08/09/2024 16:50 GMT+7

Truyện ngắn trên báo: Gợi nhớ một thời vang bóng

Bây giờ mở trang báo Tuổi Trẻ số chủ nhật, thi thoảng lại thấy… thiếu thiếu. Sự thiếu vắng vì một mục tồn tại đã lâu, mấy năm nay không còn nữa.

Gợi nhớ một thời vang bóng - Ảnh 1.

Lâu dần thành quen, truyện ngắn trên báo cũng giống như cách ca sĩ thể hiện đoạn kết của một bản boléro: lặp lại, nhỏ dần, rồi chấm dứt.

Có lẽ thời hoàng kim của truyện ngắn trên báo đã qua.

Giờ vẫn còn một số báo đăng truyện ngắn. Nhưng tính phát hiện hoặc tạo được ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc thì không nhiều.

1. Nếu là độc giả lâu năm của báo Tuổi Trẻ, hẳn nhiều quý vị còn nhớ mục truyện ngắn đăng số chủ nhật, từng có thời thu hút nhiều cây bút thử sức mình trong khuôn khổ 1.200 chữ vừa khéo mà vẫn viết ra tác phẩm ưng ý.

Sự biến mất của mục truyện ngắn trên báo Tuổi Trẻ gợi nhớ hình thức tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ, phơi-dơ-tông (feuilleton) trên báo chí nước nhà.

Ở thời thịnh, có khi một nhà văn viết vài feuilleton cùng lúc cho nhiều báo khác nhau là chuyện bình thường.

Nhưng rồi thời gian dần trôi, feuilleton cũng không trống không kèn biến mất khỏi các mặt báo. Có lẽ giờ đây, truyện ngắn trên các báo cũng sẽ rơi vào tình trạng đó.

Còn nhớ lần đầu tiên truyện ngắn Tướng về hưu xuất hiện chính là trên một tờ báo văn nghệ. Ngay sau đó, như chia sẻ của nhà báo Nguyễn Trọng Chức, biết bạn đọc phía Nam muốn đọc truyện ngắn này, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) đã đăng lại Tướng về hưu.

Được lời mời cộng tác của Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi thêm nhiều truyện ngắn như Chảy đi sông ơi, Trương Chi, Những người thợ xẻ… - những tác phẩm đặc sắc trong sự nghiệp của ông.

Hay như trường hợp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận. Truyện này in trên báo Văn Nghệ vào tháng 9-2005, đến tháng 11 cùng năm, Tuổi Trẻ đăng lại thành sáu kỳ.

Từ đó đến nay cũng gần 20 năm, chưa có một hiện tượng văn chương tạo dấu ấn tương tự.

2. Tuy không chuyên biệt mảng văn nghệ, nhưng nhiều tờ báo theo đuổi dòng thời sự vẫn kịp thời giới thiệu đến bạn đọc những hiện tượng văn chương, các tác phẩm đặc sắc, đang gây dư luận trong đời sống văn hóa.

Tờ báo trở thành nơi một tác giả nghĩ đến đầu tiên khi muốn công bố sáng tác mới của mình.

Dù không công nhận chính thức, truyện ngắn xuất hiện trên báo chí thường vào số cuối tuần. Nhiều cây bút đã bước ra từ những cuộc thi truyện ngắn các báo tổ chức. Trong đó không ít tác giả vẫn còn bền bỉ với văn chương đến hôm nay.

Cái khó của truyện ngắn khi đăng báo là dung lượng phải tương thích với trang. 

Viết ngắn thì không đủ ý, viết dài cũng không thể đăng nhiều kỳ. Vô hình trung, sáng tạo của tác giả bị bó hẹp trong khuôn khổ.

Khuôn khổ ấy càng hẹp hơn để phù hợp với thị hiếu của một tờ báo đại chúng. Nghĩa là không nên quá phá cách, câu chuyện phải dễ hiểu, dễ chịu, ngôn từ phải chuẩn mực...

Bao nhiêu cái gạch đầu dòng đó khiến cho truyện ngắn đăng báo thành ra thiếu tính thể nghiệm mà quẩn quanh trong vùng an toàn. 

Và nhất là trong thời buổi đeo đuổi lượt xem như hiện nay, truyện ngắn trên các báo không chuyên biệt mảng văn hóa văn nghệ thường có lượng độc giả thấp nhất.

3. Cái tất yếu khi không còn nhiều độc giả, những truyện ngắn từ đặc sản trở thành lạc lõng trên báo. Người đọc truyện ít dần đi, thậm chí vắng bóng truyện ngắn cũng hiếm ai để ý.

Hình thức feuilleton, thơ và giờ là truyện ngắn lần hồi biến mất dần trên các mặt báo hoặc nếu duy trì cũng như thói quen. Vị thế cũ không còn, thời buổi nghe nhìn, nội dung ngắn, nhanh, khi mà người ta cố tóm tắt bộ phim truyền hình nhiều tập vào chiếc video mấy phút đăng trên mạng.

Ít ai dành thời giờ thưởng thức một truyện ngắn hay, ưu tư trước một câu tâm đắc, hay lặng đi trong cái vui buồn của nhân vật, câu chuyện trên trang báo ngày cuối tuần. Cái thi vị thưởng thức sự nhàn nhã chậm rãi của đời sống đã mất đi.

Sự biến mất này lúc đầu còn gây ngờ ngợ, giờ là quen. Truyện ngắn đến lúc tìm phương thức thích hợp để đến với bạn đọc giữa buổi vội vàng, khi tin tức còn phải tranh nhau đứng trên tờ báo in giữ chân những bạn đọc còn tin vào giấy mực.

Báo Tuổi Trẻ sắp kỷ niệm 50 năm vào năm 2025. Trộm nghĩ, hay là nhân buổi vào đời nửa thế kỷ, báo dựng lại mục truyện ngắn. Hoặc tổ chức một cuộc thi viết truyện ngắn. Có lẽ chẳng cần to tát đâu, nhưng chí ít cũng gợi nhớ một thời vang bóng.

Gợi nhớ một thời vang bóng - Ảnh 2.Đã phát hành Đặc san Tuổi Trẻ 2-9 và câu chuyện 30 năm hội nhập

30 năm để nhìn lại khách quan: hội nhập đáng mừng hơn đáng lo. Khi bước vào sân chơi toàn cầu, Việt Nam phải tiếp tục nhập cuộc sâu rộng để đất nước phát triển ngày càng thịnh vượng!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên