01/02/2012 05:51 GMT+7

Truyền lửa Trường Sa

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)

TT - Tôi cũng như phần lớn học trò chưa may mắn một lần được đặt chân đến Trường Sa, vậy mà tôi lại lấy ví dụ về Trường Sa trong bài giảng “Ý chí” của mình.

Có người cho rằng sẽ khó hình thành niềm tin cho người học khi mà các minh họa của tôi dựa trên những tài liệu, sách vở, phim tư liệu, qua các câu chuyện chiến đấu về quần đảo thiêng liêng này.

Vậy mà các học trò của tôi lại rất hào hứng với bài giảng này, có lẽ nhờ đó những chiến sĩ của tôi thấu hiểu và họ thật sự muốn được trải nghiệm tại Trường Sa. Họ đã tranh luận sôi nổi các câu hỏi trong bài giảng, đó là: Hãy nêu lên một số ví dụ về sự dũng cảm của các lính đảo Trường Sa trong lịch sử? Hình ảnh các lính đảo Trường Sa có phải là những biểu tượng về ý chí con người hay không? Vậy ý chí được hình thành từ đâu? Hình thành như thế nào?...

Để các em hiểu thêm về Trường Sa và có thể nắm vững nội dung bài học, tôi nhấn mạnh: Đó là những người lính mà ý chí của họ đã được tôi luyện qua những thử thách khắc nghiệt nhất.

Trong lịch sử, hình ảnh 64 anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hi sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa” năm 1988 đến phút cuối nhưng vẫn quyết tâm bám đảo, tấm gương thiếu úy Trần Văn Phương với câu nói nổi tiếng: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng hải quân anh hùng” là một biểu tượng về ý chí sáng ngời của người lính.

Tôi dừng lại vài giây rồi tiếp tục: Những người lính Trường Sa có được ý chí phi thường này bởi họ hiểu rõ về chủ quyền biển đảo, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Lòng yêu nước và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các anh sẽ lên cao bất kỳ lúc nào, tinh thần đó luôn được tôi luyện, rèn giũa để kết thành sức mạnh phi thường sẵn sàng đối phó với kẻ thù có âm mưu gây hấn, xâm lược. Ngày nay, không kể ngày hay đêm, các chiến sĩ Trường Sa vẫn đứng hiên ngang giữa sóng cồn bão dạt để canh giữ giữa biển khơi.

Đến đây các học trò của tôi dường như đều cảm nhận được những nội dung mà tôi muốn truyền đạt. Những ánh mắt và niềm xúc động biểu hiện rõ trên khuôn mặt từng chiến sĩ trẻ. Kết thúc buổi học, các em bày tỏ nguyện vọng của mình là khao khát cháy bỏng được làm lính đảo Trường Sa, đó cũng là thể hiện phẩm chất của người lính thời bình cũng như thời chiến: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lúc này tôi lại nhớ đến câu nói của nhà giáo dục A.X. Makarenko: Muốn trở thành người dũng cảm thì hãy để anh ta trong môi trường có thể bộc lộ lòng dũng cảm.

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên