Sau hơn 25 năm, tình cờ tôi gặp lại Quang. Em chào và hỏi tôi có nhận ra em không? Tôi bảo có, phải nói nhớ rất nhiều chuyện về em. Bởi Quang gần như là... học sinh cá biệt với những trò đánh lộn, quậy phá, trốn học.
Nói chuyện một hồi, Quang kể: "Không biết thầy còn nhớ khi gần tết Trung thu, thầy cho cả lớp làm lồng đèn ngôi sao. Em làm lồng đèn dán giấy kiếng màu đỏ, năm góc ngôi sao có quấn chùm giấy kiếng đủ màu sắc sặc sỡ.
Thầy chấm 10 điểm khen em rất khéo tay vì vuốt nan đều, dán giấy kiếng không bị nhăn, bị chùng. Thầy còn bảo em phụ các bạn khác làm cho xong của các bạn".
Rồi Quang thật tình nói: "Em nào giờ mang tiếng học dở, thường bị thầy cô la rầy, chưa có lần nào được 10 điểm. Hôm ấy lần đầu em được thầy chấm môn thủ công 10 điểm em mừng lắm. Thầy còn động viên em các môn học khác cố gắng thế nào cũng được điểm 10 cho coi".
Từ đó tôi thấy Quang cố gắng học, ít bày trò quậy phá. Sau 25 năm, thầy trò gặp lại. Quang kể em học lớp 9 thì ngoại mất phải nghỉ ở nhà trông coi ruộng vườn, nhà cửa. Trong xóm ai mướn gì em làm đó.
"Có lúc buồn nghĩ tương lai của mình, em nhớ trong đời học sinh có lần thầy khen em khéo tay khi làm đèn ngôi sao nên thử xin theo học nghề mộc. Học nghề tương đối thành thạo, em mở trại mộc nho nhỏ gần nhà đóng bàn ghế, tủ giường, cửa nhà cho bà con trong xóm...
Không sợ thất nghiệp vì có công việc làm thường xuyên, thu nhập đủ nuôi gia đình một vợ hai con. Nhờ điểm 10 thầy chấm, khen em khéo tay mà giờ em mới được như thế này. Em cảm ơn thầy" - Quang kể thêm.
Nghe câu chuyện em kể tôi cứ nghĩ chẳng lẽ chỉ có lời khen động viên nho nhỏ như vậy, và điểm 10 tôi chấm từ sản phẩm em làm mà bây giờ em xoay chuyển được cả cuộc đời. Nhưng thật sự đúng là có câu chuyện như thế.
Tôi mong rằng thầy cô khi dạy học sinh - dù là cá biệt - vẫn có cái để khen, để biểu dương. Điều đó rất cần thiết. Đừng ác cảm mà không thấy được sự tiến bộ của học trò, thiệt thòi cho các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận