Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo dính phải lùm xùm sửa số tiền tạm ứng chuyển cho bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch hội đồng quản trị, từ 1.973 tỉ đồng xuống còn 633 tỉ đồng, với lý do "hạch toán sai" - Ảnh: ITA
Hôm nay 8-9, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa công bố thông tin, về việc ông Nguyễn Thanh Phong - phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) - thay mặt doanh nghiệp gửi công văn đến xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, lý do xin gia hạn được lãnh đạo Tân Tạo đưa là "thay đổi công ty kiểm toán đột ngột vào cuối tháng 7-2022", trong khi thời hạn nộp báo cáo là vào ngày 30-8-2022.
Với sự thay đổi đột ngột này, kèm theo khối lượng công việc lớn, nên công ty kiểm toán mới thay thế không kịp phát hành báo cáo tài chính soát xét như thời gian đúng quy định.
"Một lần nữa, Công ty Tân Tạo khẳng định, đây là trường hợp bất khả kháng mà Công ty Tân Tạo đang gặp phải", phía doanh nghiệp nhấn mạnh, đồng thời xin được gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 vào ngày 30-9 tới.
Trước đó, vào ngày 25-7, Tân Tạo công bố đã ký hợp đồng với đối tác mới là Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán & kiểm toán phía Nam (AASCS).
Trong khi đối tác kiểm toán lâu nay vốn là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) - một trong bốn hãng kiểm toán lớn hàng đầu thế giới (Big4).
Phía Tân Tạo giải thích, trong suốt thời gian gia đã ký hợp đồng để EY Việt Nam kiểm toán báo cáo tài chính và thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận, đồng thời thực hiện tiến độ công việc kiểm toán và công bố báo cáo tài chính định kỳ theo luật quy định. Như thường lệ, vào tháng 6 hằng năm, giữa hai bên sẽ ký hợp đồng kiểm toán để thực hiện kiểm toán cho năm tài chính mới.
Tuy nhiên, Tân Tạo cho biết, EY Việt Nam thông báo sẽ không tiếp tục tái ký hợp đồng dịch vụ kiểm toán ngay sau khi hết hợp đồng mà không gửi thông báo trước.
"Vì sự từ chối bất ngờ" trên nên Tân Tạo "đã phải tìm công ty kiểm toán khác thay thế trong thời gian gấp gáp".
Bàn về hậu trường chung của ngành kiểm toán, TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM - chia sẻ, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp được một trong 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới - Big4 (Deloitte, EY, KPMG và PwC) kiểm toán thì nhà đầu tư cũng không nên đặt niềm tin 100%. Tuy nhiên vì muốn giữ danh tiếng, nên các công ty thuộc Big4 thường từ chối kiểm toán một số doanh nghiệp "đặc biệt". Vì vậy độ tin cậy của Big4 cũng cao hơn nhiều công ty kiểm toán khác.
Trước đó giới đầu tư chứng khoán xôn xao về việc Tân Tạo tạm ứng tới 1.973 tỉ đồng (khoảng 15% tổng tài sản công ty), nêu trong báo cáo tài chính quý 2-2022, để chuyển cho bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch hội đồng quản trị, đang sống ở nước ngoài. Sau làn sóng dư luận, phía Tân Tạo đã giảm số tiền xuống còn 633 tỉ đồng, với lý do hạch toán sai.
Để đảm bảo quyền lợi cổ đông, minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán, trong tháng 8 HoSE 4 lần phát công văn yêu cầu phía Tân Tạo giải trình thông tin trong vòng 24 giờ, nhưng doanh nghiệp vẫn im lặng, buộc HoSE phải xử phạt bằng cách đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo.
Vào ngày 7-9 vừa qua, HoSE cũng đã thông báo về khả năng Tân Tạo rơi vào diện kiểm soát vì chậm công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022.
Mới đây Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo, đồng thời phối hợp ngân hàng để xác minh số tiền doanh nghiệp này đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, chuyển hồ sơ cho công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm. Việc làm này nhằm kịp thời xử lý trường hợp gian lận trong kê khai nộp thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận