08/09/2022 17:25 GMT+7

Trước ngày bị phạt nặng, nhiều cổ phiếu 'họ FLC' tăng kịch trần

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Bất chấp ngày mai 9-9 các 'án phạt' chính thức có hiệu lực, phiên hôm nay 8-9 giới đầu tư lại chứng kiến cú lội ngược dòng của các cổ phiếu 'họ FLC' khi đồng loạt đổi sang màu tím - tăng trần.

Trước ngày bị phạt nặng, nhiều cổ phiếu họ FLC tăng kịch trần - Ảnh 1.

Trong khi ngay ngày mai cổ phiếu FLC, HAI bị đình chỉ giao dịch, thì hôm nay các mã này và nhiều thành viên khác trong "họ FLC" vẫn tăng trần - Ảnh: B.MAI

Trái ngược với cảnh bị bán tháo trong nhiều phiên trước, phiên giao dịch hôm nay 8-9 các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC gây chú ý khi đồng loạt đổi sang sắc tím. 

Trừ 2 thành viên là ROS (Xây dựng FLC Faros) đã bị hủy niêm yết và GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) ít khi giao dịch, phiên hôm nay có tới 5/7 thành viên còn lại trong họ "FLC" tăng trần. 

Cụ thể là HAI (Nông dược H.A.I, giá 1.580 đồng/cổ phiếu), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone, giá 2.250 đồng/cổ phiếu), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS, giá 2.300 đồng/cổ phiếu), FLC (Tập đoàn FLC, giá 3.570 đồng/cổ phiếu) và ART (Chứng khoán BOS, giá 4.000 đồng/cổ phiếu). 

Dù vậy so với giá đỉnh đã lập vào hồi đầu năm nay, trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng cổ phiếu, sau đó bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư chứng khoán, thì đến nay cổ phiếu "họ FLC" đã bị giảm tới 80% giá trị. Kể cả không mua trúng đỉnh, nhiều nhà đầu tư vẫn cần rất nhiều phiên tăng trần khác nữa mới gỡ lại vốn.

Việc tăng trần trong hôm nay càng gây chú ý, khi chỉ ngay ngày mai 9-9 các "án phạt" dành cho hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" chính thức có hiệu lực.

Cụ thể, từ ngày mai, cổ phiếu FLC và HAI chính thức bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM - HoSE, do doanh nghiệp niêm yết liên tục vi phạm quy định công bố thông tin.

Cũng trong ngày mai, cổ phiếu GAB chính thức bị đưa vào diện cảnh báo, do quá hạn nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 theo quy định.

Trước ngày bị phạt nặng, nhiều cổ phiếu họ FLC tăng kịch trần - Ảnh 2.

Các "án phạt" cổ phiếu "họ FLC" đang phải chịu do vi phạm trên thị trường chứng khoán - Ảnh: B.MAI

Trong phiên hôm nay, giới đầu tư cũng tập trung theo dõi diễn biến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, khi HoSE vừa đưa ra lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu do doanh nghiệp liên tục làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. 

Với áp lực bán tháo, mã HVN xuống giá sàn 15.150 đồng/cổ phiếu. Như vậy chỉ sau một phiên, hãng hàng không quốc gia đã bị "bốc hơi" hơn 2.400 tỉ đồng vốn hóa. 

Trở lại thị trường chung, mặc dù trong phiên sáng nay vẫn duy trì sắc xanh, nhưng sức mua vẫn khá dè dặt. Đến gần cuối phiên chiều nguồn cung cổ phiếu ra thị trường tăng cao hơn. 

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 8,57 điểm (-0,69%) xuống 1.234,6 điểm. Sắc đỏ cũng bủa vây sàn HNX, rớt 1,9 điểm (-0,67%) xuống 282,15 điểm. Con số giảm ở sàn UpCOM là 0,07 điểm (-0,08%) xuống 09,31 điểm. Tổng thanh khoản đạt hơn 16.700 tỉ đồng, giảm 30% so với phiên liền trước. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta - nhận định, thời gian một số cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đã tăng khi xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước cho nới room tín dụng. Do đó, ngay sau khi tin đồn này trở thành sự thật, các nhà đầu tư đã lập tức bán cổ phiếu. Chưa kể, tỉ lệ nới room tín dụng không nhiều, chỉ dao động 0,7-4%. 

"Các doanh nghiệp bất động sản đang rất đói vốn. Vào hai quý cuối năm các doanh nghiệp sản xuất cũng thèm khát tín dụng. Trong khi chỉ cần 1 tuần là ngân hàng có thể đã giải ngân xong 1% room tín dụng vừa được nới", ông Minh cho hay. 

Đồng thời, giai đoạn trước thị trường chứng khoán thế giới giảm, nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn "gồng". Thông tin nới room tín dụng đã không tạo ra cú hích lớn cho thị trường, trong khi nhiều nhà đầu tư cũng chưa biết bám víu vào tin nào, trở thành giọt nước tràn ly.

Theo ông Minh, xu hướng ngắn hạn đã bị chuyển sang giảm, nên nhà đầu tư cần cẩn trọng, tranh thủ các nhịp của thị trường để hạ tỉ trọng cổ phiếu xuống còn 30-40%, hạ đòn bẩy tài chính (margin). 

Đối với những nhà đầu tư dài hạn hơn, có thể chờ cơ hội, trú ẩn vào các cổ phiếu tốt của những dòng ít bị ảnh hưởng tiêu cực hơn khi nền kinh tế khó khăn như điện, nước, sản xuất, thực phẩm, bán lẻ, hóa chất. 

Đội ngũ chuyên gia của nhiều công ty chứng khoán khác như TVSI, BSC, SHS... cũng chung quan điểm thị trường đã bước sang giai đoạn giảm điểm, nhà đầu tư cần hạ tỉ trọng cổ phiếu về mức an toàn.

Bị EY Bị EY 'bất ngờ' từ chối kiểm toán, Tân Tạo xin gia hạn nộp báo cáo tài chính

TTO - Bị Ernst & Young Việt Nam 'đột ngột' từ chối kiểm toán, nên Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo phải tìm đối tác mới, đồng thời xin gia hạn nộp báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2022.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên