22/07/2017 11:19 GMT+7

Trường dạy làm bánh dân gian

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Gần ba tuần nay, cổng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bạc Liêu (Bạc Liêu) sôi động hẳn lên, tấp nập người mua bán.

Cô giáo đang hướng dẫn học sinh làm bì cuốn - Ảnh: T.Trang
Cô giáo đang hướng dẫn học sinh làm bì cuốn - Ảnh: T.Trang

Gần 50 loại bánh như bánh đúc, bánh xèo, bánh chuối, bánh khoai mì, bánh canh, bánh lọt, xôi, bánh da lợn, bánh củ cải, bánh tằm bì... đều được chế biến từ bàn tay khéo léo của thầy cô và học sinh ở trường.

Lấy lại gốc bánh xưa

Ý tưởng mở gian hàng bánh dân gian của người miền Tây khởi nguồn từ thầy Trần Công Chánh, hiệu trưởng nhà trường.

Thầy Chánh nói đi nhiều nơi, thấy nhiều chỗ có làng ẩm thực của địa phương rất thu hút khách, trong khi vùng của mình có hàng trăm loại bánh rất ngon làm bằng vật liệu có sẵn trong tự nhiên, nhưng bây giờ muốn ăn phải tìm “đỏ mắt” mà vẫn không có.

Đích thân thầy lặn lội đến nhiều vùng quê, gặp những người có tuổi biết làm bánh để nhờ hướng dẫn cách làm bánh đúng chuẩn dân gian, tất cả đều làm bằng tay, nguyên liệu thiên nhiên, không dùng bất kỳ phẩm màu hay hóa chất nào cả.

Vậy là đội ngũ hơn 20 giáo viên của trường luân phiên nhau nấu nướng. Ai không có tiết dạy thì hôm đó bắt tay nhào bột, nướng bánh, nấu rau câu, đổ bánh xèo, cuốn gỏi cuốn, đong nếp nấu xôi... Còn học sinh lại là những phụ bếp cũng thạo nghề không kém thầy cô, từ sơ chế đến phục vụ khách.

Thầy trò cùng làm, miễn sao mỗi ngày thực đơn có hơn 50 loại bánh phục vụ khách hàng, rồi vài ba ngày lại thay món khác, đổi khẩu vị.

Ấp ủ làng bánh Nam Bộ

Ông Trần Văn Huấn - phó trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu - tỏ vẻ thích thú khi đến gian hàng của trường.

“Vậy là mai mốt mỗi khi nhớ bánh quê là tôi có nơi để thưởng thức rồi. Mấy bữa nay tôi ghé ăn mỗi ngày một món, ngon đúng điệu bánh trên các xịa (mâm - PV) bánh của các bà, các mẹ ngày xưa đội đầu bán dạo” - ông Huấn nói.

Cô Nguyễn Thị Kim Thi - chủ tịch công đoàn trường - cho biết: “Trường có một trang trại phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của học sinh. Phần lớn học sinh ở trường theo học các ngành chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật công nghệ, nên có thể hỗ trợ nhau trong việc cung ứng nguyên liệu sạch từ trang trại để làm bánh”.

Còn theo thầy Chánh: “Lợi nhuận ở đây không phải đồng tiền, mà là học sinh của trường có được đầy đủ kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, cách làm bánh, bán hàng; còn thầy cô lại được dịp thấu hiểu nhau hơn”.

“Thư thả một thời gian xem hiệu quả đến đâu, rồi tôi sẽ xin lãnh đạo để trường được mở làng bánh dân gian Nam Bộ, vừa phục vụ thực khách, vừa trình diễn cách làm bánh truyền thống, để du khách gần xa có dịp thưởng lãm” - thầy Chánh tâm tình.

Facebook bánh cũng đắt hàng

Cô Nguyễn Thị Kim Thi cho biết song song bán hàng trực tiếp, trường còn tạo trang Facebook giới thiệu các loại bánh thầy cô làm mỗi ngày, để người mua có thể đặt hàng trước, học sinh sẽ giao hàng tận nơi.

“Từ ngày quảng cáo bánh trên Facebook, có rất nhiều người tin tưởng đặt bánh cho đám tiệc, nhất là những ngày rằm. Hôm nào thầy cô và học sinh cũng túi bụi làm, cực nhưng vui lắm” - cô Thi nói.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên