27/05/2024 12:23 GMT+7

Trưởng khoa làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường là người đa tài, tốt cho trường?

Thêm một trưởng khoa của trường đại học lớn ở TP.HCM bị tố làm giám đốc nhiều doanh nghiệp ngoài trường, đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

TS Huỳnh Trọng Hiền - trưởng khoa Nhật Bản học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM và PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương TP.HCM - bị tố làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường - Ảnh T.T.

TS Huỳnh Trọng Hiền - trưởng khoa Nhật Bản học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM và PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương TP.HCM - bị tố làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường - Ảnh T.T.

Liên quan vấn đề này, hiện đang có cuộc bàn luận sôi nổi, với nhiều người cho rằng trưởng khoa làm doanh nghiệp là người đa tài, tốt cho trường, nhưng không ít ý kiến nói điều này xung đột lợi ích.

Pháp luật không cho phép trưởng khoa làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường

Cần xác định rõ ngay, để bổ nhiệm một người giữ chức vụ lãnh đạo khoa ở trường đại học công lập thì bắt buộc người đó phải là viên chức.

Luật Viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng và cả Luật Doanh nghiệp hiện quy định rõ viên chức không được tham gia giữ các chức vụ quản lý hoặc người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Theo chuyên gia pháp luật, sở dĩ có quy định trên vì viên chức làm theo hợp đồng làm việc cho đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ công. Khi đã chọn làm viên chức (chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, làm việc cho đơn vị của Nhà nước) thì giảng viên phải tuyệt đối chấp hành pháp luật, tận tụy với công việc chuyên môn.

Thực tế không ít người đang nhầm lẫn vai trò của "giảng viên doanh nhân" với cán bộ viên chức lãnh đạo một khoa ở trường đại học mở công ty tư nhân, trực tiếp điều hành doanh nghiệp ngoài trường.

Pháp luật cho phép viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian của hợp đồng làm việc, được ký hợp đồng vụ việc với các cơ quan tổ chức đơn vị, được góp vốn vào doanh nghiệp nên giảng viên vẫn có thể phát triển chuyên môn qua gắn bó thực tiễn.

Việc giảng viên có hoạt động, quan hệ doanh nghiệp tốt hoàn toàn khác với lãnh đạo khoa trực tiếp điều hành doanh nghiệp của chính mình ngoài trường.

Nhiều xung đột lợi ích khi trưởng khoa trực tiếp điều hành doanh nghiệp

Khi đã là người quản lý chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của cả một doanh nghiệp thì rõ ràng xuất hiện nguy cơ gây xung đột lợi ích, khó có thể đảm bảo được việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của viên chức.

Nếu không phải là trưởng khoa ở một trường đại học lớn thì chắc gì được doanh nghiệp bên ngoài mời làm việc với vai trò quản lý ở công ty? Trưởng khoa của một trường đại học công lập, mở công ty có ngành nghề kinh doanh gần với công tác chuyên môn của mình ở trường có thể thuận lợi hơn trong việc tạo uy tín cho cá nhân và doanh nghiệp của mình.

Nhiều người còn nhận định một trưởng khoa giữ nhiều chức, làm nhiều việc là đa tài, giỏi toàn diện. Nhưng thực tế, có những "trưởng khoa giám đốc, một chân đạp hai xuồng", bị giảng viên và người học tố đủ thứ: giới thiệu sinh viên sử dụng dịch vụ của công ty mình, tuyển dụng nội bộ, đưa nhân viên, giảng viên khoa vào làm cùng công ty…

Như vậy rõ ràng gây xung đột lợi ích, nhà trường và cả người học hoàn toàn không có lợi gì. Việc trưởng khoa làm chủ cả chục công ty làm sao còn thời gian, tâm huyết để làm việc cho khoa ở trường?

Cũng có không ít ý kiến cho rằng sinh viên thường hào hứng khi học giờ các giảng viên thỉnh giảng là người của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn khác với một viên chức trưởng khoa ở một trường đại học (thường phải bận rộn với rất nhiều công việc của khoa: quản lý khoa, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, hợp tác doanh nghiệp...), phải toàn tâm toàn ý mới làm tốt vai trò của mình.

Những vị trưởng khoa "người ở trường mà tâm hồn ngoài doanh nghiệp" làm sao quản lý, dạy tốt và có thể làm tròn trách nhiệm của một trưởng khoa?

Thực tế, Luật Giáo dục đại học 2018 đã cho phép cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp, công ty nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế. Nếu lãnh đạo khoa ở các trường là người đa tài, giỏi toàn diện, hoàn toàn có thể xây dựng đề án thành lập công ty thuộc trường để tránh các xung đột lợi ích và ảnh hưởng đến công tác, nhiệm vụ chuyên môn.

Trên thế giới, một số đại học có thể có tới hàng chục, thậm chí cả trăm doanh nghiệp trực thuộc.

Bạn có ý kiến gì việc trưởng khoa làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường? Có ý kiến cho rằng người giỏi cứ để họ phát huy, bạn nghĩ sao? Mời bạn gửi ý kiến đến giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc để lại bình luận dưới bài.

Trưởng khoa có ‘thực tài’ mới làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường?Trưởng khoa có ‘thực tài’ mới làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường?

Mặc dù pháp luật hiện nay không cho phép nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều trưởng khoa, giảng viên là giám đốc doanh nghiệp để dạy tốt hơn, vì phải có thực tài mới làm được vậy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên