012 10:06 GMT+7

"Từ điển sống" của rừng

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Say mê rừng, gắn bó với rừng mười mấy năm trời, nhiều hướng dẫn viên du lịch ở vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc địa phận ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) đã trở thành những “chuyên gia” rừng, những “cuốn từ điển sống” của rừng Cát Tiên.

qrTxRQPA.jpgPhóng to
Anh Đặng Quang Trọng (bìa trái) - hướng dẫn viên vườn quốc gia Cát Tiên - đưa chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đi xem chim và thú rừng ở Bàu Sấu, vườn quốc gia Cát Tiên - Ảnh: Vũ Thủy

Ở vườn quốc gia Cát Tiên có hàng ngàn loài động, thực vật. Nhưng trong khu rừng rộng hàng ngàn hecta này, đừng tưởng chúng ở khắp nơi để người ta nhìn thấy. Từ khách tham quan đến nhà khoa học tới Cát Tiên muốn tìm xem các loài động, thực vật trong rừng đều cần đến những “chuyên gia” của vườn dẫn đường.

“Chuyên gia” chim rừng

Ông Vũ Trọng Duyến, hướng dẫn viên vườn quốc gia Cát Tiên, nai nịt cẩn thận để chuẩn bị dẫn khách băng rừng. Ông biết tất tật về cây, thú lớn, thú nhỏ, chim muông nhưng ông rành nhất về các loài chim vì say mê đặc biệt loài vật có cánh này. Những con chim xíu xiu nhiều khi na ná nhau nhưng nhìn dáng bay, màu sắc, nghe tiếng hót, tiếng kêu là ông biết ngay loài chim nào.

Muốn xem loài gà so cổ hung, “đặc sản” của rừng Cát Tiên nổi tiếng là khó tìm, “cuốn từ điển sống” này sẽ tiết lộ manh mối để tìm giống gà quý: loài gà này sống thành cặp ở đồi tre, chỉ nhỏ bằng chim cút, mỗi quả đồi chỉ có một cặp. Hay loài chim đuôi cụt cánh xanh chỉ có trong rừng từ tháng 4 đến tháng 9, sau đó sẽ di cư nơi khác. Chim cu xanh, hồng hoàng, cu rốc thích ăn trái cây, ông biết chỗ có nhiều cây này mọc để dễ tìm thấy nhất. Khách muốn xem loài chim bói cá vằn có bộ lông lộng lẫy thì ông Duyến biết nơi cần đến.

63 tuổi và gắn bó với rừng đã 20 năm, ông Duyến bảo chuyện vui buồn có nhiều nhưng vui nhiều hơn vì “được đi vào rừng đã là sướng rồi”. Niềm vui của ông còn là vì có thể trở thành một người đồng hành để trao đổi, chia sẻ đam mê chim muông với không ít khách đến vườn. Cứ hai năm một lần, một giáo sư đại học ở Mỹ lại đưa sinh viên đến thực tập, nghiên cứu về rừng và đủ các loài bò sát, rắn, chim. Lần nào ông cũng “đặt gạch” trước để ông Duyến hướng dẫn bởi ông tin xác suất tìm được loài chim, thú ông muốn sinh viên nghiên cứu sẽ cao nhất. Khách đi Đà Lạt, đi Cúc Phương xem và nghiên cứu về chim cũng tin tưởng nhờ ông đưa đi.

Hỏi bí quyết để am hiểu về chim muông, ông Duyến đáp gọn lỏn: yêu rừng. “Khách tới đây mà hỏi mình rằng ở đây chỉ có rừng thôi hả là thấy chán vì biết họ không yêu rừng” - ông Duyến bảo. Chiếc máy ảnh nhỏ của ông được trang bị hẳn thẻ nhớ 8G và chứa đầy hình ảnh gà tiền mặt đỏ, gà lôi hung tía, công, thằn lằn, kỳ đà...

Những trang sách có hình ảnh các loài chim thú kèm miêu tả, giới thiệu mà ông tranh thủ chụp lại từ những cuốn sách của khách du lịch hay nhà nghiên cứu mà ông có dịp đưa họ đi luôn được lưu trong máy để mỗi khi rảnh rỗi, ông lại mở ra xem cho dễ nhớ. Đến tận bây giờ mỗi khi gặp loài chim nào lạ, ông đều nhớ màu sắc, hình dáng trong đầu để về tra cứu.

Ông kể những ngày đầu nói tiếng Anh còn bập bõm mà khách của vườn lại nhiều người nước ngoài nên lúc nào cũng phải kè kè sách, bút để khách nói gì thì ông ghi lại. Giờ giấc cũng vô chừng. Khách đi coi vượn, ông phải ngủ lại vườn để sáng 4g dậy dẫn khách vào rừng hay chờ 20g-21g đưa khách đi coi nai. Đi bộ vào vùng ngập nước Bàu Sấu để coi cá sấu, chim chóc mất 30km nhưng có sốt ruột cũng không được hối khách đi nhanh để họ được thoải mái. Khách rình rập chỉ để xem một loài chim quý, ông cũng phập phồng suốt những ngày đi cùng họ. Cũng có khi khách phải thất vọng về tay không sau mấy ngày phục kích. Đó là những khi ông buồn nhất.

“Tarzan” rừng Cát Tiên

Ông Nguyễn Văn Diện, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết vườn rộng 45.000ha, trong đó có 8.000ha vùng ngập nước. Sinh cảnh rừng độc đáo kết hợp giữa rừng ẩm nhiệt đới tự nhiên và vùng đất ngập nước góp phần tạo ra đa dạng sinh học, hệ động, thực vật giàu có cho Cát Tiên với 1.610 loài thực vật và nhiều loài động vật, trong đó có 26 loài nguy cấp và cận nguy cấp theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, 31 loài nguy cấp nằm trong Sách đỏ VN và 23 loài chỉ còn tồn tại ở VN.

Cũng yêu rừng, say rừng như ông Duyến, anh Chung Giáo Đức “ở rừng” đã ngót nghét 23 năm. Công việc của anh là hướng dẫn kỹ năng sống trong rừng, kỹ năng sinh tồn khi đi rừng hoặc bị lạc trong rừng. Với anh, rừng như ngôi nhà và thuộc nó như lòng bàn tay.

Khách muốn học cách sống được như Tarzan trong rừng sẽ theo anh Đức vào rừng 7-8 giờ hoặc có khi cả ngày, tự tìm kiếm thức ăn, nước uống theo chỉ dẫn của anh. Anh Đức biết rõ những loại cây trong rừng. Câu chuyện thú vị của anh lúc nào cũng khiến các vị khách bật cười nghiêng ngả.

Mùa nấm rừng, anh hướng dẫn họ tìm các loại nấm ăn được và phân biệt với nấm độc. Anh chỉ nấm mối bảo nấm ăn được nhiều lần, chỉ vào những vạt nấm sặc sỡ bảo nấm ăn được một lần. Các vị khách lắc đầu không hiểu cho đến khi anh giải thích mấy cái nấm sặc sỡ là nấm độc, ăn vào chết luôn đâu có ăn được lần thứ hai. Có lúc anh khiến cả đoàn ngạc nhiên khi chỉ kinh nghiệm dân dã để chế biến những con cá lăng trơn tuột. Bụm tay hà hơi rồi phủ lên người con cá, lập tức con cá đơ ra không động đậy.

Anh hướng dẫn viên “lõi đời” này còn có cả một kho kiến thức về những kỹ năng sống trong rừng: lá cây đủng đỉnh, lõi chuối rừng ăn được, thân tre non, lồ ô nhiều nước có thể lấy nước uống được 2-3 ngày. Kinh nghiệm đi rừng không bị lạc của anh cũng đủ thứ: khi bắt đầu đi vào rừng để không lạc có thể “bẻ cò”, bẻ những nhánh cây nhỏ trên đường đi quặt về phía trước, lúc đi ra chỉ đi theo hướng ngược lại hoặc nếu trời tối không có mặt trời để xác định phương hướng có thể soi đèn nhìn vào thân cây. Thân cây thường có một mặt nhẵn sáng ở mặt hướng đông do hứng ánh sáng mặt trời và mặt đối diện sẫm màu, bám nhiều rong rêu là hướng tây. Nếu khách ngủ đêm trong rừng, anh dạy họ cách phòng tránh trăn, rắn, muỗi và cả thú dữ.

Đến Cát Tiên, nhiều du khách nước ngoài cũng phải ngạc nhiên về khả năng tiếng Anh của các hướng dẫn viên như anh Đức, ông Duyến, anh Trọng... Tên Latin của các loài cây, loài chim, thú bằng tiếng Anh, “từ điển” rừng đều nhớ hết. Khách hỏi con gì, cây gì đều có thể tìm được câu trả lời từ người dẫn đường. Họ có thể trò chuyện về chim muông, cây cối rất rành rọt với các chuyên gia nước ngoài.

Hôm nay trời mưa, không có nhiều khách nên anh Đức tranh thủ bày tiếng Anh cho đồng nghiệp trẻ Nguyễn Văn Tâm. Tâm 28 tuổi, khỏe khoắn và rắn rỏi, kể rằng mình chưa phải “chuyên gia” như ông Duyến, anh Đức nhưng đang cố gắng để thành “chuyên gia”. Tốt nghiệp ngành du lịch ở Đại học Hùng Vương tại TP.HCM, ra trường Tâm làm hướng dẫn viên du lịch bốn năm cho một công ty du lịch. Cuộc sống ở TP lớn sôi nổi hơn, đi đây đi đó nhiều, lương cao gấp 3-4 lần hiện nay nhưng Tâm chọn ở lại rừng, một nơi chỉ có cây cối và những tiếng chim hót chỉ vì rất yêu rừng.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên