19/05/2007 05:54 GMT+7

Truy tìm... "thần dược"

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Lần theo thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng, chúng tôi lên đường sang Campuchia để tìm hiểu thực hư về nguồn gốc “thần dược”. Thâm nhập nơi sản xuất “thần dược”, chúng tôi quá đỗi bất ngờ.

HWZEd08D.jpgPhóng to

Ở Campuchia, mỗi khi đau bệnh, người dân nghèo thường ra chợ mua các loại thuốc này để về uống. Theo bác sĩ Heng Sovanna Rith - phó giám đốc Bệnh viện Cảnh sát (CPC), đây là nguyên nhân dẫn đến biến chứng nặng hơn vì nhiều loại thuốc được pha chất kích thích - Ảnh: M.L.

TT - Lần theo thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng, chúng tôi lên đường sang Campuchia để tìm hiểu thực hư về nguồn gốc “thần dược”. Thâm nhập nơi sản xuất “thần dược”, chúng tôi quá đỗi bất ngờ.

Kỳ 1: Thần dược... cứu nhân vật?!

Gặp “thần y”

Tối 14-5, vừa đặt chân đến Phnom Penh, chúng tôi gọi ngay vào số điện thoại in trên tờ hướng dẫn và xin hẹn gặp thầy thuốc Kheng KimSam. Giọng một phụ nữ cho biết thầy không có nhà và hẹn gặp vào sáng hôm sau.

Sáng 15-5, chúng tôi tìm đến địa chỉ 114 Eo, đường 247, phường Bâng SroLang, quận Toul Kok (Phnom Penh). Sau một lúc gọi cửa, một thanh niên thò đầu ra. Tôi đưa tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và nhờ người phiên dịch giải thích rằng tôi cần gặp thầy Kheng KimSam để mua thuốc và chữa bệnh vì trong tờ hướng dẫn có ghi “Yêu cầu bà con đến nhà tôi dùng thuốc mới có thuốc thiệt”. Nghe xong, người này cho biết thầy đã... đi vắng. Chúng tôi... thất vọng và nói rằng ở VN thuốc của thầy rất nổi tiếng nên phải lặn lội sang tận đây để mong gặp thầy, ngoài chữa bệnh còn mua một lượng lớn thuốc để về VN bán lại.

Sau một hồi phân vân, anh này nói rằng: “Sáng ngày mai cứ gọi, nếu thầy có ở nhà thì đến gặp”. Sáng 16-5, lại giọng người phụ nữ hôm trước nghe máy, bà này nói thầy đang có nhà và đồng ý để chúng tôi đến gặp.

Tiếp chúng tôi là một phụ nữ ngoài 30 tuổi, tên Kheng SyNeang. Bà tự nhận mình là người bào chế ra “thần dược” này. Chúng tôi ngạc nhiên vì theo tờ hướng dẫn, người bào chế thuốc là ông Kheng KimSam chứ không phải bà! Bà Kheng cười khùng khục: “Ông ấy là chồng tôi. Tôi chỉ để tên ổng vì ổng làm trong quân đội. Tôi mới là người bào chế ra thuốc này theo bí quyết gia truyền”.

Chúng tôi nói rằng ở VN, thuốc của bà bán rất chạy, người ta đua nhau mua về uống nhưng không biết phải mua ở đâu và rất hiếm. Vì vậy, chúng tôi muốn sang đây ký hợp đồng phân phối thuốc tại VN. Bà Kheng lại cười tít mắt, khoe: “Thuốc này tôi làm chủ yếu bán qua VN mà, mỗi ngày bán khoảng 5.000 -6.000 bịch, nếu anh mua số lượng lớn thì tôi giảm giá cho”. Tuy nhiên “thần y” Kheng thoái thác rằng chưa muốn mở đại lý ở nước ngoài, nếu muốn mua về VN bán thì cứ đến đây mà mua, còn bán thế nào thì tùy.

Trong lò luyện “thần dược”

BWHGwlTE.jpgPhóng to
“Thần y” Kheng SyNeang - người tự nhận mình đã bào chế ra “thần dược” theo phương pháp gia truyền - Ảnh: M.L.

Chúng tôi nói muốn mở đại lý ở VN và yêu cầu bà cung cấp cho chúng tôi những giấy tờ liên quan như giấy phép sản xuất, giấy chứng nhận của ngành y tế, bằng cấp... Bà Kheng đưa ra một “tấm bằng” có hình của bà.

Ông Than Sokun, người phiên dịch của chúng tôi, cho biết đó không phải là bằng cấp y học mà chỉ là một giấy chứng nhận tay nghề do ban đánh giá nghề nghiệp quận cấp cho những người có... công ăn việc làm. Thấy chúng tôi hỏi nhiều về bằng cấp, giấy phép, bà Kheng tỏ ra khó chịu.

Để tìm hiểu thêm về “thần y” Kheng, chúng tôi ghé vào ủy ban phường Bâng SroLang. Anh VuThy, một cán bộ phường, cho biết bà Kheng SyNeang (sinh 1968), nghề nghiệp khai là... ở nhà nội trợ!? “Không có lương y nào tên như thế” - VuThy nói. Xem những gói thuốc của “thần y”, anh cười lớn và nói ở phường này người ta làm thuốc nam như bà Kheng nhiều lắm, không cần ai cấp phép.

Tại nhà bà Kheng, phía trước phòng khách có hai thanh niên đang đóng gói thành phẩm thuốc, từng bịch thuốc được chất đống chờ vô bao tải để xuất đi. Trên căn gác lửng, ba cô gái khác đang lấy muỗng múc thuốc đổ vào từng gói nilông nhỏ rồi hơ lướt qua ngọn đèn dầu để hàn miệng. Phía sau gần nhà vệ sinh, nhà bếp và sàn nước, ba bốn người khác đang miệt mài xay, giã, trộn.

Ở phía nhà sau, trên nền nhà ẩm thấp nhiều loại cây cỏ khô được chất đống. Một thanh niên cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại đang cho tất cả các loại rễ cây, củ quả vào một chiếc máy quay tay. Phía bên trên sàn nước, nhiều tấm bạt nilông được căng ra để phơi cơm nguội, gạo rang. Số cơm nguội, gạo rang này cũng được đổ chung vào máy để xay nhuyễn như bột.

Xay xong hỗn hộp này, người ta đổ ra một cái thau nhôm lớn. Một cô gái dùng cái rây bột rây nhuyễn, rồi dùng tay không bóp, trộn chung với phẩm màu. Từng thau “thần dược” chưa thành phẩm được đựng trong những chiếc thau lớn để khắp sàn nhà và cả trong... nhà vệ sinh.

Đường đi của... “thần dược”

Tại nơi sản xuất “thần dược”, bà Kheng chào giá bán mỗi bịch là 1.000 ria (tương đương 40.000 đồng). Trong khi đó, tại VN mỗi bịch thuốc này được bán cho đại lý cấp một với giá 95.000 đồng, còn đến tay người bệnh giá thuốc này vọt lên 150.000 - 200.000 đồng.

Chính vì thế, không khó để hiểu vì sao dân buôn chuyến từ VN sang ráo riết lùng mua thuốc này để chào bán. Theo ông Than Sokun - chủ bút một tờ tạp chí có tiếng ở Campuchia, trong khoảng gần một năm trở lại đây nhiều dân buôn ở VN đã chuyển từ buôn các mặt hàng phụ tùng ôtô, điện tử sang buôn... “thần dược” vì lợi nhuận quá cao.

Đường đi của “thần dược” rất đơn giản: những người buôn chuyến từ VN sang sau khi bỏ hàng xong thì mua “thần dược” đóng vào bao tải chở về VN. Theo anh Trần Thành Anh - một Việt kiều ở đại lộ Monivong, chính anh cũng nhiều lần được những người bạn nhờ mua “thần dược” số lượng lớn để họ chở về VN theo ngõ Châu Đốc (An Giang). Đứng đầu trong số những người đưa “thần dược” về miền Tây phải kể đến một người tên N., nhân viên một hãng tàu cao tốc chạy tuyến Châu Đốc - Phnom Penh.

(Còn tiếp)

Nghiêm cấm buôn bán, sử dụng thuốc “Dân tộc cứu nhân vật”!

TT (Hà Nội) - “Nghiêm cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng, nhập khẩu thuốc Dân tộc cứu nhân vật, do thuốc này chưa được Cục Quản lý dược VN cấp phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sử dụng tại VN” - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vừa có văn bản yêu cầu như trên.

Theo Cục Quản lý dược, thuốc Dân tộc cứu nhân vật (dạng bột, đóng trong túi nilông kèm theo hướng dẫn bằng tiếng Việt và Campuchia, số điện thoại và địa chỉ ở số 114 Eo, đường 247, phường Bâng SroLang, Phnom Penh) đang lưu hành trái phép tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, TP.HCM... Ông Quang yêu cầu các địa phương khẩn trương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được nhập khẩu, buôn bán và sử dụng loại thuốc này, rà soát ngăn chặn ngay việc nhập lậu và báo cáo về Cục Quản lý dược VN trước 31-5-2007.

Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Ngọc Nga cũng đã ký văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh không kinh doanh, sử dụng loại thuốc này, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán thuốc trái phép.

Đủ thứ... “thần dược” (!)

Không chỉ có một loại thuốc “dân tộc cứu nhân vật” mà quá trình điều tra chúng tôi đã phát hiện có tới cả chục loại “thần dược” khác nhau đều được giới thiệu là thuốc “thần tiên”, “thần y” chuyên trị bá bệnh và làm cho sinh lực dồi dào. Chúng đều có chung xuất xứ từ Campuchia.

Tại chợ thị trấn Tịnh Biên (An Giang), vừa hỏi tới thuốc “dân tộc cứu nhân vật”, nhiều người đã vây lấy chúng tôi chào hàng. Một phụ nữ bán... mỹ phẩm lôi từ trong quầy hàng của mình ra hai túi thuốc có nhãn chi chít chữ Campuchia, liến thoắng: “Cần mua bao nhiêu, loại nào cũng có”. Cô này cho biết loại có nhãn in hình một củ sâm giá 50.000 đồng/túi và loại có hình hai củ sâm giá 70.000 đồng/túi.

Thấy chúng tôi có vẻ tần ngần, chủ hàng bèn giới thiệu thêm vài loại “thần dược” khác trên nhãn có ghi dòng chữ “thuốc thần tiên” bằng tiếng Việt. Loại thuốc con cờ (viên giống con cờ lô tô) trị bá bệnh, đặc biệt trị các bệnh mãn tính, giá 80.000 đồng/túi. Loại thuốc Tề Thiên (bên ngoài bao bì có in hình Tề Thiên) công dụng cũng tương tự giá 75.000 đồng. Tất cả cũng đều đựng trong túi nilông ép sơ sài.

Tại chợ cửa khẩu Long Bình (An Phú) và khu du lịch Núi Sam (thị xã Châu Đốc), ngoài những thứ “thần dược” nói trên, nhiều thứ thuốc Campuchia tương tự cũng được tiếp thị chào bán với du khách. Nhiều chủ hàng khác giới thiệu mấy loại “thần dược” có tên “thần y” đặc trị ung thư, xơ gan, bại liệt, yếu tim... mà phần lớn nhãn không ghi tiếng Việt.

Nhìn những viên thuốc thô như... hạt bắp, chúng tôi cảm thấy... ơn ớn. Loại thuốc Tề Thiên viên không đồng đều, méo mó, chứng tỏ người làm không hề biết tí gì về kỹ thuật làm viên hoàn. Thuốc con cờ có viên tròn viên méo do được nặn bằng tay, dễ vỡ vụn.

Có mặt tại một số chợ tập kết hàng lậu dọc bên kia biên giới như Tonhol, Thamau, Thalot, Omsano... chúng tôi thấy thuốc được đựng sơ sài trong bao, nằm lăn lóc ra đất. Từ đây “thần được” tỏa về các chợ dọc biên giới của An Giang.

“Thần dược” được tiêu thụ mạnh nên bắt đầu xuất hiện “thần dược” giả. Khi chúng tôi tìm hiểu về việc sản xuất “thần dược” giả, nhiều người trong nghề cười bảo: “Thần dược cái nỗi gì! Tân dược Thái Lan pha trộn vào thuốc tán, cho thêm vài loại dược liệu, chứ có gì khó”. Theo họ, tác dụng trị đau nhức, kích thích thèm ăn, làm tăng cân, mập ra là do tác dụng của tân dược. Những loại tân dược thường sử dụng là ciproheptadine (kích thích thèm ăn), dexamethason (nhóm corticoide), ngoài ra cho thêm thuốc tăng trọng thuộc nhóm testosteron dùng tăng trọng trong chăn nuôi. Bởi vậy người dùng thuốc ban đầu cảm thấy buồn ngủ, thèm ăn và sau đó thấy bớt các chứng đau nhức, mập ra. Những loại tân dược này do Thái Lan sản xuất (lon 500-1.000 viên) đều có giá khá rẻ.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên