19/07/2022 20:27 GMT+7

Từ 25-8: Hộ gia đình không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Từ 25-8: Hộ gia đình không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng - Ảnh 1.

Rác thải sinh hoạt ở Hà Nội vẫn đang được thu gom lẫn lộn - Ảnh: Q.THẾ

Đó là nội dung được quy định tại điều 26, nghị định 45 của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-8. Nghị định này thay thế nghị định 155 năm 2016 và nghị định 55 năm 2021.

"Cần tuyên truyền sâu rộng sau đó mới tiến hành xử phạt"

Chiều 19-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Đặng Kim Chi - chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết phải xem rác thải là tài nguyên và việc phân loại rất cần thiết để tái chế, xử lý, bảo vệ môi trường.

Theo bà Chi, nếu trong thời gian tới các địa phương tiếp tục đầu tư công nghệ tiên tiến thì rác sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành khác như: điện, nguyên vật liệu tái chế, phân bón… Đồng thời giúp giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp, đổ ra môi trường mỗi ngày như hiện nay.

"Để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn cần thực hiện đồng bộ từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý… để rác không bị trộn lẫn vào nhau. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội từng thí điểm phân loại rác tại nguồn tuy nhiên hiệu quả không cao do chưa đồng bộ", bà Chi nói.

Từ 25-8: Hộ gia đình không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng - Ảnh 2.

Phòng thu gom rác ở một khu chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lắp cả điều hòa để hạn chế mùi hôi, thu gom thành 2 thùng chứa riêng biệt rác vô cơ và hữu cơ - Ảnh: QUANG THẾ

Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên, giám đốc một công ty môi trường ở Hà Nội cho biết ủng hộ quy định hộ gia đình không phân loại rác thải sẽ bị xử phạt, tuy nhiên theo vị này thì cần phải tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ và xem rác thải như nguồn tài nguyên, sau đó mới tiến hành phạt tiền.

"Phân loại giúp cho công nhân thu gom dễ dàng hơn, mang lại giá trị kinh tế vì nhiều loại rác có khả năng tái chế cao, làm phân bón, điện rác... Thực tế hiện nay một số khu đô thị trên địa bàn chúng tôi chịu trách nhiệm thu gom đã phân loại, tuy nhiên khâu xử lý cuối cùng thì vẫn chôn lấp lẫn lộn, rác vô cơ, hữu cơ, tái chế đều như nhau…", vị này cho biết thêm.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy tại nhiều khu đô thị mới, chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà chung cư đã áp dụng phân loại rác thành 2 thùng chứa: vô cơ và hữu cơ. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, không ít công nhân môi trường mong muốn cần thúc đẩy phân loại rác giúp thu gom thuận lợi hơn.

Khu đô thị không thu gom chất thải từ hộ gia đình sẽ bị phạt tới 300 triệu đồng

Cũng tại điều 26, nghị định 45 quy định, cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường sẽ bị phạt từ 20 - 25 triệu đồng.

Phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối với chủ dự án, ban quản lý khu đô thị không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn và không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Ngoài ra cũng tại điều 25 của nghị định này quy định sẽ phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung có hành vi vi phạm như: không có mạng lưới thoát nước mưa, nước thải riêng biệt và không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm, và chất thải rắn sinh hoạt khác.

UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Từ ngày 1-1-2022, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực.

Đốt rác phát điện: quá chậm Đốt rác phát điện: quá chậm

TTO - Khởi công vào cuối năm 2019 nhưng các dự án nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Tương tự, tại Hà Nội cũng chung cảnh ngộ.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên